24/01/2021 11:45  

SGTOSuperTitle"> Sửa đổi hướng đến các nền tảng thương mại điện tử

Nghị định 52 được ban hành từ năm 2013, quy định các nguyên tắc cơ bản để hình thành thị trường thương mại điện tử (TMĐT), quy định về cách thức tham gia và các nội dung phải tuân thủ cho nền tảng TMĐT, người mua, người bán. Trên cơ sở đó, thị trường TMĐT ở Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh nhóng. Theo Sách trắng TMĐT năm 2020, 50% người dân Việt Nam có hoạt động mua sắm trên các trang TMĐT với quy mô doanh thu đạt 10,08 tỉ đô la Mỹ.

Trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52 đang lấy ý kiến, ngoài các nội dung làm rõ hơn về hoạt động TMĐT phù hợp với bối cảnh phát triển mới như mở rộng đối tượng áp dụng sang các trang mạng xã hội, dự thảo cũng có một số thay đổi quan trọng liên quan đến các nền tảng TMĐT.

Cụ thể, dự thảo bổ sung các quy định yêu cầu gia tăng vai trò của các nền tảng TMĐT, như phải chịu trách nhiệm liên đới khi có sự việc phát sinh thay vì chỉ đơn thuần là bên cung cấp môi trường giao dịch và hỗ trợ. Cụ thể, các nền tảng phải có tránh nhiệm liên quan trong trường hợp người bán vi phạm, đồng thời cũng phải cung cấp các công cụ tra cứu, kiểm tra thông tin người bán, phục vụ cho quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết.

Đây cũng chính là sự điều chỉnh đang gặp phải sự phản ứng nhiều nhất từ các sàn TMĐT, xuất phát từ ý kiến cho rằng những điều chỉnh này đặt quá nhiều gánh nặng lên vai trò của các sàn TMĐT.

Quy định cần phù hợp với thực tiễn

Nỗ lực quản lý hoạt động của sàn TMĐT nằm trong xu hướng chung về việc quản lý hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên nền tảng Internet, bao gồm cả các dịch vụ xuyên biên giới không qua sàn TMĐT như Google, Netflix… hay các giao dịch mua bán hàng hóa trên các trang TMĐT. Việc kiểm soát bao gồm quản lý về chất lượng sản phẩm, nội dung sản phẩm và quản lý thuế.

Trong khi nhóm các dịch vụ xuyên biên giới không qua sàn TMĐT như Google, Netflix… đã được quản lý bởi Luật thuế sửa đổi 2019, thì các giao dịch TMĐT lại khó quản lý hơn nhiều.

Với đặc điểm số lượng người bán đông, nằm rải rác ở khắp nơi, trong khi trên 80% vẫn là giao dịch thanh toán tiền mặt (COD) thì việc các cơ quan nhà nước quản lý chất lượng sản phẩm hay quản lý thuế trực tiếp với người bán đều khó khăn.

Vì vậy, cơ quan quản lý lựa chọn làm việc với đơn vị trung gian (sàn TMĐT) như một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, cần lựa chọn cơ chế phối hợp phù hợp để đảm bảo các sàn TMĐT giữ đúng vai trò, bản chất của đơn vị cung cấp nền tảng TMĐT.

Việc yêu cầu sàn phải đứng ra thay mặt thương nhân nước ngoài để giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng, hay cung cấp các công cụ cho cơ quan quản lý nhà nước tra cứu thông tin của người bán, có thể được xem là những quy định không phù hợp khi phá vỡ vai trò là bên thứ ba trong các giao dịch TMĐT.

Trên thực tế vai trò của các sàn TMĐT chỉ là cung cấp nền tảng giao dịch cho người bán và người mua và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch. Còn việc kiểm tra tính hợp lệ của hàng hóa, hay đứng ra đại diện cho người bán hoặc người mua, phải là công việc của cơ quan quản lý, và vượt qua thẩm quyền của sàn TMĐT. Nếu tham gia vào công đoạn này, sàn TMĐT cũng chỉ tham gia với vai trò là đơn vị phối hợp hỗ trợ cùng cơ quan chức năng, thay vì là đơn vị chịu trách nhiệm.

Ngay cả khi không tính đến vấn đề trên, thì dù đều cùng một hình thức kinh doanh là sàn TMĐT nhưng cách thức tổ chức kho vận, chính sách bán hàng, chính sách vận chuyển ở các sàn đều ít nhiều có sự khác biệt. Nên ngay cả khi các cơ quan chức năng có ý định gắn kết trách nhiệm của các sàn và người bán thì cũng sẽ khó để đưa ra được quy định chung.

Để đảm bảo tính khả thi, những quy định bổ sung thêm cho các sàn TMĐT nên là các nội dung nằm trong chức năng hoạt động của sàn, chẳng hạn như đưa ra các quy chuẩn cho người bán hay dán các nhãn đảm bảo cho những nhà cung cấp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về nguồn gốc hàng hóa để giúp người mua phân biệt được những nhà cung cấp uy tín. Đối với việc cung cấp thông tin, các sàn cũng có thể phối hợp cùng cơ quan quản lý trong quá trình thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên thông tin chỉ ở mức độ giúp cơ quan định danh được người bán, phần việc còn lại sẽ phải là quá trình làm việc giữa người bán và cơ quan chức năng. 

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Nghị định   Việt Nam   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...