07/04/2021 7:11  
Chạy thận cách quãng, cả người Lan sưng phồng, yếu ớt. Nắm chặt tay vợ, Thuốc thì thầm, đừng bỏ anh và con em nhé! Cô bé học lớp 3 gối đầu lên chân mẹ, đôi mắt tròn đen láy rơm rớm nước mắt.

Mấy hôm nay cả người Lan sưng phồng, đôi mắt sụp xuống. Đó là hậu quả của việc cắt giảm lịch chạy thận từ 3 lần mỗi tuần xuống còn 2 lần, cũng bởi vì cái đói cái nghèo.

Lan bảo, từ làng xuống bệnh viện hơn 50 km, nhiều đoạn đèo dốc. Mỗi lần đi chạy thận phải đi mất 1 ngày. Nếu mỗi tuần đi 3 lần chắc chắn cả nhà sẽ không có gạo ăn.

Đó là hoàn cảnh vô cùng éo le của Đinh Thị Lan (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi).

Sau 2 tháng quen nhau, Đinh Thuốc và Đinh Thị Lan nên duyên vợ chồng. Họ nghèo đến nỗi chẳng có nổi vài mâm cơm để tổ chức đám cưới. 

Chuyện tình tưởng như vội vàng lại đẹp như những bông hoa dại sau đồi. Trong cùng cực cảnh nghèo, tình yêu đã giúp Lan vượt qua nỗi đau của căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.

"Bây giờ nếu chết đi em cũng mãn nguyện, bởi Thuốc đã cho em những phút giây hạnh phúc nhất. Em chỉ thương con gái còn nhỏ, đó là điều day dứt nhất", Đinh Thị Lan thều thào nói.

Không chỉ thiếu gạo mà vì em nên gia đình phải vay nợ rất nhiều, Lan chia sẻ. Những ngày đầu, Thuốc phải mượn chiếc xe máy cũ chở Lan đến bệnh viện. Đường đèo dốc, xe quá cũ thường xuyên hỏng hóc.

Nhiều lần xe chết máy giữa rừng nên khi đến viện đã quá ca chạy thận. Sau đó, Thuốc quyết định vay ngân hàng Chính sách xã hội ít tiền mua chiếc xe máy, phần còn lại lo thuốc thang cho vợ.

"Vay mấy năm rồi mà nợ chồng nợ. Mỗi tháng phải trả tiền lãi 220 ngàn đồng, có tháng không có tiền để trả", Lan cho biết.

Cả căn nhà của vợ chồng Thuốc tài sản quý giá nhất là chiếc quạt bàn và nồi cơm điện đã cũ. Thuốc bảo, nếu định giá đồng nát, không biết có nổi trăm nghìn.

Thương Lan nhưng Thuốc đành bất lực. Thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, Thuốc bỏ việc đưa vợ đi chạy thận. Những ngày còn lại, ai thuê gì Thuốc cũng làm kiếm tiền.

"Cực mấy em cũng làm nhưng tiền công chỉ có 100 - 120 nghìn đồng mỗi ngày. Đi làm 2 ngày mới đủ chi phí cho một lần đi chạy thận. Những lúc không có tiền phải đi xin bà con hàng xóm", Thuốc nói như bất lực.

Cái nghèo đeo bám, bệnh tật dày vò, Lan không muốn là gánh nặng của Thuốc. Nhiều lần, Lan nghĩ sẽ "buông tay" để Thuốc có thời gian làm việc, chăm lo cho con. Mỗi lần như thế, Thuốc lại thì thầm, đừng buông tay nhau em nhé!

Giữa trưa, hành lang khoa Thận nhân tạo (BV Đa khoa Quảng Ngãi) vắng tanh. Khi hay tin, hôm nay Thuốc đưa vợ đến viện chạy thận, chúng tôi đã có mặt tại đây. Thuốc ngồi lặng lẽ đợi vợ đang chạy thận. Ở đây, ai cũng thương vợ chồng Thuốc. Người cho Thuốc ít trái cây, có người cho tiền ăn cơm trưa.

Có hôm, phải mua thêm thuốc cho Lan nên 2 vợ chồng chỉ gọi 1 đĩa cơm. Trong cái nghèo cùng cực nhưng với Thuốc, Lan là niềm hạnh phúc. Có Lan, có con gái, Thuốc mới cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa.

Thuốc kể, nhiều lần thương chồng, thương con, Lan luôn nghĩ vì mình mà chồng con phải khổ. Lan luôn dằn vặt như vậy. Nhưng với Thuốc, Lan luôn là niềm hạnh phúc của hai bố con, Lan không phải gánh nặng. Nếu có thể em sẽ chia sẻ cả cuộc sống của mình với Lan. Chàng trai nói rồi quay mặt đi cố giấu sự yếu đuối trong người đàn ông.

Theo anh Nguyễn Thanh Tịnh - Điều dưỡng trưởng khoa Thận nhân tạo, bệnh nhân Đinh Thị Lan bị suy thận mạn nên phải chạy thận định kỳ. Theo lịch của bệnh viện, Đinh Thị Lan phải chạy thận 3 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, do hoàn cảnh quá khó khăn nên bệnh nhân chỉ thực hiện 2 lần.

"Việc giảm số lần chạy thận ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên hoàn cảnh của vợ chồng Đinh Thị Lan thật sự khó khăn nên bệnh nhân quyết định chỉ chạy thận 2 lần mỗi tuần.

Thời gian qua, Y, Bác sĩ của khoa cũng tìm cách giúp đỡ nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Lan cần sự chung tay hỗ trợ để yên tâm chạy thận đúng lịch. Trường hợp này nếu có đủ kinh phí có thể tính đến phương án ghép thận", anh Tịnh cho biết.

Quốc Triều

Nguồn tin: dantri.com.vn


Đa khoa  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...