18/10/2020 16:10  
Trong lòng đồng chí, đồng đội, ký ức về thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) là người luôn “nhận lấy khó khăn về mình” và nhiệt huyết, quyết liệt trong công việc. Khi ở đâu có mưa lũ, người dân đang hoạn nạn, nhận lệnh là ông lên đường ngay, dù đêm tối, mưa gió bão bùng, để đến hiện trường nhanh nhất.
“Anh Hùng Đạ Dâng” - danh xưng ấy khởi nguồn từ câu chuyện giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng ở tỉnh Lâm Đồng năm 2014.
12 công nhân mắc kẹt trong hầm tối, chống chọi với đói rét, khủng hoảng tinh thần, khi nhiều giải pháp công nghệ, kỹ thuật đưa đến hiện trường để giải cứu đều thất bại.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng khi ấy mang quân hàm đại tá, giữ chức Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 249, trực tiếp chỉ huy 110 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng công binh đến từ Lữ đoàn 249 và Tiểu đoàn 93.
Khi đó, thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng đề xuất giải pháp cho công binh “đào hầm trong cát” mở con đường ngắn nhất tiếp cận nhóm công nhân. Trong điều kiện nước ngầm cao, đất đá phong hóa nặng nhưng công binh đã khéo léo đào, tạo được gương hầm.
Hầm đào đến đâu được kê chống chắc chắn đến đấy, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng công binh. Đoạn hầm dài 20 m được đào thành công, giải cứu toàn bộ nhóm công nhân sau nhiều ngày mắc kẹt.
Chỉ một năm sau cuộc giải cứu Đạ Dâng, đại tá Nguyễn Hữu Hùng được điều động giữ chức vụ Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu. Cũng từ đây, con đường binh nghiệp của ông gắn với nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đầy gian nguy nhưng đầy tự hào của người lính thời bình.

Chuyến cứu hộ không thành

Trong 5 năm công tác ở Cục Cứu hộ cứu nạn, ở thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, đồng chí đồng đội trực tiếp được chứng kiến phẩm chất “Công binh mở đường thắng lợi” trước những việc mới, việc khó nhưng để lại nhiều dấu ấn. Từ kinh nghiệm công tác thực tiễn, thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng tham mưu, đề xuất và triển khai thành công nhiều giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều nội dung sau đó đã được luật hoá vào các quy định pháp luật, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Quân ủy T.Ư.
Trên cương vị là người chỉ huy đơn vị, thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng ghi dấu ấn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp quốc tế khi chỉ huy thành công lực lượng Quân đội Viện Nam tham gia diễn tập ứng phó thiên tai, thảm hoạ, hỗ trợ nhân đạo tại Thái Lan; giao lưu cứu hộ cứu nạn biên giới Việt - Trung; diễn tập cứu hộ cứu nạn biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2019.
Khi nhóm công nhân bị sạt lở đất vùi lấp ở nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 gọi điện cầu cứu lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đoàn công tác của Quân khu 4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn đã tìm cách vào hiện trường. Có lẽ trong chuyến đi ấy, nhiều người có cũng đã hy vọng về cuộc giải cứu thành công ngoạn mục như ở Đạ Dâng cách đây 6 năm trước. Nhưng thiên tai khắc nghiệt đã khiến 13 người trong đoàn công tác hy sinh.
Đáng tiếc, thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, với kinh nghiệm dạn dày trong cứu hộ cứu nạn đã hy sinh khi khát khao, hoài bão và nhiệt huyết cống hiến cho công việc, cho nhân dân đất nước trong ông đang sôi nổi, tràn đầy.
30 năm tuổi Đảng, 33 năm sống đời quân ngũ, dù ở bất kỳ cương vị công việc nào, đồng chí, đồng đội vẫn được thấy một thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trách nhiệm và nhiệt huyết, luôn sẵn sàng nhận lấy khó khăn, vất vả về mình!

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Việt Nam   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...