27/10/2020 17:10  
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018 cho thấy trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động.

Ở Việt Nam ước tính năm 2018 có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và tỷ lệ tử vong là hơn 15.000 ca.

Thực tế cho thấy, ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, gia tăng nhanh và gây nguy hiểm tới tính mạng. Nếu như trước đây, bệnh gặp nhiều ở người trên 50 tuổi thì ngày nay, ung thư dạ dày cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi, thậm chí có trường hợp dưới 30 tuổi cũng mắc bệnh.

Nguyên nhân khiến ung thư dạ dày ở Việt Nam tăng nhanh và trẻ hóa

Việc ung thư dạ dày đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa và gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây có liên quan tới lối sống, chế độ ăn uống của đại bộ phận người dân Việt Nam:

- Không quan tâm đến chất lượng bữa ăn: Những người có công việc bận rộn thường xuyên ăn những đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các món cay, nóng… Thói quen ăn uống này ảnh hưởng không tốt tới dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

- Sở thích ăn những món ăn vặt ở các quán xá vỉa hè: Những thực phẩm chưa được chế biến chín kỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh… khiến cơ thể dễ nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày.

- Thói quen tụ tập bạn bè uống rượu bia: Thống kê trong 5 năm, Việt Nam tiêu thụ thêm hơn 1 tỉ lít bia, 10 triệu lít rượu. Việc lạm dụng bia rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, tim mạch và các bệnh ở đường tiêu hóa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa.

- Thói quen ăn chung: Người Việt Nam có thói quen ăn chung bát nước chấm, uống chung chén, gắp thức ăn cho nhau hoặc mớm cơm cho trẻ… Thói quen ăn uống này là nguồn lây nhiễm vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây bệnh ở dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.

- Không có thói quen khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người còn chủ quan với các biểu hiện sức khỏe không tốt như: đau bụng, ợ hơi, ợ chua hoặc giảm cân… mà không biết rằng những triệu chứng ấy cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có liên quan tới ung thư.

Triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày

Hiện nay, việc chẩn đoán ung thư dạ dày thường gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn. Vì thế mà 70% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn tới cơ hội chữa khỏi không cao.

Một số dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày bạn cần lưu ý:

 - Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với loét dạ dày. Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.

 - Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. 

 - Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.

 - Nôn ra máu, ợ chua, đầy bụng sau khi ăn, đi ngoài phân màu bất thường thì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.

Chuyên gia lưu ý, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì thế, nếu như thấy những dấu hiệu trên bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

Đối với bệnh ung thư dạ dày, việc tầm soát sớm thông qua các phương pháp thăm khám, chẩn đoán hình ảnh như xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm CEA, CA 72-4, nội soi dạ dày, siêu âm, chụp X-quang hoặc sinh thiết sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm sự hiện diện của khối u. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.

Chế độ ăn cho người mắc ung thư dạ dày

- Nên chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 - 8 bữa/ngày, thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường. Cùng với đó, người bệnh cần chú ý nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn. 

- Nên ăn thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, phomai,… không chỉ giúp cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho sức khỏe người bệnh mau chóng phục hồi mà còn giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy.

- Lưu ý với các loại rau xanh thì nên ăn chín, trái cây nên gọt vỏ và bỏ hạt trước khi ăn. Trong số các loại trái cây hoa quả, chuối và dưa hấu được cho là 2 loại quả tốt nhất cho người bệnh trong trường hợp này. Chính vì thế, người bệnh cần lưu ý để bổ sung sao cho có hiệu quả nhất.

- Chọn loại sữa gầy (sữa đã tách béo hoàn toàn) cho chế độ ăn uống hàng ngày.

- Ngoài các loại thực phẩm nêu trên, người bệnh có thể cần uống bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B12 và viên sắt để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do phẫu thuật. 

- Hạn chế ăn các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối hay các loại gia vị cay nóng, hoa quả chua, các loại chất kích thích và các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ không tốt cho việc phục hồi căn bệnh.

Minh Nhật

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Việt Nam   thói quen   thực phẩm   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...