03/01/2021 9:25  
Anh cho phép tiêm một lúc hai loại vaccine Covid-19 cho một người "trong trường hợp nguy kịch", dù chưa có bằng chứng về hiệu quả miễn dịch khi trộn liều tiêm.

"Nếu không đủ vaccine, hoặc không rõ mũi đầu tiên là vaccine nào, các cơ sở y tế có thể dùng một vaccine Covid-19 khác có sẵn tại địa phương để tiêm mũi còn lại", Chính phủ Anh đưa ra hướng dẫn hôm 2/1. "Nếu người dân đang trong ‘tình trạng nguy kịch’ hoặc ‘không có khả năng tham gia các đợt tiêm chủng khác’, họ cũng nên được tiêm loại vaccine khác".

Hướng dẫn của Chính phủ Anh nêu rõ các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu, song chưa có bằng chứng về hiệu quả sử dụng các vaccine Covid-19 thay thế lẫn nhau.

Nhân viên y tế chỉ nên áp dụng hướng dẫn trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh, cho biết. Bà nhấn mạnh chính phủ không khuyến khích tiêm hai loại vaccine khác nhau để hoàn thành đủ hai mũi tiêm.

"Cần nỗ lực hết sức để chủng ngừa mỗi người dân bằng một loại vaccine, song nếu không thể, tốt hơn hết nên dùng loại vaccine khác để tiêm mũi thứ hai, thay vì không tiêm", Ramsay bổ sung.

Ghi nhận 74.000 người chết vì Covid-19, Anh là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao thứ hai châu Âu, tính đến ngày 2/1. Quan chức y tế nước này đang chạy đua phân phối vaccine tới các địa phương nhằm chấm dứt đại dịch trong nỗi lo quá tải dịch vụ y tế.

Mới đây, Chính phủ Anh đã đưa các bệnh viện dã chiến hoạt động trở lại để đáp ứng lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng.

Anh đang đi đầu trong cuộc đua vaccine Covid-19, là quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca-Oxford, cuối tháng 12. Cả hai vaccine này đều cần tiêm hai liều, cách nhau 21 ngày.

Cuối tháng 12, Anh gây tranh cãi khi công bố kế hoạch hoãn tiêm mũi nhắc lại 12 tuần để đảm bảo nhiều người hơn được chủng ngừa sau mũi tiêm đầu tiên.

Ngày 1/1, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Mỹ bày tỏ không đồng tình với cách tiếp cận tiêm chủng này của Anh.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành theo kế hoạch", ông khẳng định.

Trước đó Anh công bố phát hiện biến chủng nCoV, là thủ phạm gây lây nhiễm phần lớn bệnh nhân Covid-19 từ hồi tháng 9 ở miền đông nam nước này. Chủng nCoV biến thể được cho là "siêu lây nhiễm", lây lan nhanh hơn 70% so các chủng trước đó, tuy nhiên chưa có cơ sở cho thấy độc lực cao hơn.

Để ngăn chặn nCoV đột biến lây lan, hơn 50 quốc gia đã ngừng đi lại với Anh. Tuy nhiên các chuyên gia y tế thế giới cho rằng động thái này đã muộn, nCoV biến chủng đã kịp âm thầm xâm nhập vào nội địa. Nhiều nước đã ghi nhận xuất hiện chủng nCoV đột biến.

Việt Nam trưa 2/1 cũng công bố ghi nhận một ca nhiễm nCoV biến chủng, mắc đồng thời hai biến thể đều gây lây lan nhanh. Rất may, bệnh nhân là ca nhiễm nhập cảnh, cách ly ngay sau khi nhập cảnh từ Anh, nên không có khả năng lây nhiễm cộng đồng, theo chuyên gia y tế đánh giá.

Lê Hằng (Theo Reuters)

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Reuters   Việt Nam   chuyên gia   dịch vụ   dịch vụ y tế  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...