16/12/2020 16:30  
Chuyên gia cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực logistics đã đề xuất 5 bước chuyển đổi cơ bản cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam, trong đó có: rà soát mong muốn, đánh giá độ sẵn sàng…

Chuyển đổi số logistics trở nên cấp thiết

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 đã xác định 8 ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có logistics cùng với giao thông vận tải.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 thời gian qua đã tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các ngành trong đó có ngành logistics. Ngay lúc này chuyển đổi số thực sự trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn và tăng tốc phát triển.

Trao đổi tại hội thảo chuyên đề chuyển đổi số cho lĩnh vực dịch vụ logistics trong khuôn khổ Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam 2020, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương điểm ra 5 nhóm hoạt động có thể đẩy mạnh chuyển đổi số sâu hơn trong thời gian tới như: thiết lập các sàn giao dịch vận tải, kho bãi, container; phát triển các phần mềm để tối ưu hóa các quy trình logistics; các dữ liệu thông minh, phi giấy tờ; tự động hóa các quy trình; cũng như giao dịch giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ ra 4 trở ngại đối với các doanh nghiệp khi chuyển đổi số trong logistics, đó là: Vượt qua trở lực của sự thay đổi, ngần ngại không biết đầu tư bao nhiêu và bắt đầu từ đâu, tâm lý nôn nóng muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức, và trở ngại từ việc doanh nghiệp công nghệ không “rành” logistics và ngược lại.

Lý giải về sự cần thiết phải chuyển đổi số ngành logistics,  ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay hiệu quả hoạt động của ngành này còn nhiều hạn chế, thiếu tính kết nối trong hệ thống. Chất lượng dịch vụ chưa cao, chi phí logistics vẫn cao hơn mức trung bình thế giới.

Đặc biệt, ông Tương dẫn ra kết quả khảo sát do VLA thực hiện năm 2018, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành logistics Việt Nam còn chưa cao, đa phần vẫn là các giải pháp đơn lẻ, khoảng 40% là các ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử, khai báo hải quan…

Khảo sát của VLA cũng chỉ ra rằng, chưa có nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam ứng dụng các phần mềm có tính tích hợp cao, dù hiệu quả là rất lớn. “Doanh nghiệp dịch vụ logistics cần các giải pháp công nghệ số, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn”, ông Tương nhấn mạnh.

Dẫu vậy, vị đại diện VLA cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức lớn về chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics, trong đó có sự hạn chế tài chính ban đầu vì khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, còn là khó khăn trong lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch của mỗi doanh nghiệp, các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam, hay tâm lý chưa thực sự tin tưởng và thói quen ngại thay đổi của doanh nghiệp.

Làm gì để chuyển đổi số logistics Việt Nam?

Trên cơ sở xem xét bức tranh tổng thể ngành logistics Việt Nam, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, với vị trí trung tâm của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong logistics sẽ có có tác dụng kích hoạt chuyển đổi số của nhiều thành phần khác. Đồng thời, làm cơ sở để tiến đến kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, mạng cung ứng.

Bàn về cần làm gì để chuyển đổi số logistics, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, số hóa là bước đầu. Chuyển đổi số phải đồng bộ với chuyển đổi nhận thức về mô hình kinh doanh, tác phong chuyên nghiệp và mối quan hệ với con người.

“Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng suất, hiệu quả, cắt giảm chi phí logistics và tối ưu hóa nguồn lực”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Phó Tổng thư ký VLA Nguyễn Tương khuyến nghị, ngành logistics cần triển khai quyết liệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749. “Đề nghị Nhà nước hỗ trợ việc cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn trong điều kiện có thể, nhất là DN đi đầu trong chuyển đổi số”, ông Tương đề xuất.

Từ kinh nghiệm của đơn vị đã cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp logistics, bà Nguyễn Hoàng Anh, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành Công ty Abivin nêu ra 5 bước chuyển đổi số cơ bản gồm: Rà soát mong muốn – Dành thời gian tìm ra vấn đề nhức nhối nhất của doanh nghiệp cần được triển khai; Đánh giá độ sẵn sàng cho việc tái cấu trúc dựa trên yếu tố con người và dữ liệu;

Rà soát quy trình - Doanh nghiệp cần biết mình đang ở đâu, đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi số; Tìm giải pháp phù hợp - Tự xây dựng một hệ thống dựa trên quy trình có sẵn hoặc tận dụng các nhà cung cấp giải pháp; Nuôi dưỡng cam kết - Xây dựng một văn hóa tôn trọng, đề cao sự mới mẻ và tinh thần học hỏi.

“Chuyển đổi số là một quá trình, không phải là việc ngày một ngày hai hay việc triển khai trong một giai đoạn 1, 2, 3 tháng xong. Quá trình này cần được duy trì thành cam kết của toàn doanh nghiệp trong thời gian lâu dài”, bà Hoàng Anh lưu ý.

Vân Anh 

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Mục tiêu   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sáng tạo   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...