12/04/2021 12:40  
Từ lâu, câu chuyện vi phạm bản quyền đã trở thành "vấn nạn" không hồi kết đối với nhiều tòa soạn báo. Theo thời gian, tình trạng này không những không giảm sút mà còn tăng mạnh cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, qua đó ảnh hưởng lớn đến uy tín, doanh thu của các cơ quan báo chí chính thống.
Nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt với thực trạng nan giải khi đổ nhiều công sức, thời gian lẫn tiền bạc để thực hiện một tuyến bài hay nhưng khi mới xuất bản được 10 phút thì những tác phẩm này bị các trang tin, mạng xã hội lấy lại và sử dụng miễn phí nhằm trục lợi.
Vi phạm trắng trợn

Có thể nói, báo chí là một trong những ngành nghề có mức độ gian khổ cao trong xã hội. Để hoàn thành được một tin ngắn hay một bài điều tra độc quyền không chỉ là sự cố gắng, chịu đựng khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của phóng viên mà còn là sự hỗ trợ, ủng hộ của cả một tòa soạn, một cơ quan báo chí đằng sau. Mặc dù để một tác phẩm báo chí có thể đến với độc giả, phóng viên và tòa soạn đã phải bỏ ra nhiều công sức đến vậy nhưng việc bài báo này bị sao chép, ăn cắp một cách trắng trợn vẫn diễn ra như cơm bữa.

Phóng viên Lê Đạt chuyên về mảng tin an ninh, điều tra của báo Kinh tế & Đô thị cho biết mình thường xuyên là "nạn" nhân của tình trạng "nấu cháo trên lưng" như vậy. Do tính chất tin, bài của mà mình thực hiện tương đối thu hút được nhiều người xem, thường là thông tin vụ án hoặc, các vụ cháy nổ vừa diễn ra trên địa bàn TP, mà để thực hiện phóng viên phải mất nhiều công sức túc trực ở hiện trường hoặc cơ quan chức năng để làm một tin khoảng 300 - 400 chữ. Nhưng tin, bài vừa mới xuất bản xong chỉ được khoảng 10 phút là đã bị các trang tin tổng hợp, mạng xã hội lấy lại mặc dù họ không hề được tòa soạn cho phép thực hiện hành động này.

Không những thế với những bài điều tra độc quyền, tốn cả tháng trời để thực hiện với nhiều vất vả khó có thể kể hết nhưng vẫn bị ngang nhiên cướp trắng sức lao động, thậm chí nơi lấy còn không ghi cả nguồn gốc. Nếu mình có phản ứng thì bên lấy mới ghi nguồn hoặc có nơi còn cương quyết không ghi mà còn xào lại và để tên phóng viên bên họ. Cá biệt có những trang tin lấy lại bài phản ánh về nội dung sai phạm của đơn vị, sau đó mạo danh người viết để liên hệ nhằm trục lợi hoặc ký hợp đồng tuyên truyền, phóng viên Lê Đạt nói.

Việc ăn cắp tin, bài một cách trắng trợn và dễ dàng như hiện nay không chỉ là hành động bóc lột sức lao động của phóng viên mà còn tạo ra ảnh hưởng xấu cho tòa soạn trong mắt độc giả nếu như tin, bài bị lấy lại bị giật tittle hoặc sửa nội dung theo hướng câu khách, giật gân. Thực tế, không chỉ trang tin điện tử, mạng xã hội mà ngay cả các ấn phẩm báo chí như tạp chí, báo điện tử, việc lấy bài mà không xin phép như vậy cũng không phải là hiếm, phóng viên Lê Đạt bức xúc.

Nói về tình trạng vi phạm bản quyền đối với các cơ quan báo chí, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức khẳng định: Mỗi một tin, bài là một phần tài sản của toàn soạn, nếu như chúng bị lấy đi mà chưa được sự chấp thuận thì không khác gì việc cơ quan báo chí bị mất đi lợi ích, thương hiệu và cả kinh tế.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Đức, báo Kinh tế & Đô thị đã là nạn nhân của tình trạng vi phạm bản quyền như vậy từ nhiều năm trở lại đây. Đơn cử như trường hợp của một trang thông tin điện tử của DN bất động sản, họ đã lấy và sử dụng thông tin của Báo mà không xin phép. Phải tới khi bị phát hiện, họ mới xin đền bù, đàm phán và chấm dứt vi phạm.

Trên thực tế, tình trạng các trang tin, mạng xã hội, thậm chí là tạp chí, báo điện tử đang ngang nhiên vi phạm bản quyền của báo Kinh tế & Đô thị không phải là hiếm. Có thể kể đến những cái tên như kinhtexahoi.vn, truyenthongg8.vn, vietfor.vn, congtrinhxanhvietnam.vn, datxanhmienbac.com.vn... Đặc điểm chung của những trang này là thường xuyên lấy lại những tin, bài thời sự được thực hiện của bởi phóng viên của báo Kinh tế & Đô thị mặc dù chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của tòa soạn.

Cần sự hợp sức của các cơ quan báo chí

Cần nhìn nhận thẳng vào thực tế, vi phạm bản quyền không chỉ là câu chuyện của riêng một cơ quan báo chí mà đang là "vấn nạn" của toàn bộ làng báo, do đó để triệt tiêu tình trạng này cần phải có sự chung sức của tất cả các đơn vị.

Trả lời cho câu hỏi bảo vệ tác quyền tác phẩm báo chí bằng cách nào? Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, các cơ quan báo chí cần học hỏi các hội nghề nghiệp khác trong việc ủy quyền cho bên thứ 3 nhằm bảo về quyền lợi của mình theo cách chuyên nghiệp nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài của bên mình bị lấy bởi các trang tin, báo hoặc tạp chí mà chưa được sự đồng ý.

Kiến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Minh Đức đặt ra vấn đề nên chăng Cục Báo chí cần có một Vụ chuyên về bảo vệ bản quyền. Với việc nắm chế tài quản lý nhà nước trong tay, Vụ sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, cũng cần phải rà soát lại các cơ chế, chính sách về vấn để bảo vệ tác quyền từ đó mở rộng phạm vi xử phạt cũng như mức phạt đối với các sai phạm này.

Có đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho rằng, hiện nay, việc bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm báo chí không phải là khó trong khâu phát hiện mà nằm ở khâu xử lý vi phạm. Một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp, phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý việc này. Do đó cần tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước.

Với nguồn lực của từng tờ báo để đấu với các nền tảng khác về bản quyền sẽ không đấu lại, phải dùng vị thế cơ quan quản lý nhà nước. Một tờ báo liên hệ tới trang tổng hợp, website để yêu cầu gỡ bài vi phạm có thể không thực hiện được nhưng chỉ cần Cục liên hệ là sẽ gỡ ngay, không gỡ sẽ bị chặn, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm.

(còn nữa)

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Kinh tế   chuyên gia   chính sách  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...