19/10/2022 13:15  
Thật dễ bị choáng ngợp với cảm giác rằng cuộc sống là một chuỗi các sự kiện mà chúng ta phải liên tục phản ứng. Tuy nhiên, cảm giác này bắt nguồn từ việc thiếu thiết lập mục tiêu. Tham khảo 7 bước để trở thành CEO của cuộc sống cá nhân dưới đây, bạn sẽ biết mình phải làm như thế nào để cuộc sống dễ chịu hơn. 

1. Đánh giá mục tiêu  

Những người đứng đầu công ty luôn biết cách "lùi lại" và quan sát tổ chức của họ từ những quan điểm bên ngoài. Họ quan sát quy trình làm việc và ghi chép, bất cứ điều gì không phù hợp với mục tiêu công ty của họ đều bị xem xét kỹ lưỡng.  

Là giám đốc điều hành của cuộc đời bản thân, hãy khởi động mọi thứ bằng cách nhận ra những thay đổi bạn phải thực hiện để sống một cuộc sống trọn vẹn và có mục đích. Hãy suy nghĩ về những hoạt động mang lại cho bạn sự hài lòng và hạnh phúc.  

Bắt đầu bằng một "bảng mơ ước" để khám phá những động lực và mục tiêu sâu sắc nhất của bạn, đặc biệt chú ý đến sở thích và đam mê của bản thân. Giống như một giám đốc điều hành cung cấp tới nhân viên của mình một tầm nhìn cho công ty, bạn hoàn toàn có thể phát triển mục tiêu cho cuộc sống của mình.  

2. Lên kế hoạch

Từ  "bảng mơ ước" trên, đây là lúc bạn bắt đầu phác thảo thảo kế hoạch nhằm đạt được những mục tiêu đó.  

Để dễ hình dung, bạn có thể tạo ra bản kế hoạch bằng cách biểu thị chúng qua 3 vòng tròn đi từ lớn nhất đến nhỏ nhất. Vòng tròn bên ngoài là mục tiêu trong 5 năm tới, vòng tròn ở giữa là kế hoạch trong 1 năm tới và vòng tròn nhỏ nhất tượng trưng cho mục tiêu 3 tháng sắp diễn ra.  

Hãy đi từ lớn tới nhỏ, bắt đầu từ vòng tròn lớn nhất. Ước mơ của bạn là gì, bạn muốn trở thành ai, bạn mong muốn gặt hái điều gì trong tương lai?

Để đạt được điều đó, bạn cần phải sở hữu những gì? Đó có thể là bằng cấp, kỹ năng hay những mối quan hệ mới.. hãy điền vào vòng tròn thứ hai.  

Từ đó đi tới vòng tròn cuối cùng. Đây là những điều bạn có thể thực hiện ngay trong tương lai gần 3 tháng tới, đó có thể là ưu điểm bạn cần phát huy, đồng thời còn là những vấn đề mà bản thân cần thay đổi ngay lập tức nhằm hướng tới những mục tiêu ở hai vòng tròn lớn hơn. Đừng vội vàng, mọi thứ lớn lao đều bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất.  

3. Quản lý quy trình làm việc

Các CEO quản lý năng suất bằng cách lập sơ đồ giờ làm việc cho nhân viên và tận dụng tối đa nhân viên của họ trong ngày làm việc.  

Bạn có thể bắt đầu với hành động đơn giản là mua lịch để đánh dấu những nhiệm vụ hằng ngày và hằng tháng của mình hoặc sử dụng phần mềm để theo dõi công việc, ghi lại thời gian đã sử dụng và ngày hoàn thành. Nhiều chương trình phần mềm có thể quản lý quy trình làm việc - theo nhóm hoặc cá nhân - để giúp bạn dễ dàng giám sát tiến trình của bản thân trong bất kỳ dự án nào của cuộc sống.  

Cách làm này sẽ cho phép bạn hình dung các hoạt động hằng ngày gắn liền với mục tiêu của bản thân như thế nào và cảnh báo cho bạn khi chúng không phù hợp. Quản lý quy trình làm việc sẽ giúp bạn không lãng phí thời gian vào những hoạt động không hiệu quả với mục tiêu đã đề ra.  

