08/03/2021 11:35  
Trường hợp 2 khách sạn Queen và khách sạn Symphony (TP HCM) biết những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mà vẫn chứa chấp, giúp sức có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên quan vụ phát hiện 40 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, lưu trú tại 2 khách sạn ở quận 1 và quận Gò Vấp, Công an TP.HCM đã chỉ đạo Công an Quận 1, Công an quận Gò Vấp làm rõ hành vi kinh doanh lưu trú mà không tổ chức khai báo của khách sạn Queen và khách sạn Symphony để xử lý theo quy định.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi trên, 2 khách sạn trên sẽ chịu trách nhiệm gì?
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trường hợp 2 khách sạn Queen và khách sạn Symphony (TP HCM) biết những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mà vẫn chứa chấp, giúp sức có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nhận thức và hậu quả xảy ra.
“Nếu giúp sức tiếp tay cho các đối tượng tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trái phép thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Đối với các đối tượng có hành vi tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, luật sư Cường cho rằng, đây là hành vi vi vi phạm pháp luật hình sự. Với hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép của nhóm người Trung Quốc sẽ bị xử phạt hành chính.
“Thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những hành vi này có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Do đó, trường hợp nhập cảnh, tổ chức nhập cảnh trái phép mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự cả đối tượng tổ chức và đối tượng nhập cảnh trái phép” – luật sư Cường cho hay.
Dẫn cụ thể quy định tại điều 17, Nghị định 167, luật sư Cường cho biết, đối với người nhập cảnh trái phép, nếu có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Với người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Do đó, đối với 40 người Trung Quốc đi qua biên giới Việt Nam mà không thực hiện thủ tục khai báo hải quan, cũng không thực hiện thủ tục cách ly y tế mà không phải là người tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép với số tiền có thể lên đến 25.000.000 đồng.
Đồng thời, những người này đã không thực hiện biện pháp cách ly y tế, phòng chống dịch bệnh theo pháp luật Việt Nam nên sẽ bị xử phạt về hành vi không tuân thủ quy định về khai báo, cách ly y tế với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo điều 7, Nghị định 117/2020 của Chính phủ.
Trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo điều 341 bộ luật hình sự năm 2015.
Ngoài ra, cùng với việc bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép và hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị trục xuất ra khỏi Việt Nam theo quy định của luật xuất nhập cảnh và luật cư trú.
Với các đối tượng mà trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi suất cảnh, nhập cảnh trái phép mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 347 bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với các đối tượng môi giới, tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, ở lại Việt Nam trái phép t sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, với số lượng người từ 11 người trở lên nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép, các đối tượng môi giới, tổ chức sẽ phải chịu mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Với số lượng người đến 40 người như thông tin ở trên, các đối tượng này có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Trường hợp các đối tượng nhập cảnh trái phép và đối tượng tổ chức môi giới nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo điều 240 bộ luật hình sự năm 2015.
“Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xét nghiệm, tổ chức cách ly y tế và làm rõ hậu quả của hành vi này để tiếp tục có những hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật’ – luật sư Cường cho biết.
Trưa ngày 5/3, Công an quận Gò Vấp kiểm tra hành chính khách sạn Queen trên đường Nguyễn Oanh (phường 17, quận Gò Vấp) và phát hiện 5 người Trung Quốc lưu trú. Những người này đã khai nhận đi từ Phúc Kiến (Trung Quốc) qua các đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới phía Bắc để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Sau đó, tất cả đón xe ô tô vào TPHCM.
Rạng sáng 6/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM phối hợp Công an quận 1 kiểm tra hành chính xe ô tô do Đ.D.T. (SN 1987, ngụ quận Gò Vấp) điều khiển đang đậu trước khách sạn Symphony (phường Bến Thành, Quận 1) và phát hiện trên xe có 13 người nước ngoài. Lái xe khai nhận, chở số người này đến khách sạn Symphony để lưu trú. Tiến hành kiểm tra hành chính khách sạn, lực lượng chức năng phát hiện thêm 22 người nước ngoài đang lưu trú, không khai báo.
Qua quá trình làm việc ban đầu, công an xác định, tất cả những khách lưu trú này đều là người Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Ngay sau khi phát hiện 40 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang lưu trú tại khách sạn ở Quận 1 và quận Gò Vấp, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly theo quy định, đồng thời làm rõ hành vi kinh doanh lưu trú mà không khai báo.

Nguồn: Truyền hình Hà Nội.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Chính phủ   Công an   HCM   Hà Nội   Nghị định   TPHCM   Trung Quốc   Việt Nam   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...