05/01/2021 5:10  
Cơn bão số 9 quét qua giật tung cả mái lớp học của điểm trường Lấp Loa, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Để thầy, trò sớm đến trường người dân nơi đây phải gùi những tấm tôn lên lợp tạm.

Ngược núi băng rừng "bò" đến điểm trường Lấp Loa

Cuối năm 2020, giữa lúc thời tiết giá buốt của mùa đông, chúng tôi ngược núi lên điểm trường Lấp Loa, thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Cho đến thời điểm hiện tại, các loại phương tiện vẫn chưa thể đi được vào tới điểm trường Lấp Loa, vì vậy chúng tôi cuốc bộ khoảng 6km từ điểm trường chính vào đến điểm trường Lấp Loa mất hơn 2 tiếng đồng hồ.

Thầy giáo dẫn đường cho biết, cũng may mấy hôm nay trời tạnh ráo còn đi nổi chứ gặp hôm trời mưa không thể đi được lên điểm trường vì đường đá trơn trượt, rất nguy hiểm.

Vì đường đi khó khăn, dịch bệnh Covid - 19, rồi đến bão lũ, các thầy cô giáo đưa ra nhiều khuyến cáo khiến chúng tôi nhiều lần lỡ hẹn với điểm trường Lấp Loa. Vừa qua, mặc dù cơn bão số 9 cũng đã qua đi được 2 tháng, nhưng những ngọn núi ũng nước sau những trận mưa kéo dài, luôn rình rập mạng sống người dân nơi đây. 

Quãng đường đi bộ khoảng 6km với không biết bao nhiêu là đoạn dốc dựng đứng, có lúc phải bò mới có thể vượt qua. Trên đường vào điểm trường, chúng tôi gặp nhiều bà con ở nóc Lấp Loa ra ngoài mua lương thực, gạo mắm, mì tôm… Vừa đi vừa hỏi chuyện bà con nên cũng đỡ mệt.

Đây cũng là tuyến đường độc đạo của 64 hộ dân Lấp Loa đi hàng ngày xuống trung tâm xã để bán sản vật địa phương và mua lương thực cho gia đình.

"Đi, bò, leo" mãi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm trường Lấp Loa. Nằm trên đỉnh đồi, điểm trường Lấp Loa hun hút gió thổi. Mùa này, gió lùa lạnh thấu xương nhưng bên trong các em vẫn say sưa ê a học bài theo thầy cô.

Bão giật bay mái lớp học, dân bản gùi tôn lợp tạm 

Điểm trường Lấp Loa có tất cả 32 em học sinh, trong đó có 17 em là học sinh mẫu giáo và 15 em học sinh tiểu học với 2 lớp ghép 1 và 2. Điểm trường có 2 phòng học bằng gỗ và được lợp bằng mái tôn đã xuống cấp nặng.

Thầy Bùi Văn Vượt (36 tuổi, giáo viên điểm trường Lấp Loa) cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã làm mái tôn của trường bay và sập gần như hoàn toàn. Sau bão, các em phải nghỉ học nhiều ngày. Nhờ các các nhà hảo tâm hỗ trợ, bà con dân bản gùi từng tấm tôn, từng tấm gỗ lên để sửa chữa lại mới có chỗ tạm cho thầy trò tiếp tục dạy nhau con chữ.

Trường học hiện nay đang rất thiếu nhiều trang thiết bị cũng như đồ dùng cho các giáo viên dạy học theo đúng chuẩn của ngành giáo dục như đèn điện, quần áo đồng phục… Điểm trường còn chưa được tiếp cận nguồn điện và sóng điện thoại cũng còn rất hạn chế.

Đó chưa phải là nỗi lo của thầy cô nơi đây mà là sự xuống cấp và kém an toàn của trường lớp khi mỗi mùa mưa bão đến. Tường lớp học ghép bằng những tấm vì thế các lớp học liền kề nhau nên khi thầy cô giảng bài hay học sinh đọc ở lớp này thì lớp kia đều nghe thấy khiến học sinh không thể tập trung học tập được.

