13/01/2021 16:35  
Cùng với biến chuyển của nền kinh tế, hội nhập toàn cầu, các công ty gia đình Việt Nam đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam.
1. Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), nắm giữ 30% thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới ở Việt Nam với khoảng 70% thị phần tại thị trường Việt Nam.
Hiện tại, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện là Tổng giám đốc Điều hành của IPP Group, 2 con trai Louis Nguyễn và Phillip Nguyễn cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh của IPP.
Trong đó, Louis Nguyễn là Phó Tổng Giám đốc – Phát triển Kinh doanh Tập đoàn. Phillip Nguyễn là Phó Tổng Giám đốc phát triển dự án.
Con gái ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tiên Nguyễn là Giám đốc Quỹ vì cộng đồng IPP (do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch) kiêm Phó tổng giám đốc phát triển thị trường thời trang cao cấp.
Đến nay, IPPG đã hợp tác đầu tư nhiều dự án trên toàn quốc với tổng số vốn lên đến hàng triệu USD và mang lại doanh thu tích cực, mang đến hơn 25.000 việc làm cho lao động Việt Nam.
Sau hơn 30 phát triển, IPP có 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết; trên 100 thương hiệu trong 6 lĩnh vực kinh doanh và cũng có hơn 1.000 của hàng bán lẻ.
2. Gia đình ông Đỗ Minh Phú - Tập đoàn Doji
Gia đình ông Phú vốn là gia đình có truyền thống 3 đời kinh doanh với thế hệ đầu tiên là cụ Đỗ Thế Sử. Năm 38 tuổi đang là Tổng biên tập báo Sơn Tây, cụ xin nghỉ để làm kinh doanh. Năm 62 tuổi nghỉ hưu, cụ Sử vẫn tổ chức sản xuất hàng may mặc sang Tiệp Khắc. Năm 73 tuổi cụ Sử lập Công ty May mặc Gamexco.
Ông Đỗ Minh Phú cùng người em trai là Đỗ Anh Tú từng gây dựng thành công thương hiệu nổi tiếng Diana cạnh tranh với thương hiệu ngoại Kotex, sau này được bán lại cho tập đoàn Unicharm với giá từ 180-200 triệu USD.
Tập đoàn DOJI do gia tộc họ Đỗ (người sáng lập là ông Đỗ Minh Phú) sở hữu nằm trong danh sách 750 doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới năm 2019. Doji hiện có 7 công ty con và 6 công ty liên kết góp vốn và dẫn đầu thị trường vàng miếng Việt Nam xét theo doanh thu.
Năm 2018, ông Đỗ Minh Phú đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ngân hàng TPBank và theo quy định của luật Tổ chức tín dụng, ông sẽ không nắm giữ chức danh Chủ tịch 6 doanh nghiệp khác gồm DOJI, SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Đá quý và Vàng Yên Bái, Bông Sen Đỏ, BĐS DOJILand.
Trong gia đình, các em ông là Đỗ Anh Tú, Đỗ Anh Tuấn, Đỗ Quốc Bình, Đỗ Xuân Mai, Đỗ Kim Dung đều tham gia vào công việc kinh doanh tại nhiều công ty khác nhau. Hai người con của ông Phú cũng đang nối nghiệp cha khi đảm nhiệm các công việc kinh doanh tại tập đoàn.
3. Gia đình ông Đặng Văn Thành - Tập đoàn Thành Thành Công
Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành - bà Huỳnh Bích Ngọc ghi dấu ấn trên thương trường với 3 lĩnh vực gồm: Ngân hàng, mía đường, bất động sản.
Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960 trong một gia đình gốc Hoa. Ông khởi nghiệp, bước chân vào thương trường từ rất sớm, khi chưa đầy 20 tuổi.
Năm 1979 ông cùng vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc thành lập cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở TPHCM. Hồi đó, công ty của ông chỉ có vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 nhân viên.
Năm 1999, công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH TM - SX Thành Thành Công. Sau nhiều lần điều chỉnh, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên mức 3.000 tỉ đồng vào năm 2011, sau đó công ty được đổi tên thành Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
Năm 1989, ông Thành đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm HTX Tín dụng Thành Công. Đến năm 1991, ông Thành tham gia sáng lập Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng.
Trong khi đó bà Ngọc lại được ví là nữ hoàng mía đường với việc điều hành tập đoàn mía đường TTC có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay.
Sau khi thoái hết vốn tại ngân hàng, ông Thành và ông Đặng Hồng Anh (con trai) quay trở lại và tiếp tục phát triển doanh nghiệp của gia đình.
Con cả Đặng Hồng Anh hiện là phó chủ tịch tập đoàn, phụ trách mảng bất động sản. Con gái Đặng Huỳnh Ức Mi của ông Thành là người kế nghiệp và giữ chức vụ chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công và thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.
4. Gia đình ông Lý Ngọc Minh - Gốm sứ Minh Long
Minh Long là công ty gốm sứ số 1 Việt Nam được sáng lập bởi nghệ nhân Lý Ngọc Minh và người bạn là Dương Văn Long.
Năm 1990, công ty gốm sứ Minh Long là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép xuất khẩu. Trong 5 năm sau, tỷ trọng xuất khẩu của công ty có lúc chiếm 98% sản lượng. Đến năm 1994 Minh Long chuyển sang tập trung vào thị trường nội địa. Sau này Minh Long tách thành Minh Long I và Minh Long II, ông Dương Văn Long đi theo hướng sứ công nghiệp.
Hiện gia đình ông Minh sở hữu 100% Minh Long I. Bốn người con của ông là Lý Huy Sáng, Lý Khả Trân, Lý Huy Đạt, Lý Huy Bửu đều tham gia điều hành kinh doanh.
Doanh nhân Lý Ngọc Minh được xem như linh hồn của gốm sứ Minh Long I.
5. Gia đình ông Trần Quý Thanh - Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Tân Hiệp Phát ra đời năm 1994, vốn là một công ty không tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát dần dần vươn lên thành tập đoàn với nhiều sản phẩm đồ uống được biết đến rộng rãi.
Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Tân Hiệp Phát đã trở thành tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam và cạnh tranh ngang tầm với các tập đoàn nước giải khát Quốc tế tại Việt Nam.
Hiện công việc kinh doanh của Tân Hiệp Phát đang được chuyển giao điều hành sang 2 con gái của ông Trần Quý Thanh là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


HCM   Hà Nội   Kinh doanh   Ngân hàng   SJC   TPHCM   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   hành vi   hợp tác   sản xuất   Đà Nẵng   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...