04/02/2021 10:05  
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Sài Gòn lại ra chợ sớm để tìm mua những con cá chép đẹp mã, khỏe khoắn để về làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, sau đó đi phóng sinh tại các kênh, rạch hoặc các sông lớn.
Theo quan niệm của người Việt, nếu cúng cá chép sống thì sau khi thắp hương, người ta sẽ mang cá ra sông, ao, hồ gần nhà để thả. Việc thả cá chép sống vừa mang ý nghĩa đưa ông Táo về trời, vừa mang ý nghĩa cuối năm làm nhiều việc thiện, phóng sinh.
Từ 6 giờ 30 phút sáng nay, chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) các hàng cá đã tấp nập người chờ mua cá chép đỏ. Vì hàng cá nằm ở trong chợ ngay sát đường Bùi Hữu Nghĩa nên nhiều người tiện đường dừng mua luôn khiến giao thông qua khu vực ùn tắc, lực lượng trật tự đô thị và Ban Quản lý chợ phải điều tiết giao thông để giải tỏa. 
Bà Nguyễn Thị Ngân (53 tuổi) cho biết, năm nay cá chép đỏ có giá đắt hơn năm ngoái, mà con cá cũng nhỏ hơn. Nhưng mỗi năm chỉ có 1 lần nên ai sau khi hỏi xong cũng mua luôn mà không trả giá thêm vì biết đó là mức giá chung. 
"Tôi mua 1kg cá chép đỏ về cúng rồi mang đi phóng sinh. Giá cá năm nay đắt hơn, nhưng không vì vậy mà tôi mua bớt đi, năm có 1 lần tính toán chi với ông Táo", bà Ngân cười nói.
Chủ một hàng cá trong chợ Bà Chiểu cũng chia sẻ, cá chép đỏ năm nay giá đắt hơn năm trước vì cá khan hiếm hàng hơn, đến gần 9 giờ sáng, dù tấp nập người đến mua, hàng của bà bán liên tay nhưng cũng chưa đắt hàng bằng năm ngoái.
Theo khảo sát, giá 1 bịch gồm 3 con cá chép vừa có giá 70.000 đồng, 3 con nhỏ là 60.000 đồng, 1kg cá chép đỏ giá 130.000 - 150.000 đồng, cá trê nhỏ để phóng sinh giá 40.000 đồng. 
Bên cạnh hàng cá, các hàng trái cây, giấy tiền, xôi chè nhiều người cũng bịt khẩu trang kín mít mua đồ về cúng.
Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chủ các hàng cá cũng bán liên tay, người dân thường mua cá theo bịch 3 con để về cúng và phóng sinh. Những người đi chợ trong sáng 23 tháng Chạp hầu như ai cũng treo bịch cá chép trên xe. Cá chép ở chợ Phạm Văn Hai được bán theo con, con lớn 100.000 đồng, con vừa 50.000 đồng, con nhỏ 20.000 đồng.
Dù là sáng sớm, trong lúc các chợ vẫn đang tấp nập bán buôn cá chép thì nhiều người đã cúng xong và mang cá đi phóng sinh ở bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Về phong tục cúng cá chép khi tiễn ông Táo về trời, TS Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, dân gian truyền miệng đây là một loài động vật sống trên thiên đình, nhưng do phạm lỗi nên bị đày xuống hạ giới. Sau khi tu thành chính quả, cá chép sẽ hóa rồng và bay trở lại thiên đình.
Câu chuyện ông Táo cưỡi cá chép thể hiện mong ước của nhân dân về sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Đó là mơ ước ngàn đời của con người. Dân gian tin rằng cưỡi cá chép thì được thăng hoa, thăng tiến.
Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cũng cho biết, trong gia đình Việt, bếp núc rất quan trọng. Nghi thức cúng ông Táo ngoài ý nghĩa tâm linh còn nhắc nhở chúng ta chăm sóc căn nhà, để giữ hơi ấm gia đình.
Theo ông Lộc, mâm cúng ông Táo thường có các món ăn truyền thống như: gà luộc, xôi gấc, chân giò, trầu rượu, vàng mã và con cá chép sống đặt trong chậu nước.
Cúng tiễn ông Táo về trời phải được thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, giờ đẹp nhất là từ 9 - 11 giờ. Hiện nay, vì bận rộn công việc nên có nhà cúng ông Táo từ đêm 22 tháng Chạp, một số nhà vẫn dùng cá chép giấy.

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM   Người Sài Gòn   Việt Nam   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...