24/10/2020 5:10  

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM):

Ruột thừa là cơ quan nằm ở vị trí chuyển giao từ ruột non qua ruột già, chức năng không rõ ràng và rất dễ bị tổn thương. Có nhiều nguyên nhân gây viêm ruột thừa, nhưng phổ biến nhất là do phì đại nang bạch huyết ở trong ruột thừa. Nguyên nhân thứ hai là do sỏi phân. Phân hình thành sỏi và chui vào ruột thừa, từ đó gây phản ứng viêm. Nguyên nhân thứ ba là do dị vật.
Do vị trí của ruột thừa nên rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh ở vùng ruột non (như viêm ruột, viêm hồi manh tràng...) hay ở vùng ruột đại tràng (viêm đại tràng). Ở phụ nữ, viêm ruột thừa cũng có thể nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa về buồng trứng, tử cung, bệnh lý đường tiết niệu, thậm chí có thể nhầm lẫn với bệnh lý gan mật...

Triệu chứng đặc trưng

Thứ nhất, bệnh nhân sẽ có hội chứng nhiễm trùng, gồm: chán ăn, mệt mỏi, ớn lạnh, sau đó có biểu hiện sốt.
Thứ hai, triệu chứng đau bụng. Do ruột thừa nằm ở vùng hố chậu bên phải nên bệnh nhân thường đau ở vị trí này. Giờ đầu tiên bệnh nhân đau ở vùng thượng vị (thường nhầm lẫn với đau dạ dày), theo dõi sau một vài giờ triệu chứng đau di chuyển xuống hố chậu phải.
Thứ ba, triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, như: buồn nôn, đi tiêu phân lỏng...
Ngoài các triệu chứng của đau ruột thừa ở hố chậu bên phải, trong một số trường hợp đặc biệt, ruột thừa nằm sau manh tràng biểu hiện bởi những triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Với ruột thừa ở bên trái hoặc gần gan..., tùy theo triệu chứng mà bác sĩ sẽ dựa vào kỹ năng lâm sàng để chẩn đoán.
Bên cạnh đó, để chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần đến sự hỗ trợ của các phương tiện: xét nghiệm máu, siêu âm, một số trường hợp khó khăn chẩn đoán hơn có thể phải chụp CT ổ bụng.

Xử trí viêm ruột thừa

Với viêm ruột thừa cấp, nếu không được xử lý sẽ gây vỡ ruột thừa và nhiễm trùng tại chỗ, sau đó gây nhiễm trùng toàn ổ bụng và cuối cùng là toàn thân. Đây là con đường diễn tiến thứ nhất và nhiều nhất của viêm ruột thừa.
Con đường thứ hai là viêm ruột thừa vỡ ra gây nhiễm trùng nhưng tạo áp xe bao quanh vị trí hố chậu phải và không lan ra, chỉ thành áp xe ruột thừa.
Do đó, bệnh nhân có dấu hiệu viêm ruột thừa cần được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện càng sớm càng tốt. Tiêu chuẩn vàng trong điều trị viêm ruột thừa là phẫu thuật. Phẫu thuật càng sớm hiệu quả càng cao và không gây ra biến chứng.
Nếu chẩn đoán sớm viêm ruột thừa cấp, mổ trong vòng 6 giờ đầu gần như không xảy ra biến chứng. Nếu phẫu thuật ruột thừa sau 72 giờ sẽ có nhiều biến chứng do tình trạng viêm nhiễm lan ra bên ngoài.
Nếu được chẩn đoán sớm, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi. Đây là phương pháp đơn giản, lành bệnh nhanh, thời gian hồi phục nhanh, ít xảy ra biến chứng.

Không nên làm gì khi đau ruột thừa?

Triệu chứng viêm ruột thừa khá đa dạng và dễ nhầm với một số bệnh, do đó mọi người cần lưu ý: Nhiều khi bệnh nhân đau bụng nhưng gia đình nghĩ là đau bụng gió nên cạo gió, dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong. Vì vậy, nếu bệnh nhân bị đau bụng kèm sốt, ớn lạnh, chán ăn thì nên đi khám ở bệnh viện.
Trong những trường hợp đau bụng chưa xác định rõ, nên hạn chế dùng thuốc giảm đau và kháng sinh, bởi hai loại thuốc này làm giảm các triệu chứng bệnh và kéo dài thời gian bệnh, đưa đến những biến chứng về sau.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bệnh viện   HCM   thuốc giảm đau  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...