14/10/2020 19:10  

3 ngân hàng 0 đồng lỗ luỹ kế gần 66.000 tỉ đồng

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội về kết quả hoạt động năm 2020.
Trong một số kết quả nổi bật của kiểm toán năm nay được điểm ra, KTNN điểm danh một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, như Ngân hàng TMCP Đại chúng 13.656 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn 8.654 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt 3.153 tỉ đồng, Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) 132 tỉ đồng, Ngân hàng Mizuho chi nhánh TP.HCM 192 tỉ đồng, Ngân hàng Busan chi nhánh TP.HCM 83 tỉ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga 69 tỉ đồng.
KTNN cũng chỉ ra việc chưa có phương án cơ cấu khả thi được phê duyệt đối với 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng) trong khi tình hình tài chính của các ngân hàng này ngày càng khó khăn, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.
Năm 2018 lỗ lũy kế của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là 15.412 tỉ đồng, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam là 29.755 tỉ đồng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) là 13.380 tỉ đồng.
Năm 2019 lỗ lũy kế của các ngân hàng lần lượt là 17.971 tỉ đồng; 31.681 tỉ đồng và 16.280 tỉ đồng.
Như vậy, tổng lỗ luỹ kế của 3 ngân hàng 0 đồng đến cuối 2019 là 65.932 tỉ đồng, tăng 7.385 tỉ đồng so với năm 2018.
Trước đó, hồi tháng 5.2018, sau khi kiểm toán 2 ngân hàng 0 đồng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã cho rằng cần phải tập trung giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng. Có thể “bán hoặc giải thể, phá sản... bằng một biện pháp nào đó để tránh tình trạng lỗ mẹ chồng lên lỗ con”.
Ông Phớc đơn cử, tại thời điểm đó, GPBank mỗi ngày lỗ khoảng 3,6 tỉ đồng, thì mỗi năm cũng mất gần 1.000 tỉ đồng, nên phải tập trung giải quyết càng sớm càng tốt để giữ được ổn định của hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, đến nay việc xử lý các ngân hàng này vẫn dậm chân tại chỗ và số lỗ thì ngày một cao. Có thể nhắc đến GPBank, năm 2019 lỗ thêm so với năm 2018 là 2.900 tỉ đồng, tức là chia trung bình mỗi ngày lỗ 7,9 tỉ.
Ngân hàng Xây dựng năm 2019 lỗ thêm so với 2018 1.926 tỉ đồng, trung bình mỗi ngày lỗ 5,27 tỉ đồng. OceanBank lỗ thêm 2.559 tỉ đồng so với 2018, tức là mỗi ngày lỗ 7 tỉ đồng.

Chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc

Trong 9 tháng đầu năm, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kiểm toán.
Thứ nhất là chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an (C03) về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2 vụ việc).
Chuyển hồ sơ cho Công an TP.Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375 m2 đất tại P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng của doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Gửi hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (2 vụ việc).
Bên cạnh đó, KTNN cũng đã cung cấp 97 bộ tài liệu (báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan) cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát, gồm: cung cấp cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư 37 tài liệu; Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội 31 tài liệu.
Chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an 19 tài liệu; Cục An ninh kinh tế Bộ Công an 2 tài liệu; Công an TP.Đà Nẵng 1 tài liệu; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 2 tài liệu; Tỉnh ủy Nghệ An 1 tài liệu; Văn phòng Chính phủ 1 tài liệu; Thanh tra Chính phủ 1 tài liệu; Tỉnh ủy Đắk Lắk 1 tài liệu; UBND TP.Hải Phòng 1 tài liệu.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bình Phước   Chính phủ   Công an   Cục Thuế   HCM   Kinh tế   MC   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...