17/04/2021 10:12  
Hơn 10 năm lăn lộn với nghề, anh Bùi Văn Quỳnh (SN 1985) đã thành công với mô hình sản xuất, kinh doanh cơm cháy nơi quê nhà Ninh Bình. Anh còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Nỗ lực khởi nghiệp 

Cơ duyên đến với nghề làm cơm cháy được anh Bùi Văn Quỳnh (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình), nhớ lại: "Vào năm 2009, khi đó tôi đang làm việc cho một công ty bánh kẹo. Trong lần đi công tác tại miền Nam, tôi thấy nhiều hàng bán cơm cháy cho khách dọc bên đường...".

Về quê Ninh Bình thấy nhiều nhà hàng thịt dê cũng có bán cơm cháy ăn kèm. Từ đó, anh nảy ý tưởng biến món cơm cháy thành đặc sản của Ninh Bình.

Bắt tay vào việc, anh Quỳnh gặp nhiều khó khăn bởi làm cơm cháy chưa nơi nào có công thức nhất định. Ở miền Nam làm ra cơm cháy kiểu khác, còn món cơm cháy ăn kèm thịt dê ở Ninh Bình khi đó cũng chỉ là cơm cháy được nấu theo kiểu truyền thống.

Quỳnh mày mò, nghiên cứu thời gian dài, hết vào miền Nam lại đến các quán bán thịt dê để học phương thức. Cuối cùng mẻ cơm cháy với thương hiệu Đại Long do chính anh làm cũng chính thức được ra lò vào năm 2010.

"Những ngày đầu làm ra được sản phẩm cơm cháy chính hiệu từ nguyên vật liệu quê nhà, tôi phải đi ký gửi bán ở từng quán ăn, quán hàng tạp hóa, quán nước chè ở các điểm, khu du lịch ở Ninh Bình", anh Quỳnh nhớ lại.

Ngày ấy du lịch Ninh Bình còn chưa có tên trên bản đồ nên ít khách, ít người biết món cơm cháy. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nhiều lúc nản trí, anh đã từng tính bỏ nghề.

Nghĩ vậy nhưng anh quyết không bỏ cuộc: Vừa cải thiện quy trình sản xuất, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh còn đi khắp nơi trong tỉnh để quảng bá món cơm cháy đến với mọi người.

Du lịch Ninh Bình ngày càng thu hút khách đông hơn, món cơm cháy ăn kèm thịt dê độc lạ được nhiều người lựa chọn khi đến đây du lịch. Từ đó, thương hiệu cơm cháy Đại Long được nhiều người tin dùng và lựa chọn mua sản phẩm mang về làm quà biếu.

Tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương

Chia sẻ với PV, chàng giám đốc trẻ cho biết: "Với sản lượng năm 2020 xuất ra thị trường 450 tấn cơm cháy, doanh thu của công ty đạt 32 tỷ đồng. Trừ hết tất cả các chi phí cũng có lãi tiền tỷ".

Công ty của giám đốc 8X này đang tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động với mức lương tháng từ 7 - 8 triệu đồng đối với lao động phổ thông, khối văn phòng từ 8 - 9 triệu đồng, bộ phận kinh doanh mức lương từ 15 - 20 triệu đồng.

Những lao động làm việc trong xưởng của anh Quỳnh đều là người của huyện Nho Quan.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1981) trú thôn Liên Minh, xã Xích Thổ chia sẻ: "Tôi có 9 năm làm việc tại xưởng sản xuất cơm cháy Đại Long. Mức lương của tôi trên 7 triệu đồng, được công ty đóng BHXH, BHYT. Mỗi tháng tiền lương tôi đủ trang trải cho cuộc sống, còn có tiền tiết kiệm để dành mỗi lúc đau ốm".

Nhờ vào sản phẩm cơm cháy của anh Quỳnh, nhiều quầy hàng tạp hóa, đại lý cũng có thêm thu nhập, ăn nên làm ra. Theo anh Lê Văn Thái, chủ một quầy hàng tạp hóa (thành phố Ninh Bình), chuyên bán cơm cháy của anh Quỳnh, mỗi tháng cửa hàng bán được hàng trăm hộp cơm cháy, trừ vốn cũng có lãi tiền triệu.

Chia sẻ về bí quyết làm ra những bánh cơm cháy thơm ngon, giòn rụm, anh Quỳnh nói: "Sản phẩm cơm cháy được làm ra từ 100% gạo nếp hương thu mua của bà con nông dân huyện Kim Sơn, một số nguyên liệu khác được mua của bà con các vùng trong tỉnh...".

Vị giám đốc 8X này còn được lựa chọn đứng đầu Hiệp hội sản xuất cơm cháy Ninh Bình. Anh Quỳnh tâm sự, trong 3 năm tới công ty đã có kế hoạch mở rộng sản xuất cơm cháy, nâng từ xưởng sản xuất thành nhà máy chế biến thực phẩm để có thể xuất khẩu được món cơm cháy của Ninh Bình ra nước ngoài.

"Khi nâng tầm lên nhà máy, công ty sẽ tạo thêm được nhiều công ăn việc làm hơn nữa cho người dân đại phương để người lao động có thêm thu nhập, ổn định đời sống", anh Quỳnh nói.

Thái Bá

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hiệp hội   du lịch   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...