4. Duy trì động lực

Những giám đốc điều hành công ty hiểu được rằng nhân viên cần cảm thấy họ là một phần của tầm nhìn dài hạn, họ muốn biết "lý do" của công việc mình làm. Các nhà lãnh đạo thường lập ra kế hoạch kinh nghiệm xây dựng nhóm. Đó có thể là một kỳ nghỉ dưỡng trong một khu vực yên tĩnh, nhiều cây cối, một buổi dã ngoại bên bờ biển hoặc một ngày vui chơi cùng công ty tại một công viên giải trí.  

Hãy coi bản thân là một nhân viên trong tổ chức của bạn - người cần được củng cố động lực để giữ cho "ngọn lửa" bên trong luôn bùng cháy. Hãy dành thời gian để tìm kiếm sự bình yên, thử nghe một podcast để tìm cảm hứng, tự thưởng cho mình một chuyến đi, hay đơn giản là ra ngoài đi bộ thư giãn. Việc bạn tự công nhận những nỗ lực của bản thân là điều vô cùng cần thiết để duy trì động lực.  

5. Xây dựng mạng lưới

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn khuyến khích nhân viên của họ làm việc theo nhóm. Đây là cách làm vô cùng nhanh chóng và hiệu quả, bạn có thể tận dụng chiến lược này.  

Lên kế hoạch gặp gỡ với những người có cùng mục tiêu và tầm nhìn. Mạng lưới này bao gồm những người có cùng chí hướng, từ đó dễ dàng đưa ra những ý tưởng hỗ trợ nhau. Đó cũng có thể là các nhóm thảo luận trực tuyến hoặc các tổ chức dịch vụ có giá trị tương tự với giá trị của bạn.  

Trong thế kỷ 21, bạn không bao giờ thực sự đơn độc. Xung quanh bạn luôn có những nguồn lực dồi dào và nhiều cách để kết nối chúng hiệu quả với nhau. 

6. Dành chỗ cho những sai lầm và học hỏi từ chúng

Nếu bạn đang muốn tận dụng cơ hội và thử điều gì đó mới, sai lầm là không tránh khỏi. Cách duy nhất để tránh chúng là hoàn toàn không làm gì cả, nhưng đừng lo, các CEO hiểu rằng hầu hết sự tiến bộ đều đến từ quá trình thử, sai và cải thiện.  

Thay vì phản ứng thái quá, hãy rút kinh nghiệm cho những việc không theo đúng kế hoạch. Nói chuyện với bạn bè hoặc đối tác kinh doanh đáng tin cậy, đó có thể là những người từ mạng lưới của bạn.  

Việc mắc sai lầm sớm trong quá trình thực hiện có thể giúp bạn đạt được mục tiêu đó nhanh chóng, vì bạn sẽ sớm loại bỏ những bước đi sai lầm và thực hiện những bước đi đúng đắn khi mọi thứ còn nằm trong tầm kiểm soát.  

7. Bạn có quyền thay đổi quyết định của mình

Sẽ có lúc lãnh đạo phải đưa ra những thay đổi lớn trong kế hoạch sau khi tham khảo những dữ liệu và phân tích từ nhân viên. Đây là điều cần làm để giữ cho hoạt động của công ty luôn đi đúng hướng.  

Bạn có thể dành thời gian để suy ngẫm về sự phát triển của của bản thân sau hằng quý hoặc mỗi năm một lần. Thông qua bảng quản lý kế hoạch, bạn sẽ có rất nhiều thông tin để giúp tự đánh giá tình trạng của bản thân.  

Bạn cần thay đổi điều gì trong kế hoạch 3 tháng? Một năm? Năm năm? Là CEO của chính bản thân, bạn có quyền đại tu quá trình và mục tiêu đã đặt ra, hoặc thậm chí là từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu, nếu đó là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. 

(*) Theo Entrepreneur

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...