04/10/2020 17:50  
Ngày 4/10/1988, đôi song sinh Việt - Đức dính nhau vùng bụng chậu được mổ tách. 19 năm sau, ngày 6/10/2007 Nguyễn Việt mất.

Ngày 4/10 kỷ niệm 32 năm ca mổ tách dính lịch sử của Việt Nam, Nguyễn Đức, nay 39 tuổi, bày tỏ chưa bao giờ nguôi nhớ và ngừng biết ơn người anh đã nhường cho mình cơ hội sống khỏe mạnh, hạnh phúc.

Với Đức, những ngày đầu tháng 10 luôn đầy cảm xúc và kỷ niệm. Tháng 10 ghi dấu hai sự kiện anh "không bao giờ được phép quên". Đó là ngày 4/10 kỷ niệm Nguyễn Đức chính thức tách rời khỏi người anh trai Nguyễn Việt sau 8 năm sống cộng sinh; còn 6/10 là ngày giỗ Việt.

Nhớ lại quãng đời gian nan đã đi qua, mắt người đàn ông đôi lần hoe đỏ.

Đôi song sinh chào đời ở xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum năm 1981. Bị nhiễm chất độc da cam, Đức và Việt có hình hài khác thường, dính liền nhau vùng bụng chậu, chung một đôi chân. Hai đứa trẻ sơ sinh bị gia đình bỏ lại trạm xá xã.

Sau hơn một năm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đầu tháng 12/1982, hai anh em được Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cưu mang. Đức nhớ, hai anh em tính cách trái ngược, Việt trầm lắng, ít nói còn Đức hoạt bát, sôi nổi. Thế nhưng hai anh em rất hiểu nhau. Họ phối hợp nhịp nhàng để cùng di chuyển, chơi đùa vui vẻ. Đức cứ ngỡ họ sẽ mãi mãi gắn bó như vậy cho đến già.

Anh còn nhớ, một sáng mùa hè năm 1986, cậu bé Đức khi ấy 6 tuổi bị đánh thức bởi giọng thảng thốt của bác sĩ "Việt sốt cao quá, hôn mê rồi". Hai anh em được bế sang phòng cấp cứu, Bệnh viện Từ Dũ. Các bác sĩ, y tá hối hả bóp bóng thở, nỗ lực cấp cứu cho Việt.

Mới tối qua, hai anh em còn ồn ào tranh nhau xem kênh tivi yêu thích, nay bỗng dưng Việt lả đi, hôn mê. Nỗi sợ hãi bao trùm Đức. Lần đầu tiên trong đời, cậu mơ hồ nhận ra cái chết sẽ chia cách hai anh em. Nhưng Đức còn quá non nớt để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vài ngày sau, bác sĩ giải thích, cơn sốt khiến Việt bị bại não, không thể nói chuyện, vui chơi, hoạt động như bình thường. Vậy là từ nay, mọi sinh hoạt chung Đức phải tự xoay xở một mình, mọi lời trò chuyện với anh trai không còn được hồi đáp.

"Cơn sốt nghiệt ngã khi ấy đã thay đổi hoàn toàn số phận anh em chúng tôi", anh Đức nói.

Trong hai năm tiếp theo, sức khỏe cả hai anh em yếu đi nhiều. Việt thường xuyên đau ốm, ngưng thở. Mỗi lần như vậy, Đức cũng ốm theo. Nguy cơ tử vong đột ngột của Việt đe dọa tính mạng của Đức. Không còn lựa chọn khác, để cứu Đức, các bác sĩ buộc phải tách rời hai anh em.

Mổ tách dính hai đứa trẻ là quyết định táo bạo của các bác sĩ khi ấy, bởi họ chưa từng mổ tách dính và dính nhau phức tạp như Việt - Đức. Bác sĩ Trần Đông A là chỉ huy trưởng ca mổ. Các phương án mổ được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết.

Việt đã bại não, tiên lượng bình phục sau mổ thấp. Các bác sĩ quyết định ưu tiên phần lớn các bộ phận chung như hậu môn, bộ phận sinh dục, thành bụng... cho Đức.

Sau ca mổ sinh tử dài 15 tiếng, Đức hồi phục ngoạn mục. Anh có thể đứng vững, đi lại với chiếc chân bên phải và nạng, thậm chí chạy được xe đạp. Việt sống cuộc đời thực vật 19 năm, phụ thuộc vào máy móc và sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ. Hai anh em tiếp tục sống cùng nhau trong một căn phòng ở Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Năm 2007, Việt qua đời do viêm phổi, xuất huyết đường tiểu và suy thận.

Đức nói, dù thiếu một chân nhưng anh được lớn lên bình thường, được đi học rồi có công việc ổn định và một gia đình nhỏ hạnh phúc. Đó là nhờ công lao các cha mẹ nuôi là bác sĩ, y tá và hơn hết là sự hy sinh của người anh trai. Mỗi sáng ngồi uống cà phê hay khi ăn một món ngon, Đức đều nhớ đến Việt.

"Anh Việt mới là người thiệt thòi nhất. Tôi vẫn luôn ước ao, giá mà không có cơn sốt khi ấy anh tôi vẫn còn khỏe mạnh, còn sống. Chúng tôi có thể san sẻ với nhau những vui buồn và đắng cay đời người. Ngày anh mất, tôi tưởng như mình mất đi nửa cuộc đời", anh Đức chia sẻ.

Đến nay, anh Đức là ông bố tuổi tứ tuần của cặp sinh đôi một trai, một gái 11 tuổi. Anh cho biết mình toại nguyện vì có thể lao động chân chính lo cho cả gia đình, các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

Vài năm trở lại đây, thận của Đức bắt đầu có vấn đề. Năm 2017, anh mổ 5 lần để xử lý tình trạng hẹp niệu quản, gây nhiễm trùng hệ niệu tái phát nhiều lần. Hồi tháng 7, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân mổ lần thứ 6 để đặt ống thông tiểu qua da, giúp thận của anh không bị quá tải, tránh suy thận, chạy thận nhân tạo. Ngày trước, anh Việt cũng vì căn bệnh này mà trở nặng và qua đời.

"Anh tôi vẫn luôn ở trong tôi. Trong tim, trong máu, làn da đều có một phần cơ thể anh. Tôi không sống vô nghĩa được. Tôi phải thật tốt thật khỏe để sống cả phần đời dang dở thay anh", anh Đức nhấn mạnh.

Thư Anh

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   HCM   Hà Nội   Việt Nam   món ngon  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...