26/03/2021 10:25  
Giảm đau với máy radio trúng đích, laser kết hợp điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống, tập luyện... giải quyết 70-80% trường hợp đau lưng, cột sống mà không cần dùng thuốc.

Thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm "Bệnh lý cột sống và nỗi ám ảnh đau lưng" phát trực tiếp lúc 20h ngày 25/3 trên VnExpress. Chương trình có sự tham gia của Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà - Giám đốc chuyên môn Y học Thể thao - Vận động, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome.

Cách chữa trị hiệu quả bệnh lý cột sống

Theo bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, đầu tiên để chẩn đoán bệnh lý cột sống, bệnh nhân cần được thăm khám chuyên khoa. Sau khi khám xong, loại trừ các yếu tố như u di căn, bệnh lý khớp viêm... bác sĩ sẽ cho chụp X-quang, MRI... Mỗi phương pháp có ưu điểm riêng, dựa vào đó bác sĩ lựa chọn dùng một hay kết hợp nhiều phương pháp nhằm xác định đúng tình trạng bệnh nhân - điều kiện quyết định để điều trị trúng đích, hiệu quả. Ví dụ, chụp MRI có thể xem nhân đĩa đệm, các rễ thần kinh, cấu trúc xung quanh... Chụp X-quang động - tức các hoạt động gập, ưỡn xem đốt sống có mất vững, trượt không, gây đau...

Bác sĩ Đặng Hồng Hoa giải thích thêm, một số bệnh có thể chỉ biểu hiện qua các cơn đau nơi cột sống, nếu không làm xét nghiệm chuyên sâu khó tìm ra cụ thể nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ ung thư, rất nhiều ung thư "thích" di căn đến cột sống, vì vậy nhiều trường hợp biểu hiện sớm là đau cột sống nhưng sau khi xét nghiệm máu toàn thể thì phát hiện ra các ung thư kín đáo, ở phổi, ở dạ dày, ở đại tràng, thậm chí ở não và có thể là ung thư máu.

Các cơn đau lưng kéo dài hàng chục năm cũng có thể gây ra bởi loãng xương. Loãng xương là căn bệnh gây đau nhưng khó tìm ra nguyên nhân nên ít được để ý, chỉ phát hiện sau khi đo mật độ xương. Vì vậy, những bệnh nhân bị đau lưng trong thời gian dài có thể được tư vấn tầm soát xương để xem mật độ xương đang ở mức nào.

Theo bác sĩ Song Hà, trẻ em vẫn có thể mắc bệnh lý cơ xương khớp. Cụ thể, tình trạng vẹo cột sống ở tuổi học đường chiếm khoảng 30%. Dấu hiệu mà phụ huynh có thể nhận biết là con hay đứng nghiêng về một bên, bờ vai của con không cân bằng hay việc trẻ thông báo mình bị đau lưng.

Sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ phải khai thác các yếu tố: tư thế làm việc, sinh hoạt hàng ngày ra sao. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị, kết hợp nhiều biện pháp gồm dùng thuốc đúng, vật lý trị liệu (tập luyện, sử dụng phương tiện vật lý), điều chỉnh lối sống và cách sinh hoạt.

Bác sĩ Nam Anh cho biết, 80% đau lưng là bình thường do thoái hóa, sai tư thế... Vì vậy, các phương tiện vật lý trị liệu như laser, sóng từ trường... có tầm quan trọng rất lớn nhờ tác dụng làm giảm cơn đau nhanh hơn so với uống thuốc.

Tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi bác sĩ đặt máy radio trúng đích ở vùng đau, máy có thể nhận biết, đưa ra bao nhiêu liều, chiếu trúng đích. Trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh, những máy từ trường siêu dẫn hiệu quả vì có thể làm giảm triệu chứng đau thần kinh.

Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý gần giống thoát vị đĩa đệm thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Những máy laser năng lượng cao rất hiệu quả, chiếu sâu xuyên qua lớp căng cơ cho đến vùng móng khớp, làm giảm đau nhanh.

Khi đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân, bác sĩ cần thăm khám để xác định: cơn đau này có thực sự do nguyên nhân đó gây ra hay không; nếu đúng nguyên nhân, vậy có những phương pháp điều trị bảo tồn trước hay không; khi cơn đau không ảnh hưởng nhiều tới chức năng bệnh nhân thì có thể thử luyện tập, điều trị không đau hay các biện pháp đông y như châm cứu, massage, bấm huyệt... Cuối cùng, nếu tất cả biện pháp trên không có tác dụng thì sẽ điều trị nội khoa (dùng thuốc) hay ngoại khoa (phẫu thuật).

