20/01/2021 8:20  
Nếu bạn là người “nhảy” việc quá nhiều, chắc chắn bạn cần một CV ứng tuyển được viết khéo léo nhằm xua đi tâm lý nghi ngờ của nhà tuyển dụng...

Dưới đây là một vài mẹo nhỏ khi trình bày CV dành cho những người hay “nhảy” việc, giúp bạn tránh được những bất lợi trước nhà tuyển dụng khi tìm việc làm tại Đà Nẵng hay bất cứ nơi nào khác.

Thể hiện sự xuyên suốt về kỹ năng

Sẽ rất đáng quan ngại nếu bạn có một bản CV ứng tuyển vừa “nhảy” việc nhiều, lại vừa “lung tung” về mặt chuyên môn, hay nói cách khác là bề dày kinh nghiệm theo kiểu làm mỗi thứ một chút.

Để tránh điều này, bạn cần thể hiện rõ trong CV kỹ năng nổi bật của mình là gì và bạn áp dụng nó ra sao ở những công ty trước đây. Nếu bạn là một lập trình viên và tập trung vào phát triển kỹ năng này suốt nhiều năm, thì dù bạn có làm qua nhiều nơi, nhà tuyển dụng vẫn sẽ có xu hướng tin tưởng bạn. Điều tương tự áp dụng cho các ngành nghề khác như kế toán, bán hàng, marketing, quản lý dự án..

Tập trung mô tả những công việc quan trọng nhất

Nếu là một người hay “nhảy” việc, bạn nên tập trung làm nổi bật một vài vị trí đáng kể nhất trong sự nghiệp của mình, thay vì trình bày về tất cả các công việc trước đây một cách đồng đều như nhau. Bạn nên biết rằng nhà tuyển dụng có rất ít thời gian cho mỗi CV, vì vậy bạn cần hướng sự chú ý của họ vào những thông tin đáng giá nhất, đó là kinh nghiệm của bạn tại công ty bạn gắn bó lâu nhất, có nhiều thành tích nhất, hoặc là công ty danh tiếng với nhiều cơ hội học hỏi nhất. Việc ưu tiên trình bày về những vị trí tốt nhất sẽ giúp nhà tuyển dụng bớt cảm giác rằng bạn đã nhảy việc quá nhiều, từ đó xóa bỏ những nghi ngại đối với CV ứng tuyển của bạn.

Làm nổi bật mục tiêu nghề nghiệp

Để có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng về sự ổn định và chắc chắn của bản thân khi ứng tuyển, một trong những nội dung bạn cần nhấn mạnh trong CV ứng tuyển của mình là mục tiêu nghề nghiệp. Mặc dù đã trải qua khá nhiều vị trí khác nhau, nhưng nếu bạn xây dựng cho mình một mục tiêu nghề nghiệp đúng đắn và nhất quán, bạn sẽ chứng tỏ được bản thân không phải là người hay “đứng núi này trông núi nọ” - vốn là một tâm lý mà nhà tuyển dụng rất kiêng kị.

Một ví dụ bạn có thể dùng khi trình bày về mục tiêu nghề nghiệp đó là: “Tôi đã theo đuổi ngành xây dựng được 8 năm với rất nhiều kinh nghiệm trong mảng quản lý dự án, với mục tiêu sự nghiệp lớn nhất là trở thành chuyên gia đầu ngành trong quản lý công trình dân dụng tại Việt Nam”.

Xây dựng CV ứng tuyển không theo dòng thời gian

Đúng là hầu hết các CV ứng tuyển hiện giờ đều được trình bày theo dòng thời gian - nhưng đây hoàn toàn không phải một quy tắc áp dụng cho tất cả các ứng viên. Nếu việc trình bày CV theo cách này đem lại bất lợi cho bạn, thì tại sao bạn không thử biến tấu chúng theo hướng có lợi cho mình.

Bạn có thể tham khảo CV theo các giai đoạn của sự nghiệp hoặc CV theo dự án kèm portfolio (hồ sơ năng lực). Mẹo này đặc biệt hữu ích khi bạn làm trong ngành sáng tạo với những công việc như họa sĩ, thiết kế, kiến trúc sư, tổ chức sự kiện...

Giải thích những lần nghỉ việc do yếu tố bên ngoài

Nếu bạn có những lần bị bắt buộc thôi việc do các yếu tố khách quan như tái cơ cấu, sáp nhập công ty, cắt giảm nhân sự hàng loạt, công ty giải thể... bạn cũng nên ghi chú thích vào CV của mình. Việc thay đổi chiến lược và cắt giảm nhân sự của các công ty xảy ra rất thường xuyên trên thị trường lao động, vì vậy nên những chuyên viên tuyển dụng sẽ rất hiểu điều này. Làm rõ việc này giúp bạn gỡ bỏ được phần nào những e ngại của nhà tuyển dụng khi CV của bạn có quá nhiều thay đổi.

“Nhảy” việc nhiều quả thật là một bất lợi khi đi tìm việc, nhưng bạn đừng quá lo lắng. Với một chiến thuật trình bày CV ứng tuyển một cách hợp lý, làm nổi bật những lợi thế sẵn có, bạn vẫn sẽ có nhiều cơ hội chinh phục được nhà tuyển dụng. Chúc bạn sớm tìm được công việc mơ ước.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Việt Nam   chinh phục   chiến lược   chuyên gia   kế toán   lập trình   sáng tạo   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...