01/04/2021 10:25  
TP HCMBa dự​ án cải tạo kênh Hy Vọng, A41, mương Nhật Bản giúp chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, giảm ô nhiễm môi trường.

Đây là ba hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên các kênh nhỏ hẹp, bị lấn chiếm, xả rác và việc triển khai dự án chậm trễ nhiều năm khiến sân bay thường ngập vào mùa mưa, gây mất an toàn hàng không. Chính quyền thành phố gần đây phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án giúp giảm ngập khu vực sân bay khi mùa mưa sắp tới.

Kênh Hy Vọng trên địa bàn phường 15, đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay, cùng lưu vực 51 ha xung quanh. Nước thoát xuống kênh Hy Vọng sẽ đổ về tuyến Tham Lương - Bến Cát. Hiện, kênh Hy Vọng trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng khoảng 200 hộ dân sống dọc bờ.

Tám năm trước, kênh Hy Vọng được lập phương án cải tạo kênh hở dài hơn 1,1 km, kết hợp làm đường hai bên. Ba năm sau đó, việc cải tạo kênh trở thành hạng mục thuộc dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).

Sau khi WB ngưng tài trợ năm 2017, TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành công việc thuộc dự án và quyết toán để tìm nguồn vốn khác. Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) lập hồ sơ đầu tư dự án kênh Hy Vọng với tổng chi phí hơn 1.980 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 1.460 tỷ đồng so với trước (gần 514 tỷ đồng) do cập nhật giải phóng mặt bằng, với tổng diện tích giải toả khoảng 21.200 m2.

Dự án được đề xuất làm từ nay đến năm 2025, với đoạn cải tạo từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài hơn 1,1 km, trong đó phần lớn làm kênh hở hình chữ nhật. Công trình bố trí 55 hố thu kết nối thoát nước dọc bờ và xây mới 9 cống xả, hai cống qua đường. Dọc bờ, dự án làm đường hai bên rộng 6 m cùng vỉa hè; hệ thống thoát nước, chiếu sáng, lan can...

Kênh Hy Vọng khi hoàn thành cải tạo ngoài tăng khả năng thoát nước còn góp phần đảm bảo an toàn sân bay và cải thiện môi trường. Hai tuyến đường xây dọc kênh cũng giúp đi lại người dân thuận tiện hơn; tăng giá trị quỹ đất...

Phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất, khoảng 50% bãi đỗ máy bay và toàn bộ diện tích thuộc nhà máy A41, một phần đất thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - không quân) thoát nước ra kênh A41. Tuyến kênh này cũng đang trong tình trạng bị lấn chiếm, dòng chảy thu hẹp, môi trường ô nhiễm.

Trước đó, dự án cải tạo kênh A41 đã có chủ trương của HĐND TP HCM gồm hai giai đoạn: 2016-2018 làm công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng với kinh phí 400 tỷ đồng; 2017-2019 là 160 tỷ đồng. Tuy nhiên vướng mắc chính liên quan giải phóng mặt bằng khiến dự án chưa triển khai.

Theo kế hoạch, dự án thực hiện từ tường rào sân bay đến đường Cộng Hoà, dài khoảng 2 km. Trong đó từ đường Út Tịch đến Giải Phóng làm cống hộp đôi và từ đường Giải Phóng đến Phan Thúc Duyện xây cống hộp đơn. Phía trên làm đường rộng 12 m, vỉa hè mỗi bên 4 m cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh...

Dự án này hiện do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Địa phương đang tích cực làm các thủ tục và giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công quý 4 năm nay, hoàn thành năm 2022. Việc đầu tư cải tạo tuyến kênh này được đánh giá quan trong do còn đảm nhận thoát nước khu vực nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến khai thác năm 2023.

Mương Nhật Bản gồm nhánh một và hai, đảm nhận chống ngập cho sân bay ở hướng Đông, với các khu vực nhà ga, kho xăng dầu, sân đỗ máy bay... đưa nước về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuyến mương này hiện còn dự án cải tạo nhánh hai chờ xây dựng, với kế hoạch làm cống hộp kết hợp xây đường phía trên rộng 8-10 m.

Trước đó năm 2016, dự án cải tạo mương Nhật Bản nhánh một từ tường rào sân bay đến đường Nguyễn Kiệm (quận Tân Bình và Phú Nhuận) hoàn thành. Công trình đầu tư gần 100 tỷ đồng, làm cống hộp dài hơn 1,2 km, phía trên xây đường dài gần 800 m, rộng 14 m cùng vỉa hè, chiếu sáng... Dự án đưa vào khai thác giúp khu vực sân đỗ máy bay A75 và đường băng giáp mương Nhật Bản cùng khu dân cư xung quanh không còn ngập. Đường phía trên cũng giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, giảm ô nhiễm.

Tại buổi thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn làm việc với UBND TP HCM hôm 26/3, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng tuyến cống hộp, dài khoảng 1,3 km từ sân bay ra kênh Tham Lương nhằm tăng khả năng thoát nước. Tuyến này nằm dưới đường Trường Chinh, song song hệ thống cống hiện hữu.

Tuy nhiên theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm, nếu triển khai có thể tăng ùn tắc trên đường Trường Chinh trong bối cảnh tuyến này vốn có tình hình phức tạp, đặc biệt sắp tới thi công Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại đây. Thứ trưởng Lê Tuấn Anh đã giao đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện phương án hoặc có thêm giải pháp trình cấp thẩm quyền xem xét.

Gia Minh

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   Ngân hàng   Nhật Bản   hoàn thành công việc   quy hoạch   sân bay   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...