17/02/2021 11:30  
Dưới đây là 10 hãng phần cứng lớn nhất hành tinh, vừa phải đối mặt với thách thức lại vừa cố tận dụng cơ hội do đại dịch tạo ra.

COVID-19 một mặt gây ra tình trạng "nghẽn cổ chai" ở chuỗi cung ứng, mặt khác lại làm bùng nổ nhu cầu chưa từng có với nhiều sản phẩm. Dưới đây là 10 hãng phần cứng lớn nhất hành tinh, vừa phải đối mặt với thách thức lại vừa cố tận dụng cơ hội do đại dịch tạo ra.

Lần đầu tiên trong một thập kỷ, ngành kinh doanh máy tính tăng trưởng tới hai chữ số. Dự báo trong năm 2021, quy mô toàn bộ thị trường phần cứng máy tính đạt 944 tỷ USD, các mặt hàng gồm bo mạch chủ, RAM, ổ cứng, card đồ họa, bàn phím, chuột, webcam, máy in,... đều bán chạy hơn trước. Nhu cầu làm việc và học tập từ xa được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Cùng với đó, máy chơi game cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng cháy hàng. Nintendo Switch từng bị săn lùng ráo riết khắp nơi khi dịch mới bùng phát ở các nước phương Tây. Hai hãng Sony và Microsoft không thể cung ứng đủ thế hệ console mới, cảnh báo tình trạng khan hiếm sẽ còn tiếp diễn cho tới cuối 2021. Tấm nền hay chip bán dẫn cũng đều sốt hàng vì nhu cầu tăng.

Chính trong hoàn cảnh như vậy, những doanh nghiệp kinh doanh phần cứng trong ngành công nghệ lại càng được thử thách hơn. Hãy cùng điểm qua 10 cái tên lớn nhất thế giới, đang tận dụng cơ hội mà đại dịch tạo ra cũng như phải đau đầu xử lí vấn đề tắc nghẽn nguồn cung linh kiện điện tử. Danh sách được xếp ngẫu nhiên không theo thứ tự, số liệu tài chính tham khảo từ Fortune.

Panasonic

  • Doanh thu: 68,8 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 2 tỷ USD.

  • Tài sản: 57,5 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 259 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Kadoma, Nhật Bản.

Panasonic là một trong các hãng sản xuất phần cứng lớn nhất thế giới. (Ảnh: Entrepreneur)

Với tuổi đời hơn một thế kỷ, Panasonic hiện là một trong các tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới. Khởi đầu là một cơ sở sản xuất bóng đèn, nay công ty Nhật Bản đã mở rộng ra nhiều mặt hàng khác. Danh mục sản phẩm trải dài gồm có TV, tủ lạnh, máy rửa bát, máy giặt, hệ thống điều hướng ô tô, linh kiện điện tử, thiết bị ngoại vi, máy móc công nghiệp, thiết bị chiếu sáng, đèn điện, dụng cụ điện,...

Intel

  • Doanh thu: 71,9 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 21 tỷ USD.

  • Tài sản: 136,5 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 110 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Santa Clara, Mỹ.

Không có danh sách nào về các hãng công nghệ lớn mà lại thiếu cái tên Intel. Công ty Mỹ là một đơn vị sản xuất chip xử lý lớn nhất hành tinh, cung ứng hàng triệu sản phẩm mỗi năm. Hiện tại, Intel vẫn là hãng chip máy tính lớn nhất thế giới, hiện diện trên laptop, desktop, máy chủ, thiết bị viễn thông,... Hãng có dải linh kiện điện tử phong phú như bộ vi xử lý, SoC độc lập.

Intel là hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất (ảnh: Intel)

IBM

  • Doanh thu: 77,1 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 9,4 tỷ USD.

  • Tài sản: 152,1 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 380 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Armonk, Mỹ.

