26/01/2021 15:25  
Mấu chốt để phát triển trong giai đoạn mới nằm ở việc bộ máy nhà nước sẽ thực thi các chính sách như thế nào, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Chi Lan vừa chia sẻ với VnExpress nhân dịp Đại hội XIII của Đảng khai mạc sáng nay (26/1).

- Nhìn lại 35 năm từ khi Đổi mới, bà đánh giá những quyết sách nào đã tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam?

- Đầu tiên là chính sách chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang thị trường. Nếu không có điều này làm tiền đề, sẽ không có những chuyển đổi khác.

Đi kèm với sự chuyển đổi này, Việt Nam đã có chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung chỉ có tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế đã chấp nhận khu vực tư nhân và các khu vực khác, kể cả doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn. Kinh tế tư nhân cũng được đa dạng hơn về cấu trúc doanh nghiệp... Những điều này đã thực sự giải phóng cho lực lượng sản xuất trong xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế. Nếu chúng ta chỉ có kinh tế nhà nước thì những thành phần khác, vốn chiếm đa số, sẽ bị loại khỏi công cuộc làm ăn, phát triển kinh tế.

Tiếp theo là chủ trương mở cửa nền kinh tế, đa dạng hoá, đa phương hoá các hoạt động đối ngoại. Đặc biệt, xuyên suốt từ đầu Đổi mới đến nay, chúng ta đã tập trung vào quan hệ kinh tế với các nước. Với chủ trương này, Việt Nam không chỉ dựa vào các nước trong khối xã hội chủ nghĩa như trước. Vì vậy, khi Liên Xô sụp đổ vào những năm đầu 1990, Việt Nam đã có sự thay đổi kịp thời để làm ăn với các nước khác.

Cũng chính từ chủ trương mở cửa mà Việt Nam phá được thế bị cô lập, cấm vận của Mỹ. Chúng ta được các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, ADB tiếp nhận, mở ra các kênh đối ngoại để thu hút nguồn lực từ bên ngoài như vốn ODA. Đến tận bây giờ, khi Việt Nam đã vượt ra khỏi ngưỡng nghèo, chúng ta vẫn tiếp tục nhận được những nguồn vốn hỗ trợ này. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng thu hút được nguồn vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, thu hút các quan hệ xuất nhập khẩu, tiến đến việc gia nhập WTO cũng như những hiệp định thương mại tự do về sau.

Ngoài ra, phải kể đến những điều chỉnh về cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và xuất khẩu thay vì phát triển công nghiệp nặng. Chủ trương này giai đoạn sau lại tiếp tục điều chỉnh khi kinh tế đất nước mạnh lên. Theo đó, chúng ta hiện chú trọng đến phát triển công nghiệp, dịch vụ trong thời đại 4.0. Chủ trương Đổi mới vẫn luôn tiếp diễn, tạo điều kiện để đất nước có sự chuyển đổi phù hợp trong từng giai đoạn, khả năng và nhu cầu.

Tất nhiên, đi kèm là cách điều hành của Nhà nước và điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước đã hiểu được cần tập trung vào những chức năng cốt lõi, trước hết là xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách để người dân, doanh nghiệp được đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo phương châm làm giàu cho mình và cho đất nước.

Thị trường cũng được phát huy quyền lực trong việc tạo ra cạnh tranh. Điều này giúp thúc đẩy năng suất, hiệu quả, khả năng của nền kinh tế khi tham gia hội nhập cùng thế giới.

Chúng ta cũng ngày càng chú ý hơn đến nhu cầu, lợi ích và tiếng nói của xã hội. Nhờ vậy, các chính sách được đưa ra cũng ngày càng hoàn thiện hơn. Điều này không chỉ phù hợp với yêu cầu của những người trực tiếp làm kinh tế, mà còn là nhu cầu phát triển chung của đất nước, theo tiêu chí bình đẳng, công bằng, bảo vệ môi trường và về sau còn là phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.

Tôi nghĩ đó là những điều chỉnh quan trọng nhất, những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta đã làm được từ khi Đổi mới đến nay.

- Còn những điều cần cải thiện trong thời gian tới là gì thưa bà?