Thực tế, theo bác sĩ Nam Anh, 90% ca bệnh cơ xương khớp rất nhẹ, phổ thông, không cần can thiệp phẫu thuật; chỉ có 10% cần chỉ định mổ. Trong trường hợp phải mổ, bác sĩ cần xác định hiệu quả của việc mổ có thể giải quyết tình trạng cho bệnh nhân ra sao. "Trong y khoa, bác sĩ quan trọng và người phụ tá cũng quan trọng không kém", "phụ tá" mà ông nhắc tới, chính là các trang thiết bị dùng trong phẫu thuật.

Phẫu thuật cột sống có đặc điểm phải đi vào cột sống, lấy nhân đĩa đệm ra rồi mới đặt vít vào bên trong. Khi vào lấy nhân, đôi khi các bác sĩ không thể phân biệt được nhân đĩa đệm với sợi thần kinh, xơ dính với nhau... Tại Bệnh viện Tâm Anh, nhờ kính vi phẫu với mức phóng đại lên gấp nhiều lần, bác sĩ dễ dàng phân biệt các mô thần kinh và nhân xơ đĩa đệm. Thứ hai là hệ thống hình ảnh dẫn đường để khi chụp vào xương biết được vị trí đặt vít chính xác. Hiện nay công nghệ hình ảnh 3D rất phát triển, với phòng mổ trang bị các máy 3D, bác sĩ chỉ cần chụp cột sống, sau đó sẽ có hệ thống dẫn đường để bác sĩ đặt vít vào vị trí chính xác.

Theo bác sĩ Nam Anh, khi mổ cột sống, nỗi lo lớn nhất là tình trạng liệt sau mổ. Lý do là thay vì gắp nhân đĩa đệm, bác sĩ lại gắp luôn rễ thần kinh hoặc chạm vào tủy sống. Lúc này, vai trò của máy điện cơ vô cùng cần thiết, khi bác sĩ chạm vào sợi thần kinh, máy sẽ báo để bác sĩ không lấy nhầm mô đó.

Việt Nam có thể bắt kịp các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong điều trị bệnh lý cột sống. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị những thiết bị máy móc mới nhất. Nếu trước đây chụp CT cần 30-60 phút, hiện nay máy CT 2 đầu bóng được nhập khẩu từ Đức có khả năng chụp 768 lát cắt trong một vòng quay, quét cắt lớp vi tính toàn thân dựng toàn bộ hệ thống cột sống, cơ xương khớp trong 3-4 giây, cho hình ảnh rất chuẩn xác, chân thật. Máy MRI thế hệ mới ứng dụng công nghệ ma trận sinh học toàn phần cho hình ảnh có độ phân giải rất cao, sắc nét, giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán được bệnh lý cột sống.

Thêm vào đó, hệ thống phòng mổ Hybrid với robot dựng hình 3D, giúp việc phẫu thuật đặt khớp nhân tạo ở vị trí chính xác, rút ngắn thời gian phẫu thuật và giảm thiểu các nguy cơ xảy ra trong lúc mổ. Bên cạnh đó, bác sĩ còn áp dụng phương pháp đường mổ không cắt cơ, chỉ vén bao khớp rồi đặt khớp, giúp bảo tồn khối cơ, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn sau mổ.

Bệnh xương khớp ngày càng gia tăng

Trong tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh bệnh cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện phổ biến ở độ tuổi 30-60 tuổi, chiếm một phần ba dân số. Những người bị tàn phế hoặc đối tượng còn trẻ nhưng bị mắc các bệnh cơ xương khớp do viêm, do miễn dịch gây nên tàn phế, mất khả năng lao động cũng cao hơn.

Bệnh lý cơ xương khớp nói chung, cột sống nói riêng thường ít dẫn đến nguy cơ tử vong hay các biểu hiệu nguy kịch như bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư... nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống. Đáng lưu ý, theo Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh, không ít bệnh nhân bị trầm cảm do các cơn đau lặp đi lặp lại, tăng nặng.

Có những người trẻ đến khám trông rất ủ rũ vì cơn đau khiến họ khó khăn trong sinh hoạt, phải nghỉ việc để điều trị. Điều trị cơn đau mạn tính rất khó khăn, và tình trạng dùng thuốc giảm đau nhanh, kháng viêm kéo dài có thể dẫn đến đau dạ dày, hư thận... Nếu không quan tâm đến các bệnh lý cơ xương khớp có thể dẫn tới hệ quả nguy hại.

Đặc biệt, người cao tuổi thường mắc phải bệnh lý thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm cột sống. Ở người trẻ hơn thì có thể mắc các bệnh khác về cột sống, các bệnh lý khớp viêm, như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp phản ứng và các bệnh lý khớp viêm có liên quan đến ruột.