Khu vực bếp ăn tạm bợ, chật hẹp và cũng đã xuống cấp nặng. Bếp không có chỗ rửa bát, thầy cô phải rửa bát ngoài trời và mái hiên cũng chỉ được che đậy tạm bợ bằng những tấm tôn cũ…

Thầy Bùi Văn Vượt cho biết, vào mùa đông nơi đây lại chìm trong màn sương mù dày đặc nên từ sáng đến tối phải dùng bóng điện năng lượng để học tập và soạn giáo án giảng dạy.

Thầy Vượt cũng chia sẻ, nếu được nhà nước hay mạnh thường quân hỗ trợ, điểm trường sẽ được xây dựng cách điểm trường này khoảng 500m, ở đó có mặt bằng tương đối rộng, có thể làm sân chơi cho các cháu, kín gió nên đỡ rét…

"Mỗi lần băng rừng để xuống trung tâm xã mua lương thực thì mua đủ luôn cho cả tuần, còn thiếu gì thì thì gửi phụ huynh mua giúp. Không có thiết bị để giữ đồ tươi nên cứ đi chợ một lần là ăn cả tuần vậy đó", thầy Vượt chia sẻ.

Lấp Loa có 64 hộ dân sinh sống, tất cả là đồng bào Ca Dong sống dựa vào núi rừng, kinh tế khó khăn, cái ăn cái mặc vẫn còn thiếu thốn nên việc quan tâm đến học hành của con em mình cũng còn nhiều hạn chế, bố mẹ cũng chẳng mấy khi đưa con đến trường, các em đều phải tự mình băng rừng, lội suối để đến lớp.

Cô Nguyễn Thị Ly, giáo viên mầm non của điểm trường chia sẻ, ở miền núi cao này thiếu thốn đủ thứ. Không có điện, thiếu nước sạch, đồ dùng học tập cho các cháu, áo ấm… Tuy nhiên, nỗi lo chính của cô là điểm trường không an toàn. Mùa nắng thì nóng kinh khủng, còn mùa mưa thì tiếng mưa quất xuống mái tôn kêu rầm rầm như người ném đá, không thể dạy học được.

Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập cho biết, Lấp Loa là một trong vài điểm trường còn tạm bợ mà trường đang vận động các mạnh thường quân hỗ trợ để làm lại kiên cố, đảm bảo công tác dạy và học.

Tuy nhiên, hiện con đường đến điểm trường chưa được thuận lợi, giáo viên phải đi bộ hàng giờ mới đến nơi. Mong muốn của trường là xây dựng lại điểm trường cho kiên cố, làm con đường bằng bê tông để xe máy có thể đi đến nơi được.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Trà My cho hay, Lấp Loa là một trong những điểm trường xuống cấp cần phải xây dựng lại kiên cố, tuy nhiên nguồn kinh phí của nhà nước hạn hẹp nên chưa thể đầu tư được.

Ở điểm trường Lấp Loa đường bê tông chưa đến được, muốn xây dựng kiên cố phải cần lực lượng nhân công khuân vác vật liệu xây dựng lên đến nơi. Hiện công gùi 1 bao xi măng lên đến nơi khoảng 100 ngàn đồng, mỗi ngày 1 người chỉ cõng tối đa 2 bao xi măng.

Theo ông Thuận, nếu xây dựng điểm trường Lấp Loa theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiên cố hóa trường lớp, mỗi phòng học ở trường thôn theo quy định là khoảng 600 triệu đồng, trong điều kiện có đường bê tông vận chuyển vật liệu xây dựng đến tận nơi.

"Đối với điểm trường Lấp Loa hiện cần xây dựng 2 phòng học, kinh phí xây dựng khoảng 1,2 tỉ đồng, chưa kể phòng ở cho giáo viên. Trường học cũng cần, con đường đến điểm trường cũng rất cần. Nếu có con đường thì sẽ thuận lợi hơn trong việc vận động xây dựng trường", ông Võ Đăng Thuận cho biết.

Hình ảnh phóng viên ghi nhận trên đường vào điểm trường Lấp Loa sau 2 tháng bão số 9 đi qua 

Công Bính - Hoài Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Giáo dục   Tiểu học  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...