31/03/2021 14:21  
Trứng là món ăn quen thuộc, bổ dưỡng, rẻ tiền nhưng không phải ai ăn trứng cũng tốt.

Một quả trứng luộc có chứa protein, vitamin A, B tổng hợp, vitamin D, E, K, canxi, kẽm, folate, selen, phốt pho, chất béo lành mạnh và nhiều chất dinh dưỡng khác.  Vì vậy trứng được coi là một loại siêu thực phẩm, tốt cho sức khỏe theo nhiều cách khác nhau.

Protein trong trứng củng cố sức mạnh bên trong, giúp cơ thể hoạt động tốt và có tác dụng giảm cân. Các chất oxy hóa giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, tốt cho sức khỏe của mắt nói chung. Đặc biệt trứng chứa choline, là chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng phần lớn mọi người không hấp thu đủ. Chất này giúp tăng khả năng nhận thức và ngăn ngừa rối loạn thần kinh.

Mặc dù vậy nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bạn nên cân nhắc khi tiêu thụ trứng:

Người có bệnh lý về mỡ máu, cholesterol

Tùy phương pháp chăn nuôi cũng như trọng lượng của từng quả trứng mà hàm lượng dinh dưỡng có sự khác nhau. Tuy nhiên trung bình một quả trứng sẽ có chứa 5,53 g protein; 4,18 g lipid (cholesterol khoảng 164 mg, trong khi giới hạn cholesterol ăn vào mỗi ngày của người trưởng thành khỏe mạnh là 300mg).

Dù trứng không hoàn toàn là thủ phạm trực tiếp của vấn đề tăng cholesterol nhưng người có bệnh lý về mỡ máu, cholesterol nên tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về chế độ ăn của mình.

Người bị bệnh tiểu đường

Trứng chứa khá nhiều cholesterol và chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa chẳng những không có lợi cho sức khỏe con người, mà khi phối hợp với những món ăn giàu tinh bột đã được tinh chế sẽ gia tăng thêm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Do đó các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo những người có bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn trứng.

Người đang sốt

Với người bị sốt, ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên, không phát tán ra ngoài được, bệnh có thể vì thế càng thêm trầm trọng. Thay vào đó người bị sốt nên uống nhiều nước và pha thêm chút muối, tăng cường rau quả tươi, hạn chế ăn những thứ có quá nhiều protein.

Người mắc bệnh tim mạch

Lòng đỏ trứng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, thường được coi là không tốt cho tim.

Trứng được coi là lành mạnh nên thường được khuyến nghị đưa vào chế độ ăn hàng ngày. Nhưng với những bệnh nhân tim hoặc những người có nguy cơ bị bệnh tim, việc ăn trứng luôn là một chủ đề gây tranh cãi. Dù chứa các dưỡng chất thiết yếu như vitamin D, vitamin B12, folat, roboflavin… nhưng lòng đỏ trứng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, chúng thường được coi là không tốt cho tim.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Western (Canada) cho thấy, những người có tiền sử bệnh tim mạch nếu thường xuyên ăn nhiều hơn 3 quả trứng/tuần có thể làm các mảng bám ở thành động mạch dày lên, thu hẹp không gian bên trong động mạch, khiến máu chảy qua khó khăn hơn, buộc trái tim phải bơm mạnh hơn, từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Hàm lượng cholesterol cao trong trứng gà cũng không tốt cho người bị bệnh xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành vì làm thu hẹp, tắc nghẽn động mạch vành.

Người mắc bệnh thận

Ăn trứng có thể làm lượng urê trong cơ thể tăng lên, từ đó làm tình trạng viêm thận trở nên trầm trọng, thậm chí gây nhiễm độc đường tiết niệu.

Người có cơ địa dị ứng trứng

Trứng là nguyên nhân hay gặp thứ hai gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, khoảng 1,5% các bé dị ứng với trứng gà. Tuy nhiên khoảng 80% trẻ thoát khỏi dị ứng trứng khi lên 6 tuổi.

Theo nghiên cứu, phần lớn các protein gây dị ứng nằm trong lòng trắng. Do sự tương đồng giữa protein trứng gà và các loại trứng khác, người dị ứng trứng gà thường dị ứng với trứng vịt, trứng ngan… Vì vậy, nếu cơ địa dị ứng với trứng, bạn không nên ăn món này để tránh gặp phải các phản ứng nguy hiểm.

Người bị bệnh gan

Khi bị bệnh gan, chức năng và hoạt động của gan bị suy giảm. Trong khi trứng rất bổ dưỡng, khó tiêu nên khi ăn gan phải làm việc nhiều. Do vậy, những người bị bệnh gan nên hạn chế ăn trứng. Nếu ăn thường xuyên liên tục trong thời gian dài có thể càng làm cho bệnh gan trở nên nghiêm trọng hơn.

Người mắc bệnh sỏi mật

Do sự kích thích của viên sỏi lâu ngày trong túi mật, chức năng co bóp của túi mật của người bệnh sẽ yếu dần. Nếu tiêu thụ thức ăn có hàm lượng đạm như trứng gà, đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, khiến túi mật vốn đã bị bệnh phải làm việc quá tải, từ đó sinh ra các triệu chứng lâm sàng như gây đau đớn, nôn mửa.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


bệnh tim mạch   bổ dưỡng   chuyên gia   thực phẩm   tiểu đường  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...