27/01/2021 10:40  
Năm 2021, ba dự án trọng điểm của Hà Nội sẽ được gấp rút đẩy nhanh tiến độ, nhằm sớm về đích, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô.
Cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2
Dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 được chính thức khởi công vào ngày 9/1 với tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng thêm một cây cầu song song cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 về phía hạ lưu. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định: “Dự án xây dựng Cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 nằm trong danh mục công trình trọng điểm, nhằm mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP”.

Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở

Tuyến Vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị của Hà Nội với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - cầu Đông Trù - Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - Nguyễn Văn Linh - Đàm Quang Trung và trở lại cầu Vĩnh Tuy. Vành đai 2 có nhiều đoạn tuyến đi trên cao, cho phép phương tiện giao thông tránh được những khu vực ùn tắc, lưu thông với vận tốc cao ngay trong lòng đô thị trung tâm.

Hiện dự án Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhiều đoạn tuyến được thi công xong; đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở đã đưa vào sử dụng. Đại diện chủ đầu tư - Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, khai thông toàn tuyến trong năm 2021.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, bên cạnh tuyến Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy, trong quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy. Đây là một trong những nhân tố quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông khung Thủ đô, khi hoàn thành sẽ giải quyết đáng kể tình trạng UTGT trong nội đô TP.

Hầm chui Lê Văn Lương

Sáng 2/10/2020, Dự án hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 đã được khởi công, vị trí tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, dự kiến hoàn thành trong khoảng 2 năm.

Hầm chui có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trực thông theo hướng đường Lê Văn Lương; tổng chiều dài hầm và gờ chắn 2 đầu hầm khoảng 475m. Mặt cắt ngang gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Phần hầm hở mỗi chiều có bề rộng 7,75m phân cách 2 chiều bằng GPC cứng rộng 1,0m; xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu trong phạm vi dự án mỗi bên trung bình 5,50m để bố trí thêm 1 làn xe cơ giới. Dự án có tổng mức đầu tư là 698 tỷ đồng.

Phát biểu tại Lễ khởi công dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 là một trong những dự án trọng điểm của TP Hà Nội, nhằm giải quyết xung đột tại nút giao, giảm thiểu UTGT và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Hà Nội   Hầm chui   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...