Một cái tên xa lạ với người dùng phổ thông, nhưng IBM lại là một trong những hãng công nghệ đi đầu của thế giới. Tập đoàn đa quốc gia cung cấp phần cứng, phần mềm, dịch vụ đám mây, giải pháp trí tuệ nhân tạo, máy tính mainframe, công nghệ nano,... IBM là một cái tên sừng sỏ khi nhắc tới R&D, nắm giữ kỷ lục là doanh nghiệp Mỹ sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất 28 năm liên tiếp.

IBM là doanh nghiệp Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng số bằng sáng chế được cấp hàng năm. (Ảnh: Shutterstock)

Dell

  • Doanh thu: 92,1 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 4,6 tỷ USD.

  • Tài sản: 118,8 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 165 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Roud Rock, Mỹ.

Dell là cái tên quen thuộc với người dùng máy tính tại Việt Nam, đây cũng là một trong các hãng phần cứng công nghệ lớn nhất. Sản phẩm của Dell gồm có phần cứng, phần mềm, hệ thống quản lí đám mây, bảo mật, dịch vụ điện toán cho người dùng cuối. Bên cạnh laptop đã rất nổi tiếng khi là một trong 5 hãng lớn nhất, hãng cũng sản xuất cả desktop, workstation, màn hình, máy in, thiết bị lưu trữ,...

Sony

  • Doanh thu: 75,9 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 5,3 tỷ USD.

  • Tài sản: 213 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 117 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Tokyo, Nhật.

Tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản sở hữu hơn 1.500 công ty con trên toàn cầu, không chỉ tham gia lĩnh vực điện tử mà còn hiện diện trong cả ngành giải trí lẫn tài chính. Nhưng trong danh sách này, chúng ta sẽ chỉ nói về sản phẩm phần cứng của hãng. Họ phát triển và sản xuất dải thiết bị rộng khắp như linh kiện điện tử, nổi tiếng nhất là cảm biến hình ảnh CMOS, bên cạnh màn hình OLED và LCD hiển vi, diode laser, chip bán dẫn,...

Sony là một trong các hãng điện tử lớn nhất, với dải sản phẩm phần cứng rất đa dạng. (Ảnh: Sony)

Các thiết bị điện tử của công ty gồm có TV, máy chụp ảnh, máy quay phim, máy chiếu hình, máy nghe nhạc, tai nghe, điện thoại, dàn âm thanh, hệ thống thông tin giải trí trên xe hơi, màn hình tham chiếu, robot,... Cá biệt có PlayStation 5, tuy là mẫu console do bên giải trí làm ra nhưng vẫn là một sản phẩm phần cứng thuộc Sony. Đây hiện cũng là phần cứng thành công nhất của hãng, giúp đưa vốn hóa thị trường lên ngưỡng 140 tỷ USD.

Siemens

  • Doanh thu: 97,9 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 5,8 tỷ USD.

  • Tài sản: 163 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 385 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Munich, Đức.

Giống như trường hợp của IBM, Siemens cũng là một hãng sản xuất phần cứng lớn nhưng ít người biết tới. Danh mục đầu tư của công ty châu Âu rộng khắp, bao gồm cơ sở hạ tầng và thành phố thông minh, giải pháp tự động hóa, chăm sóc sức khỏe,... Họ là một tay chơi lớn khi nhắc tới thiết bị chuẩn đoán y tế, xạ trị, máy móc ngành năng lượng. Ngoài ra, hãng còn sản xuất cả hệ thống đường sắt, xử lý nước thải, cảnh báo cháy,...

Siemens là một trong các công ty châu Âu góp mặt vào danh sách. (Ảnh: Shutterstock)

Microsoft

  • Doanh thu: 125,8 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 39,2 tỷ USD.

  • Tài sản: 286,5 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 144 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Redmond, Mỹ.

Một cái tên xuất hiện trong danh sách có thể khiến nhiều người bất ngờ. Microsoft nổi tiếng với phần mềm và dịch vụ đám mây, tuy nhiên những năm gần đây họ cũng mang tới những sản phẩm phần cứng ấn tượng. Đó là dòng máy tính và bảng tương tác dưới thương hiệu Surface, máy chơi game Xbox và kính thực tế tăng cường Hololens. Mới đây, họ đã giới thiệu điện thoại có hai màn hình Surface Duo.

