12/04/2021 12:26  
Không thể 'làm mưa làm gió' nhiều như Facebook hay Apple ở Mỹ, sức mạnh của Alibaba tại Trung Quốc bị giới hạn trong 'vòng kim cô'.

Sau khi nhận mức phạt chống độc quyền kỷ lục 2,8 tỷ USD, Alibaba đã có động thái mà phương Tây cho là "bất thường" khi nói cảm ơn cơ quan quản lý. "Alibaba sẽ không đạt được thành tựu nếu không có các quy định hợp lý của chính phủ. Sự giám sát, khoan dung và hỗ trợ từ các địa phương là rất quan trọng đối với sự phát triển của chúng tôi. Điều này làm chúng tôi tràn đầy lòng biết ơn và sự tôn trọng", công ty cho biết trong một bức thư ngỏ.

Đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể kiểm soát sức mạnh của các tập đoàn công nghệ so với phần còn lại của thế giới. Mark Zuckerberg và Tim Cook có thể sẽ không bày tỏ lòng biết ơn công khai như vậy nếu chính phủ Mỹ phạt Facebook hoặc Apple một mức kỷ lục về chống độc quyền.

Các nhà quản lý Bắc Kinh đã kết thúc cuộc điều tra mang tính bước ngoặt của họ chỉ trong 4 tháng, so với các cuộc điều tra dài vài năm tương tự ở Mỹ hoặc châu Âu. Họ gửi một thông điệp rõ ràng đến các tập đoàn lớn nhất của đất nước cùng các CEO rằng, hành vi chống cạnh tranh sẽ phải chịu hậu quả.

Đối với Alibaba, khoản phạt 2,8 tỷ USD ít nghiêm trọng hơn nhiều người lo ngại và giúp giải tỏa tâm lý bất ổn đang đeo bám đế chế Internet của người sáng lập Jack Ma. Các nhà quản lý cho biết khoản phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) chỉ tương đương 4% doanh thu nội địa năm 2019 của Alibaba.

Mặc dù con số này cao gấp 3 lần mức cao nhất trước đó (gần một tỷ USD) mà Qualcomm phải nộp cho chính quyền Mỹ năm 2015, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với mức phạt tối đa đến 10% doanh thu, theo luật Trung Quốc. Thực tế, cổ phiếu của Alibaba đã tăng 5,5% vào sáng 12/4 tại Hong Kong.

"Chúng tôi rất vui khi giải quyết được vấn đề. Các phán quyết được thực hiện để đảm bảo cạnh tranh công bằng", Joseph Tsai, đồng sáng lập và Phó chủ tịch Alibaba tuyên bố với nhà đầu tư sáng 12/4.

Khoản tiền phạt đi kèm với nhiều biện pháp khắc phục, như bỏ chính sách buộc các tiểu thương chọn một trong hai nền tảng để kinh doanh, thay vì được sử dụng cả hai. Nhưng Tsai cho biết nhà quản lý không áp đặt những thay đổi triệt để với chiến lược thương mại điện tử của họ. Ông nói giới chức vẫn khẳng định mô hình kinh doanh của Alibaba là "tốt cho sự phát triển của nền kinh tế và sự đổi mới".

Ông cũng nói công ty không biết về bất kỳ cuộc điều tra chống độc quyền nào khác đối với họ, ngoại trừ một cuộc điều tra đã được thảo luận trước đó về các vụ thâu tóm và đầu tư của Alibaba và các gã khổng lồ công nghệ khác.

Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang hôm 10/4 tuyên bố, công ty hiện đã sẵn sàng bước tiếp từ những thử thách. Trong khi truyền thông của nước này cho biết Bắc Kinh không cố gắng kìm hãm lĩnh vực thương mại điện tử.

Alibaba "đã thoát khỏi những hậu quả có thể xảy ra như buộc phải chia tay hoặc thoái vốn tài sản", Jet Deng, luật sư chống độc quyền tại văn phòng công ty luật Dentons ở Bắc Kinh, nhận định.

Bắc Kinh vẫn có ý định kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ tài chính và Internet của mình, một chiến dịch kiềm chế sức mạnh các tập đoàn này đã thổi bay hơn 250 tỷ USD vốn hóa của Alibaba kể từ tháng 10/2020. Alibaba ngày này dễ bị tổn thương hơn khi nó to lớn hơn. Điều này khác hẳn với 6 năm trước, khi họ công khai phản đối sự kiểm duyệt của một cơ quan về hàng giả trên Taobao và cuối cùng buộc Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại phải nhượng bộ.

