28/10/2020 6:05  
Cơn bão lịch sử Xangsane đổ bộ vào Quảng Nam, Đà Nẵng sáng 1.10.2006. Khi vào Biển Đông, bão có sức gió “công phá” mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 - 149 km/giờ), giật trên cấp 13. Cơn bão đã khiến 59 người bị chết, nhiều người mất tích; khoảng 500 người bị thương, gần 16.000 nhà sập, hơn 25.000 nhà tốc mái và 52.000 nhà bị ngập trong nước, gần 579 tàu thuyền hư hại. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng.
Theo dự báo, tâm bão số 9  lần này là các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với gió mạnh cấp 11 - 13, giật cấp 15. PV Thanh Niên đã đến thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, H.Bình Sơn, nơi có cửa biển Sa Cần, chứng kiến cảnh sơ tán quy mô của chính quyền ở đây. Tham gia sơ tán dân, ngoài chính quyền các cấp, còn có lực lượng dân quân, cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự H.Bình Sơn, BĐBP đóng quân trên địa bàn và Công an H.Bình Sơn. Bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ thôn Sơn Trà) cho hay, do nhà không có đàn ông nên có hàng xóm cùng 5 bộ đội đến giúp. Khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, bà Tuyết an tâm vì căn nhà đã tương đối vững chắc, nhờ hàng chục bao cát chằng trên mái, có dây thừng cột níu nhau rất chặt. Gần đó, bà Huỳnh Thị Trịa (85 tuổi) cùng chồng là ông Nguyễn Nhảy (87 tuổi) vừa ăn sáng xong thì được chính quyền xã Bình Đông cử người đến tận nhà vận động sơ tán. Nhìn sóng biển lớn đánh tràn vào sân nhà, sâu đến đầu gối, bà Trịa thở dài: “Sóng biển đánh tràn vào sân chỉ có các năm 1999 và 2009. Đến nay cái cảnh này lặp lại”. Nói xong, bà Trịa cùng chồng vơ mấy bộ quần áo cho vào túi xách theo anh cán bộ xã ra xe đi sơ tán.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến 17 giờ chiều 27.10, tổng số tàu, thuyền được neo trú an toàn tại các khu neo đậu là 1.280 tàu. Ngoài ra, cả tỉnh cũng đã đưa 485 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản vào khu neo trú an toàn. Đến cuối ngày 27.10, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung di dời 31.460 hộ với 119.182 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Tại Quảng Nam, theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, tính đến 17 giờ ngày 27.10, địa phương đã di dời hơn 170.000 người dân ở những nơi có nguy cơ nguy hiểm ven biển và các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở ở miền núi đến nơi an toàn. Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam, cho biết đã di dời 100% cán bộ chiến sĩ tại Đồn biên phòng A Xan (đóng tại H.Tây Giang) sau khi xảy ra sự cố nứt tường, sụt lún do ảnh hưởng của cơn bão số 5 khiến ngọn đồi sau đồn sạt lở.
Tại Đà Nẵng, cùng với việc cấm người dân không ra đường từ 20 giờ tối qua, TP đã tiến hành cấm lưu thông qua QL14G và một số vị trí xung yếu; tạm dừng hoạt động 12 tuyến xe buýt đến hết ngày 28.10. Đà Nẵng có 23 công trình với 41 cẩu tháp đã được hạ và neo, giằng theo phương án được duyệt để đảm bảo an toàn. Các địa phương cũng đã tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè khi bão số 9 đổ bộ. Ngoài ra, hàng trăm ngàn người dân ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… cũng đã sơ tán đến nơi an toàn tránh bão.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Công an   Sơn Trà   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...