12/04/2021 11:06  
Nguyễn Thùy Dung, quê ở Bến Tre, lập nên fanpage Ngày ngày viết chữ vào năm 2016 vì quá say mê giải nghĩa các chữ cái tiếng Việt. “Trong những nội dung mà mình chia sẻ, tình cờ những nội dung về tiếng Việt được mọi người quan tâm. Mình thấy mọi người thích nên viết tiếp những nội dung về tiếng Việt cho mọi người đọc. Dần dần mình mới đưa Ngày ngày viết chữ lên Facebook, ban đầu nó là 1 blog thôi”, Dung có khoảng một năm làm trang web cá nhân này trước khi đưa lên mạng xã hội.

Say mê đọc và viết chữ

Suốt gần 8 năm nay, mặc dù là một người trẻ nhưng Dung dành toàn bộ thời gian cho việc viết chữ, đọc sách và học. “Buổi sáng mình lo những công việc của Ngày ngày viết chữ. Buổi chiều mình sẽ dành thời gian để học, tối mình viết sách. Hiện tại mình tự học và tiếp tục học lên thạc sĩ. Khi mình làm càng nhiều thì càng nhận ra những điều mình biết không đủ dùng đâu, nên mình càng phải học thêm nữa”, Dung nói.
Cô bạn là thủ khoa đầu ra khoa Báo chí truyền thông của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. “Mình có thể hoàn thành dealine tốt, mỗi ngày đều viết và đăng vào khung giờ cố định, đảm bảo mình phải theo dealine”.
Tự nhận mình là trường hợp lạ trong nhà, ba mẹ là nông dân, không có điều kiện học hành nhiều. Dung có thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. 3 tuổi đã sớm thuộc bảng chữ cái và đọc hiểu các trang sách.
“Điều gì hấp dẫn ở con chữ mà ngày nào bạn cũng có thể đọc?”, người viết thắc mắc. Dung khiêm tốn trả lời: “Các bạn có thấy khó hiểu không nhỉ? Bản thân mình cảm thấy hiểu được nghĩa của một từ rất vui. Hiểu chính xác nghĩa của nó, thì ra nghĩa của nó thế này. Có thể niềm vui của mình hơi khác lạ so với niềm vui của các bạn”.
Có một kỷ niệm Dung vẫn còn nhớ như in mặc dù đã trải qua vài chục năm. Hồi nhỏ lúc ở với cha mẹ ở quê, cô bạn mua sách rất nhiều, cha Dung mới nói sau này lấy chồng thì mang theo sách làm của hồi môn chứ không cho gì khác. 
“Có bạn đùa rằng 'Dung xuyên không' từ thế kỷ 18-19 lên chứ giờ ai sống thế'. Thật ra bản thân cũng không đến nỗi mình cổ điển đâu, thỉnh thoảng cũng đi chơi, coi phim... Chẳng qua mối quan tâm của mình là những câu chuyện chữ nghĩa”, Dung bộc bạch. Dung cũng thú thật không thích thương mại điện tử, mong muốn phát triển kinh tế địa phương, không thích siêu thị mà thích đi chợ truyền thống...
Trước khi chuyên tâm cho Ngày ngày đọc sách, 9X từng có khoảng thời gian làm content marteting và cộng tác cho một vài tạp chí, sau đó cô bạn nghỉ hẳn và tập trung cho niềm đam mê đọc sách, viết chữ của mình.
Hiện nay, Dung dậy thêm tiếng Hán, tiếng Trung để có thêm thu nhập. “Mình dạy theo kiểu không phải để lấy bằng cấp chứng chỉ, mà học để biết chữ đó nghĩa gì, có câu chuyện gì không...”, Dung chia sẻ.

Tự cho ra mắt "cuốn từ điển" riêng mình

Mới đây, Dung cho ra mắt cuốn sách “Chữ xưa còn một chút này”. Một cuốn sách đặc biệt với nội dung được chắt lọc từ trang Fanpage Ngày ngày viết chữ với gần 150.000 lượt theo dõi do cô tự sáng lập và điều hành.
“Các bạn có thể hình dung cuốn sách như một cuốn từ điển nhỏ. Nói là từ điển thì hơi vĩ mô vì từ điển có vài chục, vài trăm nghìn từ, còn ở đây chỉ có 100 từ. Dung sắp xếp theo trật tự abc, những từ như vậy mình giải nghĩa cho nó, giải nghĩa cũng ngắn gọn thôi, nếu có điều gì bàn thêm mình sẽ nói dài hơn một chút. Mọi người có thể lật ra bất kỳ trang nào và xem nghĩa của nó là gì, cũng khá đơn giản”, tác giả giới thiệu.
Cuốn sách có hai phần, phần thứ nhất là từ Hán việt, phần thứ hai là một số từ mờ nghĩa trong tiếng Việt. Khi đọc cũng khá dễ theo dõi, mỗi phần được sắp xếp theo thứ tự abc.
“Vậy cuốn sách này khác gì với cuốn từ điển thông thường?”, tôi hỏi - “Cuốn từ điển thông thường sẽ đại chúng hơn, bất kể từ gì cũng có thể được nhắc đến. Nhưng cuốn sách này mình chọn lọc một số từ được cho là đủ thú vị để đưa vào”, Dung cho biết. Để lựa chọn những từ này, Dung tìm đọc nhiều nơi và thấy những từ đó có câu chuyện và “quan trọng là mình thấy thích từ này, thấy từ này hay thì mình đưa vô trong sách”.
Để tăng mức độ chính xác của nghĩa từ, Dung sử dụng nhiều nguồn tài liệu tra cứu. Trong cuốn sách, Dung cũng ghi chú là mình đã tra từ sách nào, tra liên tục và đối chiếu. 
“Mình nghĩ về mặt bằng chung nó cũng thú vị. Tùy vào người đọc là ai nữa, người đọc là các em học sinh thì hoàn toàn mới lạ, đối với các cô chú thì đây là một phần rất nhỏ mà các cô chú đã biết. Ví dụ như từ "sao lãng" chẳng hạn, đối chiếu nhiều vì trước đó có nhiều người giải thích,  ý kiến giải thích đó không giống ý kiến giải thích của mình”.
Cuốn sách được hoàn thành trong vòng 3 tháng vì hầu hết các từ này đã được làm từ trước, công việc chỉ là tổng hợp và chỉnh sửa câu cú từ mạng xã hội thành văn viết trong sách.
Trong tương lai, nữ thủ khoa đầu ra tiết lộ: “Sắp tới nếu có làm thì Dung làm về ca dao. Dung sẽ chọn một số câu ca dao và giải nghĩa, nếu nó có câu chuyện gì đó để kể, có từ gì thú vị trong câu đó thì mình sẽ giải thích".

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bến Tre   HCM   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...