Ngoài chống độc quyền, các cơ quan chính phủ được cho là đang xem xét kỹ lưỡng các bộ phận khác trong đế chế của Jack Ma, bao gồm các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng của Ant Group và các phương tiện truyền thông của Alibaba. Và án phạt cũng sẽ khiến các công ty cùng ngành như Tencent Holdings, Baidu, Meituan, phải thận trọng hơn trong việc mở rộng kinh doanh và thâu tóm trong thời gian tới.

Cuộc điều tra nhằm vào Alibaba là một mở đầu trong một chiến dịch dường như được thiết kế để kiềm chế quyền lực của các nhà lãnh đạo Internet của Trung Quốc, bắt đầu sau khi Jack Ma chê bai ngành tài chính truyền thống nước này như "tiệm cầm đồ". Phát ngôn đó dẫn đến hậu quả to lớn, khiến Ant không thể IPO.

Vẫn chưa rõ liệu cơ quan giám sát hoặc các cơ quan khác của Trung Quốc có hành động thêm hay không. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý lo ngại về khả năng làm lung lay dư luận của Alibaba và muốn công ty bán một số cổ phần truyền thông như South China Morning Post, tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Hong Kong.

Các nhà quản lý tài chính hàng đầu của Trung Quốc hiện coi Tencent là mục tiêu tiếp theo để tăng cường giám sát. Ngân hàng trung ương được cho là đang dẫn đầu các cuộc thảo luận xung quanh việc thành lập một liên doanh với những gã khổng lồ công nghệ địa phương để giám sát dữ liệu sinh lợi mà họ thu thập từ hàng trăm triệu người tiêu dùng. Đây có thể mà một nỗ lực đáng kể của các nhà quản lý nhằm kiềm chế các doanh nghiệp lĩnh vực Internet.

"Mức phạt cao giúp cơ quan quản lý thu hút sự chú ý của giới truyền thông và gửi tín hiệu mạnh mẽ đến lĩnh vực công nghệ rằng những hành vi mang tính loại trừ cạnh tranh như vậy sẽ không còn được dung thứ. Đó là một mũi tên trúng hai con nhạn", Angela Zhang, Giám đốc Trung tâm luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, bình luận.

Hiện tại, có vẻ như các nhà đầu tư đang vui mừng vì tình hình đã không tồi tệ hơn. Trong tuyên bố của mình, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước kết luận Alibaba đã sử dụng dữ liệu và thuật toán "để duy trì và củng cố sức mạnh thị trường của chính mình và đạt được lợi thế cạnh tranh không phù hợp".

Cơ quan quản lý cho biết Alibaba sẽ phải tăng cường kiểm soát nội bộ, duy trì cạnh tranh công bằng và bảo vệ các doanh nghiệp trên nền tảng của mình và quyền lợi của người tiêu dùng. Công ty sẽ phải nộp báo cáo về việc khắc phục cho cơ quan có thẩm quyền trong ba năm liên tiếp.

Công ty sẽ phải điều chỉnh nhưng bây giờ có thể "bắt đầu lại", Zhang viết trong một lưu ý cho nhân viên của Alibaba hôm 10/4. "Chúng tôi tin rằng những lo ngại của thị trường về cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba đã được giải quyết bằng quyết định và hình phạt gần đây của SAMR", các nhà phân tích của Jefferies Financial Group viết trong một nghiên cứu có tựa đề "Một điểm khởi đầu mới".

Tờ People’s Daily cũng cho biết trong bài bình luận hôm 10/4 rằng, hình phạt chỉ nhằm mục đích "ngăn chặn việc mở rộng vốn diễn ra một cách mất trật tự". Tờ báo này cho rằng, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nền tảng này với sự phát triển kinh tế và xã hội nói chung. Án phạt cũng không báo hiệu sự thay đổi thái độ về sự hỗ trợ của chính quyền. "Các quy định là để phát triển tốt hơn, và 'kiềm chế' cũng là một loại tình yêu", tờ báo viết.

Phiên An (theo Bloomberg)

Nguồn tin: vnexpress.net


Apple   CEO   Ngân hàng   Trung Quốc   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...