28/12/2020 6:10  
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", cùng với tâm niệm đó mà "Bếp 0 đồng" đã ra đời và phục vụ cho hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn, chật vật mưu sinh tại thành phố Đà Nẵng.

Những suất cơm 0 nhưng ý nghĩa vô giá

Hơn 11 giờ trưa, chú Hùng tranh thủ cất vội xấp vé số còn quá nửa, buộc chặt lại giỏ hàng ở yên sau, chú lên xe đi đến điểm ăn trưa quen thuộc mấy tháng nay.

Qua vài lần đèn đỏ, chú dẫn chúng tôi đến một tiệm cơm kỳ lạ tại số 47 đường Bùi Dương Lịch (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), phía trước dựng mấy chiếc xe đạp cũ kỹ, bên trong bày đơn sơ vài bộ bàn ghế, một bảng hiệu đơn giản đề "Bếp 0 đồng, phát lòng tùy tâm".

Cũng giống như chú Hùng, khách ăn ở quán đa số là người lao động có thu nhập thấp, người khuyết tật, người già, những đứa trẻ bán hàng rong…

Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, người thì hào hứng kể sáng nay được quý nhân mở hàng nên bán rất tốt, người thì tặc lưỡi tiếc rẻ vì bị tranh mất mối ve chai quen thuộc. Những câu chuyện vô thưởng vô phạt làm không gian trong quán trở nên nhộn nhịp hẳn.

Đối với họ, bữa cơm hằng ngày đôi khi cũng là một gánh nặng nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, những đợt giãn cách xã hội kéo dài đã đánh trực tiếp vào nguồn thu nhập của họ.

Thậm chí có những người không đủ sức bám trụ, phải bỏ về quê, dẫu biết tình hình cũng chẳng khá hơn là bao.

"Bếp 0 đồng" đã phần nào giúp họ có được một điểm tựa cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống mưu sinh vất vả. Tuy chỉ mới ra đời hơn 1 năm, nhưng đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, bếp phục vụ hơn 200 suất cơm mỗi ngày.

Với cái giá 0 đồng, nhưng mỗi suất cơm ở đây vẫn đầy đủ các món cơ bản: cơm trắng, rau xào, món mặn và canh. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe tiếng chủ quán vui vẻ nhắc: "Cơm nóng và đồ ăn vẫn còn, ai ăn thêm cứ tự nhiên nói nhé!"

Chú Lê Thanh Hùng (làm nghề bán vé số dạo) là một khách quen của quán, vừa ngồi nhâm nhi ly trà sau bữa ăn, chú vừa chia sẻ: "Cơm ở đây nấu ngon, đầy đủ, muốn ăn bao nhiêu có thể lấy bấy nhiêu. Đối với những người buôn bán như tôi, nhất là vào mùa mưa thường ế ẩm như thế này, có thể tiết kiệm được một bữa cơm mỗi ngày thật sự rất đáng quý, rất đáng trân trọng."

Dứt lời, chú xòe cho chúng tôi xem một mẩu hóa đơn sửa xe. "Đấy, một tháng lời lãi được là bao mà lại bị hư xe sửa hơn 300.000 đồng, dắt được xe ra thì cũng không còn bao nhiêu trong người, nếu không có tiệm cơm này, khéo tôi nhịn bữa trưa mất".

Hằng ngày, các tình nguyện viên đều đến vào lúc 6 giờ sáng, sau đó phân chia công việc, người vo gạo, người nhặt rau, người làm cá,… kết hợp nhịp nhàng sao cho cứ 10 giờ trưa là có cơm phục vụ mọi người. Ngoài việc phục vụ tại chỗ, bếp còn vận chuyển các suất cơm đến 2 điểm phát cơm khác trong thành phố là số 372 Hải Phòng (quận Thanh Khê) và số 42 Bắc Sơn (quận Cẩm Lệ).

Chị Quý (làm nghề nhặt ve chai) vui vẻ nhận suất cơm từ bếp: "Phần cơm này mà ở ngoài tiệm cũng phải 20.000 đồng rồi, nhưng ở đây chúng tôi được nhận miễn phí. Tôi cảm thấy rất vui và biết ơn các mạnh thường quân, các nhà từ thiện và các anh chị đã đứng ra tổ chức."

Một người phụ nữ khác vừa ăn xong lại nhét vội 10.000 đồng vào thùng từ thiện đặt bên trong quán, vừa cười nói: "Hôm nay tôi bán được, tuy không đáng là bao nhưng là tấm lòng muốn cảm ơn bếp".

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"

Khi chắc chắn mọi người đều đã có cơm, chị Quế Chi (chủ Bếp 0 đồng) mới có thể nghỉ tay, chia sẻ với chúng tôi về đứa con tinh thần.

Theo chị Chi, trước đây, quán ở số 38 Hồ Nghinh (quận Sơn Trà), nhưng vì chủ nhà lấy lại mặt bằng nên chị phải tìm địa điểm khác. Ở đây thì rộng rãi hơn, nhưng lại quá xa trung tâm, chị và các anh em phải chia ra, đem cơm tới phát tại 2 địa điểm khác trong trung tâm thành phố.

"Thiện nguyện là việc từ tâm, tôi rất vui khi bếp luôn được các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ. Đa số kinh phí hoạt động là từ việc kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội, một số kiều bào ở nước ngoài gửi về, hay các cá nhân, các tổ chức từ thiện khác cũng thường hỗ trợ. Nhưng cũng nhiều lúc thiếu hụt, là chúng tôi và các bạn tình nguyện viên lại vét túi mình mà góp vào" chị Chi vui vẻ nói.

Chị cũng thật thà tâm sự, thuở ban đầu mở quán, chị chỉ mong có thể giúp người nghèo khó có được "một miếng khi đói", nhưng lâu dần, nhìn thấy bếp của mình trở thành nơi san sẻ nhọc nhằn với biết bao mảnh đời khốn khó, chị lại càng quyết tâm phải làm được nhiều hơn nữa, cố gắng đưa Bếp 0 đồng đến với nhiều người nghèo hơn.

Ngoài trời đang mưa lất phất, thời tiết Đà Nẵng những ngày này có khi xuống đến 19 độ, nhưng ở đây chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp lan tỏa từ trong tim. Khi gạt đi nỗi lo lắng, áp lực của đồng tiền, những con người tha hương có thể an tâm tận hưởng một bữa cơm thật ngon, trò chuyện cùng nhau như một gia đình.

Minh Châu

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cẩm Lệ   Sơn Trà   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...