07/10/2020 6:30  
Trong ngày 6/10, trong công văn 06102020/HHDN, loạt kiến nghị của các hiệp hội đã được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng một loạt bộ, ngành về việc giảm kinh phí công đoàn, dùng toàn bộ kinh phí chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.

8 hiệp hội ngành hàng, gồm dệt may, chế biến và xuất khẩu thủy sản, lương thực - thực phẩm, chè, da giày túi xách, điện tử cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cùng ký văn bản kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.

Theo quan điểm của các hiệp hội, kiến nghị trên được các hiệp hội ngành hàng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng đã thấy có sự không đồng nhất giữa Luật ngân sách nhà nước và Luật công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cũng như việc doanh nghiệp đóng thuế, tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, nay phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Chủ tịch 8 hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng tỉ lệ nộp kinh phí công đoàn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ, và sự thay đổi của cơ sở tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội qua thời gian, cấp thiết "nên dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động".

Ngoài ra, trong văn bản các Hiệp hội còn kiến nghị về các vấn đề như: 

- Người lao động đã tham gia công đoàn cơ sở (CĐCS) tại doanh nghiệp có quyền xin thôi không tham gia CĐVN (vì là tự nguyện) để tham gia là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng có quyền xin ra khỏi hệ thống công đoàn Việt Nam để trở thành tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. 

- Về hệ thống tổ chức CĐVN, quy định tại Điều 7 Luật Công đoàn chưa giải quyết được những bất cập xảy ra trong thực tế.

- Quyền và trách nhiệm của công đoàn, Khoản 2, Điều 14 của Dự thảo bổ sung quy định trái với Điều 10, Hiến pháp 2013 và Khoản 3, Điều 170, Bộ Luật Lao động 2019.

- Chức năng của công đoàn, Dự Luật chưa thể hiện rõ chức năng của công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và cũng chưa làm rõ quyền lợi của người lao động.

- Nguồn thu khác của công đoàn.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Nhật Bản   Việt Nam   doanh nghiệp   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...