16/09/2022 23:23  
Tại chương trình tọa đàm Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam với chủ đề “Sản phẩm mới, thị trường mới” diễn ra chiều 8/8 tại Dinh Độc Lập (TP.HCM), TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đề xuất những giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Yếu tố an toàn trong du lịch được coi trọng nhất

Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Tuấn, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức, thói quen sinh hoạt cũng như nhu cầu du lịch của người dân. Vì thế, “những thay đổi xu hướng du lịch là tất yếu khi sự an toàn của điểm đến hậu Covid được du khách quan tâm hàng đầu” và ông Tuấn phân tích một số xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam như sau:

- Yếu tố an toàn sẽ được coi là quan trọng nhất đối với du khách sau đại dịch. “Khách du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến có mức độ dịch thấp, có hệ thống y tế tốt và nhiều dịch vụ, điểm du lịch bảo đảm quy định vệ sinh an toàn phòng chống dịch. Bên cạnh đó, họ cũng có xu hướng đến những nơi riêng tư, có sự cách biệt để hạn chế tiếp xúc đông người”, ông Tuấn nói.

- Đại dịch giúp con người nhận ra giá trị và tầm quan trọng của sức khỏe. Do đó, ông Tuấn cho rằng, được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, thư giãn, phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh sẽ là một trong những nhu cầu của du khách. Với nhu cầu này, du khách sẽ quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường của điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng…

- Các sản phẩm du lịch mới sẽ hấp dẫn du khách: tu dưỡng tâm hồn; trải nghiệm cách sống của từng địa phương  (Staycation); du lịch y tế hậu Covid-19; tour online mọi nơi trên thế giới; du lịch áp dụng công nghệ tự động hóa; du lịch thông minh; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe; du lịch mạo hiểm kết hợp đào tạo kỹ năng (Ed-Ventures); du lịch xanh.

Giải pháp để thu hút khách quốc tế

Nhận định “nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế đang tăng lên. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế”, ông Tuấn đề nghị một số giải pháp để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

1- Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh của ngành du lịch. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động thực hiện các kế hoạch phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc.

2- Cần xây dựng chiến lược hoạch định nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trên cơ sở rà soát lại tình trạng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch và nghiên cứu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) du lịch như vay vốn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế trong giai đoạn đầu quá trình phục hồi du lịch.

3- Cần xem xét việc cấp, miễn thị thực đơn phương hoặc nâng thời gian miễn thị thực cho du khách một số quốc gia là thị trường trọng điểm của ngành du lịch. 

4- Cũng theo ông Tuấn, xu hướng ứng dụng phần mềm số trong việc đặt dịch vụ, thực hiện mua bán tour… được nhiều du khách quan tâm trong giai đoạn vừa qua, vì thế các công ty du lịch Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để giúp du khách đặt tour, hoàn thiện thủ tục "không tiếp xúc".  

“Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, TP.HCM  cần tận dụng cơ hội sắp tới sẽ là địa điểm diễn ra sự kiện trao giải du lịch thế giới để đẩy mạnh chương trình xúc tiến và quảng bá điểm đến với các thị trường trọng điểm.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...