Theo Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa, có rất nhiều bạn trẻ than phiền bị đau lưng, đau cột sống cổ, có dấu hiệu đau vai nhưng khi hỏi bệnh sử kết hợp kiểm tra cận lâm sàng thì có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa - đó là bệnh lý cột sống liên quan đến ruột. Trẻ nhỏ thường mắc các bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát ở thể viêm cột sống dính khớp hoặc ở thể tổn thương cột sống, gây nên những ảnh hưởng cho cột sống. Những cháu bé này phải chịu rất nhiều đau đớn và chậm phát triển thể lực, ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, với người bình thường, khi đứng áp lực lên cột sống là 100%, khi ngồi là 150%, chưa kể ngồi sai tư thế. Do đó, nguyên nhân gây ra các bệnh lý cột sống, thoái hóa cột sống, đốt sống, đĩa đệm thường do sinh hoạt hàng ngày không đúng, tư thế làm việc, thói quen, chơi thể thao tần suất quá nhiều hoặc có thể do các bệnh lý thực thể trong cột sống.

Có 3 nhóm chính có thể gây đau ở cột sống cổ, cột sống lưng. Nhóm thứ nhất là đau cột sống thoái hóa và thoát vị đĩa đệm. Cơn đau xuất hiện khi ngồi, đứng và vận động, tức là khi cột sống phải chịu lực nhiều gây đau và dấu hiệu đau tăng lên khi hoạt động nhiều, làm việc quá sức. Khi nghỉ ngơi, nằm xuống thư giãn, cột sống sẽ giãn ra, các dây thần kinh và ống sống không bị chèn ép nữa thì cơn đau sẽ giảm đi.

Nhóm thứ hai là đau do loãng xương, chất lượng xương ở cột sống bị yếu khiến khả năng chịu lực của cột sống kém, đặc biệt là khi đứng hay ngồi lâu. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở cột sống mà còn ở các xương, các chi, xương chi, đặc biệt là ở các đoạn xương dài. Bệnh nhân mô tả ban đêm ngủ thường có cảm giác như kiến bò trong xương.

Nhóm thứ ba là đau cột sống do các bệnh lý ở cột sống, trong đó hay gặp nhất là bệnh lý khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp phản ứng, viêm khớp có liên quan đến ruột hoặc các bệnh lý của trẻ em như viêm khớp thiếu niên tự phát. Với nhóm bệnh này, cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, đặc biệt người bệnh thường đau nhiều vào lúc nửa đêm gần sáng. Khi ngủ dậy, người bệnh luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, đau cột sống và cứng khớp kéo dài hơn nửa giờ, thậm chí đến 1-2 giờ.

Trước thực trạng đó, các bác sĩ đưa ra nhiều lời khuyên nhằm nhận biết và phòng bệnh lý cột sống từ sớm. Ví dụ tuổi học đường có những bài tập cũng như hướng dẫn cho các cháu phải ngồi đúng tư thế, sinh hoạt thể dục thể thao đúng cách.

Đối với người lớn, đặc biệt là các bạn trẻ, làm công việc văn phòng phải luôn có ý thức bảo vệ cơ xương khớp như kiểm soát cân nặng không để tăng cân quá mức, thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể chất.

Khi có những dấu hiệu bất thường hoặc xuất hiện cơn đau ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là đau cột sống hoặc đau các khớp thì phải thăm khám sớm để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ chỉ ra, một trong những khó khăn khi điều trị bệnh cơ xương khớp là do bệnh nhân không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ nhân viên văn phòng phải ngồi thẳng lưng, ngồi một tiếng phải tập giãn cơ, thực hiện các bài tập vận động phần cổ tại chỗ. Nếu thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ nhưng không bớt thì nên đến thăm khám lại để tìm đúng nguyên nhân.

Tập thể dục là một trong những cách được các bác sĩ khuyến khích để có lối sống lành mạnh. Tùy từng bệnh lý mà bác sĩ đưa ra hướng dẫn phù hợp như tập cái gì, tập bao nhiêu, cường độ như thế nào. Ví dụ thoái hóa cột sống thể nhẹ có thể chơi bóng bàn, đi bộ nhẹ; nếu nặng có thể tập yoga, bơi lội...

Buổi tọa đàm "Bệnh lý cột sống và nỗi ám ảnh đau lưng" trong khuôn khổ "Tuần tư vấn bệnh lý cột sống" diễn ra từ ngày 19/3 đến ngày 25/3 trên VnExpress. Suốt một tuần qua, các chuyên gia hàng đầu của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã giải đáp hàng nghìn thắc mắc, băn khoăn của độc giả xung quanh vấn đề bệnh lý cột sống.

Minh Tú - Ngọc An

Ảnh: Hữu Khoa

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Bệnh viện Đa khoa   HCM   Hà Nội   Thể thao   Việt Nam   bệnh tim mạch   chuyên gia   công nghệ tiên tiến   thuốc giảm đau   thói quen   ung thư   yoga   Đa khoa  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...