- Tôi nghĩ "Đổi mới" trong tương lai đã được nêu khá rõ gần đây, nhất là trong những bản dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Theo đó, chúng ta thấy vẫn còn cần những đột phá cơ bản cho 3 lĩnh vực được xem là điểm nghẽn của kinh tế. Những điểm nghẽn này, thực tế đã được nêu, phân tích khá kỹ từ Đại hội lần thứ XI, tức cách đây 10 năm, và đã được đưa vào chiến lược giai đoạn 2010-2020 nhưng chưa thực hiện đầy đủ.

Thứ nhất là về thể chế. Đột phá về thể chế được coi là một trong những đột phá chiến lược. Rõ ràng, thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa hình thành đầy đủ ở Việt Nam. Hệ thống luật pháp, chính sách tuyên bố ủng hộ cạnh tranh tự do, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế nhưng thực tế điều hành vẫn chưa làm được. Từ đó khiến môi trường kinh doanh chưa lành mạnh như chúng ta kỳ vọng. Đơn cử những méo mó trong phân bổ nguồn lực. Chúng ta vẫn đang dồn quá nhiều nguồn lực cho khu vực nhà nước, trong khi đó, lực lượng đông đảo nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân, vẫn tiếp cận nguồn lực khó khăn.

Thứ hai là điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Đây là nút thắt lớn khiến đất nước bị kìm hãm mấy chục năm nay. 35 năm sau Đổi mới, Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công ở mức thấp nhất với giá trị gia tăng, thu nhập thấp nhất dù danh nghĩa là đã tăng lên cao. Nó thể hiện rõ nhất ở việc xuất khẩu cũng như phần đóng góp của doanh nghiệp FDI vào tăng trưởng kinh tế. Nếu loại trừ những phần đó, GDP Việt Nam sẽ giảm một phần đáng kể so với thành tích hiện nay. Tôi nhấn mạnh, nhân lực nếu ở trình độ thấp, Việt Nam sẽ không vươn được lên cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba là hạ tầng. Những năm vừa qua, có lẽ trong 3 đột phá chiến lược đề ra, hạ tầng là nơi được đầu tư nhiều nhất về tài chính. Như Bộ Kế hoạch & Đầu tư tính trung bình, 85% tổng đầu tư của Chính phủ là vào hạ tầng. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết khi chưa đồng bộ, đồng đều giữa các vùng miền, chưa tạo được tính liên kết. Những nơi phát triển rất nhanh, mạnh, hạ tầng lại tắc nghẽn nhất. Ngược lại, những địa phương chưa phát triển việc đầu tư hạ tầng lại rất nhiều trong khi không phát huy được hết hiệu quả.

Điểm nghẽn này cần tiếp tục cải thiện khi đất nước ngày càng hội nhập với bên ngoài. Hạ tầng cũng cần được hiểu rộng ra, không chỉ là đường xá, cầu cống, mà còn là hạ tầng công nghệ thông tin, những nền tảng có các ngành kinh tế mới.

- Với giai đoạn phát triển mới này, bà có kỳ vọng gì?

- Mong đợi nhất của tôi là những chính sách, cam kết đã đưa ra phải tiếp tục được hiện thực hoá. Một số vấn đề thực tế đã được nói, như câu chuyện thể chế được đề cập 10 năm nay nhưng chưa thực hiện được nhiều. Đến nay, trong văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng, nó cũng được đề cập lại cùng những phân tích, góp ý...

Tôi nghĩ rằng, để tháo gỡ những điểm nghẽn, cần thay đổi trong bộ máy nhà nước, cán bộ. Bộ máy này vẫn còn nhiều vấn đề khiến một số chính sách, chủ trương tốt nhưng không được thực thi tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần gắn cải cách thể chế với những cam kết của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Tham gia các hiệp ước với những nền kinh tế lớn, có thị trường hoàn chỉnh..., nếu cứ giữ mãi cách chơi ở mức thấp, sẽ không thể tương thích và phát huy lợi thế để bật lên. Tóm lại, thời gian tới, cái tôi muốn thấy nhất là một Nhà nước hành động mạnh hơn nữa, nhờ vậy mới tạo ra được những chuyển biến lớn trong xã hội, giúp đất nước này phát triển hơn.

Phương Ánh

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Kinh tế   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   làm giàu   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...