15/04/2021 10:41  
Việc Australia chiến thắng trước Facebook xung quanh vấn đề trả phí cho tin tức được xem là bài học rõ ràng cho Việt Nam trong cuộc chiến chống nạn vi phạm bản quyền.

>>> Bài 1: Khi người làm báo bị “nấu cháo trên lưng”

>>> Bài 2: Hợp sức để đấu tranh
>>> Bài 3: Có thể xử lý hình sự
Để triệt tiêu được "vấn nạn" đã bào mòn doanh thu cũng như uy tín của báo chí trong nhiều năm qua, không chỉ cần cố gắng của các đơn vị sản xuất nội dung mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Bài học từ cuộc chiến Australia với Facebook

Sự việc này bắt nguồn từ một dự luật có tên Luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Australia đưa ra vào năm 2020 khi xuất hiện tình trạng các hãng tin của quốc gia này không thể đạt được thỏa thuận tự nguyện với các công ty công nghệ lớn trong khi đối mặt với khó khăn do Covid-19. Ngày 18/2, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia cũng như hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức tại quốc gia này.
Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau động thái trên, trong đó có các trang đưa thông tin về dịch Covid-19, cháy rừng hay lốc xoáy... Tuy nhiên, ngay sau đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đưa ra lập trường cứng rắn của quốc gia khi khẳng định: Hành động của Facebook là một sự ngạo mạn và đáng thất vọng.

Trước thái độ không khoan nhượng của phía Australia, ngày 20/2, Facebook đã buộc phải quay lại bàn đàm phán. Tới 23/2, sau khi đạt được thỏa thuận chung, Facebook đã khôi phục hoạt động của các trang tin tức Australia trên mạng xã hội này. Cụ thể, chính quyền Australia đồng ý sẽ tiến hành một số chỉnh sửa về luật để giải quyết những quan ngại của Facebook với quy định hãng phải trả tiền cho các hãng tin tức. Bên cạnh đó, Facebook sẽ tiến hành đàm phán cụ thể về mức phí phải trả đối với các hãng tin tức có nội dung xuất hiện trên nền tảng của mình.

Tới ngày 25/2, Chính phủ Australia đã chính thức thông qua Luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sẽ có cơ quan riêng để quyết định mức giá các gã khổng lồ công nghệ phải trả nếu đàm phán thương mại với các hãng tin địa phương không thành công. Luật mới này sẽ đảm bảo rằng các DN truyền thông tin tức được trả thù lao công bằng cho nội dung mà họ tạo ra, giúp duy trì hoạt động báo chí.

Như vậy có thể thấy, tuy căng thẳng thực sự chỉ diễn ra trong khoảng một tuần nhưng tầm ảnh hưởng lại vô cùng lớn khi Chính phủ Australia đã giúp các cơ quan truyền thông tại quốc gia này được trả đúng với công sức lao động mà họ bỏ ra, đồng thời tạo một nguồn thu ổn định trong nhiều năm tới.

Báo chí Việt cần làm gì?

Có thể nói, các yếu tố quan trọng nhất để báo chí Australia dành được phần thắng trước Facebook chính là nhờ sự đoàn kết giữa các cơ quan báo chí trong nước cũng như hành động quyết liệt, không khoan nhượng từ phía chính phủ. Tại Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” diễn ra hồi tháng 11/2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã đưa ra cam kết về việc sát cánh với các cơ quan báo chí nhằm triệt tiêu tình trạng vi phạm bản quyền.
Khi gặp phải hiện tượng vi phạm bản quyền, các cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận lưu vết những vi phạm, đối chiếu thông tin, có kiến nghị bằng văn bản gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền và tham gia chặt chẽ vào quá trình thực thi, góp ý sửa đổi các văn bản.

Mặt khác, các cơ quan báo chí cũng cần liên kết với nhau và liên kết với các DN mạng cung cấp dịch vụ để thực hiện đúng quy định pháp luật về vấn đề bản quyền trên cơ sở chia sẻ quyền lợi, phát huy các thế mạnh. Không chỉ vậy, cũng cần nghiên cứu xem xét, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới về xử lý bản quyền tác phẩm báo chí, tham khảo cách thức truy vết và bảo vệ bản quyền để có thể bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình... - Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đưa ra giải pháp.

Nhìn nhận thấy việc vi phạm bản quyền báo chí bắt nguồn chủ yếu từ tình trạng tràn lan các trang tin điện tử tổng hợp, ngay từ cuối năm 2019, Bộ TT&TT đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm chấn chỉnh cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhóm này. Cụ thể, việc cấp phép trang tin điện tử tổng hợp đã bị tạm dừng, đồng thời tăng cường công tác rà soát với các trang tin đã được cấp phép, nếu có tình trạng lấy bài từ các báo, tạp chí mà không xin phép hay hoạt động như báo điện tử đều bị xử lý từ phạt hành chính cho đến thu hồi giấy phép.

Bên cạnh đó, kể từ thời điểm 15/11/2019, các trang tin tổng hợp thực hiện việc tổng hợp tin, bài từ các cơ quan báo chí bắt buộc phải có thỏa thuận bằng văn bản, đồng thời phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, bài gốc ngay dưới tin, bài được lấy lại.

Ở tầm thấp hơn, một trong những giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế nạn vi phạm bản quyền được nhiều cơ quan báo chí ủng hộ là thành một liên minh gồm báo chí - cơ quan quản lý - DN công nghệ nhằm tận dụng các thế mạnh của riêng mình qua đó triệt tiêu nạn "sài chùa" đã nhức nhối từ nhiều năm nay. Và việc ra đời của Trung tâm Bản quyền số trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam vào cuối năm 2020 là một trong những bước tiến cụ thể khi lần đầu tiên ở Việt Nam có một đơn vị áp dụng công nghệ nhằm giám sát nạn vi phạm bản quyền báo chí.

Trung tâm Bản quyền số sẽ ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cho các cơ quan báo chí theo dõi sản phẩm của mình theo thời gian thực, qua đó xác định có bị vi phạm bản quyền không và mức độ vi phạm đến bao nhiêu phần trăm, từ đó đưa ra giải pháp ngăn chặn. Hiện hệ thống của Trung tâm có phạm vi dò quét trên 600 đầu báo, forum, blog, 90 triệu profile Facebook, 2 triệu page và 3 triệu group trên các mạng xã hội như Facebook và YouTube ...

Theo Giám đốc Trung tâm Bản quyền số Hoàng Đình Chung để giải quyết triệt để tình trạng xâm phạm bản quyền đối với báo chí bắt buộc phải có sự can thiệp bằng công nghệ chứ không thể làm thủ công. Các đối tượng vi phạm thường dùng công nghệ để vi phạm vì vậy chỉ có công nghệ mới có thể chặn đứng các vi phạm này. Với việc có thể truy quét các tác phẩm báo chí thông qua nội dung, hình ảnh, âm thanh hay video... một cách tự động thì phát hiện ra vi phạm là rất dễ dàng và nhanh chóng.

Được biết, hiện tại Trung tâm Bản quyền số đã có nhiều đối tác là các tờ báo lớn như: Kênh truyền hình VOV, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Thời báo Văn học Nghệ thuật, Báo Đại biểu nhân dân...

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bài học   Chính phủ   Covid   Covid-19   Nghệ thuật   Việt Nam   căng thẳng   dịch vụ   kiến nghị   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...