16/10/2020 18:21  
Thúc đẩy thương mại, đầu tư và xuất khẩu, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong giai đoạn khó khăn, Việt Nam có thể coi là "phép màu" châu Á trong thời đại mới.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam đã nhanh chóng huy động các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch như truy vết tiếp xúc, đẩy mạnh tuyên truyền.

Việc nhanh chóng kiểm soát dịch giúp Việt Nam sớm mở cửa kinh tế trở lại và được dự đoán trên đà trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong năm nay. Trong khi nhiều nước rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh và cần đến cứu trợ tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam được dự báo đạt tăng trưởng GDP 3% trong năm nay. Thặng dư thương mại được dự báo đạt kỷ lục bất chấp những gián đoạn của thương mại toàn cầu do Covid-19.

New York Times dẫn nhận định của ông Ruchir Sharma, chuyên gia chiến lược tại Công ty quản lý đầu tư của Morgan Stanley, cho rằng rất lâu rồi thế giới mới có một đột phá như thế này. Sau Thế chiến II, các "phép màu châu Á - đầu tiên là Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc - đã đưa nền kinh tế khởi sắc bằng cách mở cửa thương mại, đầu tư và trở thành cường quốc sản xuất hàng xuất khẩu.

Giờ đây, Việt Nam cũng đi theo con đường tương tự nhưng trong một thời đại hoàn toàn khác khi mà những điều kiện làm nên “phép màu châu Á” trước kia có thể không còn nữa. Thời đại bùng nổ dân số, thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng đã qua. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Trong giai đoạn bùng nổ, các nước được coi là “phép màu đầu tiên của châu Á” đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm xấp xỉ 20%. Việt Nam duy trì tốc độ tương tự suốt 3 thập niên. Thậm chí khi thương mại toàn cầu suy giảm vào những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16%/năm, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi.

Trong khi các nền kinh tế mới nổi khác phụ thuộc lớn vào phúc lợi xã hội để xoa dịu cử tri, Việt Nam tận dụng các nguồn lực để phục vụ ngành xuất khẩu, xây dựng cầu cảng, đường xá, xây trường học để đào tạo lao động. Chính phủ Việt Nam đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm cho các dự án xây dựng mới. Chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện được đánh giá cao hơn nhiều quốc gia ở giai đoạn phát triển tương đương.

Việt Nam cũng tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong vòng 5 năm trở lại đây, trung bình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đạt hơn 6% GDP, cao nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. Hầu hết vốn đầu tư này phục vụ xây dựng các nhà máy sản xuất và cơ sở hạ tầng liên quan, và hầu hết đến từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Hay nói cách khác, những phép màu cũ đang góp phần tạo ra phép màu mới.

Việt Nam trở thành điểm đến thu hút các nhà sản xuất xuất khẩu khi thị trường Trung Quốc giảm dần sức hấp dẫn. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên gần 3.000 USD/ngày, nhưng giá nhân công vẫn thấp hơn ở Trung Quốc trong khi tay nghề nhân công ngày càng được nâng cao.

Trong bối cảnh nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại, Việt Nam lại ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Một câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có duy trì được thành công này trước những thách thức tiềm tàng hay không? "Câu trả lời là có. Suốt 5 năm qua, không quốc gia nào có tăng trưởng xuất khẩu xanh hơn Việt Nam", chuyên gia Ruchir Sharma nhận định.

Minh Phương
Theo NYTimes

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   New York Times   Nhật Bản   Trung Quốc   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...