Microsoft gần đây gây ấn tượng với các sản phẩm phần cứng như dòng Surface và Xbox Series X/S. (Ảnh: Pixabay)

Foxconn

  • Doanh thu: 172,8 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 3,7 tỷ USD.

  • Tài sản: 110 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 750 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Tân Bắc, Đài Loan.

Hon Hai Precision Industry hay còn có tên là Foxconn, một trong những doanh nghiệp điện tử lớn nhất toàn cầu cũng có mặt trong danh sách hôm nay. Công ty Đài Loan không nổi tiếng lắm với người dùng cuối, nhưng rất nhiều sản phẩm trong tay bạn lại do họ làm ra. Foxconn là hãng gia công theo hợp đồng lớn nhất thế giới, sở hữu lực lượng lao động đông nhất hành tinh. Nhờ đó, họ có thể đảm nhận sản xuất iPhone, iPad, Kindle, PlayStation, Xbox, Switch,... của các đối tác.

Công ty Đài Loan là một trong các hãng điện tử lớn nhất, sở hữu lực lượng lao động đông nhất, đối tác gia công theo hợp đồng của nhiều hãng. (Ảnh: Nikkei)

Tuy nhiên, Foxconn cũng có dải sản phẩm của riêng mình, thông qua các công ty con như Sharp, FIH Mobile (thiết kế và sản xuất điện thoại Nokia), Belkin. Không chỉ vậy, Foxconn còn tham gia đầu tư vào công nghệ nano, truyền nhiệt, màn hình, kết nối không dây và khoa học vật liệu. Bên cạnh sản xuất nhiều linh phụ kiện điện tử khác như tai nghe, cable, bảng mạch, chip máy tính,...

Samsung

  • Doanh thu: 197,7 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 18,4 tỷ USD.

  • Tài sản: 304 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 287 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Suwon, Hàn Quốc.

Là niềm tự hào của người Hàn Quốc, Samsung nghiễm nhiên xuất hiện trong danh sách các hãng phần cứng lớn nhất khi mà tập đoàn này sở hữu Samsung Electronics, một trong những công ty điện tử lớn nhất thế giới. Dải sản phẩm của công ty vô cùng đồ sộ, từ các linh kiện điện tử như màn hình, chip nhớ, vi mạch,... cho tới những thiết bị đầu cuối.

Samsung sở hữu dải sản phẩm phần cứng đồ sộ hiếm có công ty nào bì kịp. (Ảnh: Analytics India Megazine)

Nổi tiếng nhất chính là TV và smartphone, ngoài ra còn có laptop, màn hình máy tính, tai nghe, dàn âm thanh, camera giám sát an ninh,... Đồ gia dụng Samsung có thể kể ra như tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, lò vi sóng,... Hãng cũng cung cấp cả thiết bị mạng cạnh tranh với Nokia, Ericsson.

Apple

  • Doanh thu: 260 tỷ USD.

  • Lãi ròng: 55,2 tỷ USD.

  • Tài sản: 338 tỷ USD.

  • Nhân sự: hơn 137 ngàn người.

  • Trụ sở chính: Cupertino, Mỹ.

Cuối cùng là Apple, thương hiệu vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Hãng công nghệ Mỹ hiện là công ty giá trị nhất hành tinh với vốn hóa hơn 2,3 ngàn tỷ USD. Dải phần cứng của họ gồm rất nhiều sản phẩm thành công như iPhone, iPad, MacBook, AirPods, Apple Watch,... Kết hợp với hệ điều hành cùng các dịch vụ tự phát triển, Apple đã tạo thành một hệ sinh thái khép kín.

Apple nổi tiếng với một hệ sinh thái "trói buộc" người dùng. (Ảnh: Malwarebytes Labs)

(Theo VnReview, Ambitious Man)

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Apple   Nhật Bản   Panasonic   Surface   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   iPhone   laptop   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...