22/03/2021 22:12  
Khu phố nhà tôi có đôi vợ chồng trẻ, sinh sống ở đây cũng 5-6 năm rồi nhưng mỗi khi có ai hỏi hay nhắc đến tên nhà đó, nhiều khi mọi người vẫn cứ ngỡ là không quen biết.

Bởi tuy ra vào chạm mặt, nhà ấy cũng không bao giờ chào hỏi bất kỳ ai. Nhà ấy có 2 đứa con, năm nay học lớp 3 và lớp 1. Kinh tế khá giả cộng với thái độ vênh váo chẳng hòa đồng, nhưng hễ có việc cần nhờ vả lại đon đả như người thân thiết lắm. Có hôm họ mang được ít trứng gà ở quê lên, đi gõ cửa từng nhà mời chào mua. Nhưng ngày mai ra đường lại như những người xa lạ.

Lúc đầu mọi người trong phố cũng không câu nệ, nhìn thấy nhau cũng nhiều người cất lời chào trước, nhưng nhà ấy còn chả thèm trả lời, không biết là không nghe thấy hay cố tình không quan tâm.

Có một thời gian, cô vợ bán thêm quần áo trẻ con, cũng đi mời chào từng nhà, nhưng mọi người không hào hứng mua. Một hôm có khách đến mua hàng, cô vợ đứng giữa cổng, đon đả chào khách rồi nói rất to với con, có vẻ như muốn để hàng xóm nghe thấy: "Con chào cô đi con, cô này mua nhiều hàng cho nhà mình lắm". Thằng bé nghe lời mẹ mới chào.

Một hôm bà nội thằng bé ở quê lên chơi, mẹ nó lại nhắc: "Con không chào bà à?". Nó hỏi luôn "thế bà có giúp gì cho nhà mình không mà phải chào hả mẹ?".

Gọi là bà nội nhưng thực chất bà chỉ là vợ hai của ông nội. Bố nó là con bà cả. Nhưng bà cả mất lâu rồi, ông nội nó lấy bà hai. Bà hai hiền lành tốt bụng, lại không có con cái nên chăm con chồng. Lâu ngày không lên thăm con cháu, giờ nghe được câu hỏi đó, bà buồn lắm.

Nhiều người có quan điểm, trẻ con có biết gì đâu, nên vô tư thể hiện trước mặt trẻ tất cả những điểm xấu, nhưng trẻ con hiểu được nhiều điều hơn người lớn nghĩ. Có những thứ trẻ con tiếp cận rất nhanh, nhưng lại chưa đủ nhận thức để hiểu sâu xa. Bởi vậy, trẻ sẽ học được từ người lớn chẳng phải chỉ từ những lời dạy dỗ, mà chính là hành động, là cách người lớn giao tiếp với trẻ và và cả cách những người lớn đối xử với nhau.

Bố mẹ thằng bé chẳng bao giờ chào hỏi những người hàng xóm xung quanh nên con cái cũng mặc nhiên làm ngơ, khi mặt đối mặt cũng không thấy cần thiết phải chào vì bố mẹ đã ngầm trao đến con một thông điệp "chỉ chào hỏi khi ai đó giúp đỡ mình".

Có lần các bạn trẻ con hàng xóm chơi với nhau, đến khi thằng bé nhà ấy lấy đồ chơi của bạn rồi chạy về nhà, không chơi nữa, bạn sang đòi. Thằng bé đóng cổng vào rồi đuổi bạn về. Bạn về mách mẹ, mẹ bạn ấy sang hỏi rất nhẹ nhàng "có phải cháu mượn đồ chơi của bạn A nhà cô không?", thằng bé ấy lầm lì không trả lời. Mẹ thằng bé thấy thế, dù đang dở tay nhặt rau lao ra lôi con vào nhà, tát 2 cái cháy má và quát to "tao để mày thiếu thốn đồ chơi à, mày nhìn xem, nhà còn chỗ nào để chứa đồ chơi nữa không, toàn đồ chơi đẹp, sao mày lại phải mượn đồ chơi của người khác".

Lúc đầu thấy thái độ của mẹ thằng bé có vẻ tức giận, người mẹ hàng xóm kia còn vào can ngăn, bảo bọn trẻ cầm đồ của nhau là bình thường, cứ bình tĩnh hỏi con thôi. Nhưng khi người mẹ kia không thèm quan tâm đến lời can ngăn, thậm chí còn ra sức tát con với tất cả sự hung dữ cùng với những ngôn ngữ kia thì người mẹ của cậu bé hàng xóm đã cảm thấy không cần thiết phải nói gì thêm nữa. Cô ấy lặng lẽ dắt con về. Lát sau, cô ấy thấy món đồ chơi được vứt trước cổng.

Bố mẹ không tôn trọng người khác là đã dạy trẻ thói ngông nghênh coi thường người đối diện. Khi không biết tôn trọng, trẻ sẽ thể hiện mình theo cách nó thích, thậm chí cả nổi loạn và luôn coi mình là nhất.

Dạy trẻ con chưa bao giờ là một việc đơn giản. Nếu chúng ta nói một đằng làm một nẻo cũng chỉ dạy trẻ thói gian dối. Nếu dạy trẻ bằng những khoe khoang, thể hiện thì trẻ cũng sẽ trở thành đứa trẻ tự cao tự đại và ích kỷ. Để dạy dỗ trẻ, chúng ta cần dạy chúng bằng cái tâm và bắt đầu bằng sự hoàn thiện thay đổi chính bản thân mình.

Đặng Thị Thu Hường

Nguồn tin: dantri.com.vn


Dạy trẻ   Kinh tế  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...