26/10/2020 12:10  
Ngày 26.10, ngay sau cuộc họp trực tuyến về chống bão số 9 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, UBND TP.Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn với các ngành để triển khai các giải pháp ứng phó cơn bão này.

Di dời 108 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, cho biết, theo dự báo của đài khí tượng, bão số 9 sẽ ảnh hưởng ở gần bờ với gió giật mạnh, từ ngày 28.10.
Theo ông Hòa, nếu tâm bão vào Quảng Nam, Đà Nẵng thì sẽ có gió cấp 9, 10 giật cấp 11, 12. “Do đó, công tác sơ tán nhân dân sẽ phải xong trong ngày 27.10, không di dời người dân vào ban đêm vì rất nguy hiểm cho người dân và lực lượng chức năng. Ưu tiên sơ tán tại chỗ, tại các nhà tầng kiên cố để đảm bảo an toàn”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho biết, mưa trong bão sẽ tập trung trong ngày 28.10. Hiện các thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn đã đầy. Khả năng thủy điện xả về hạ du sẽ mất khoảng hơn 10 giờ đồng hồ kéo theo vùng sông Yên sẽ bị ngập chậm.
Ảnh hưởng lớn nhất là 2 sông Túy Loan và sông Cu Đê, do đó, các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên (H.Hòa Vang) và P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu) phải di dời dân trước ngày 28.7.
“Nếu mưa lớn kéo theo mực nước lên 1-2 m trong vòng vài tiếng đồng hồ thì rất nguy hiểm. Lũ năm 1999, 2007 và 2009 đã xảy ra rồi”, ông Hòa thông tin thêm.
Đối với lực lượng biên phòng, ông Hòa đề nghị kêu gọi 5 tàu ở khu vực Trường Sa vào bờ. Đối với 108 hộ ở tại vùng nguy cơ sạt lở cao thuộc H.Hòa Vang cho sơ tán đến nơi an toàn trước ngày 28.10.

Học sinh nghỉ học trong 2 ngày

Qua nghe báo cáo, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các sở ngành phải di dân trước 15 giờ chiều 27.10; 5 tàu cá đang đánh bắt trên biển phải vào bờ trước 15 giờ ngày 27.10.
Các sở ngành, như: GTVT, Xây dựng, TT-TT… khẩn trương kiểm tra và yêu cầu tất cả các công trình dừng hoạt động trước 15 giờ chiều mai 27.10.
“Hạ hết tất cả cần cẩu, các phương tiện, các nhà cao tầng phải đảm bảo tuyệt đối, nhất là các giàn giáo”, ông Chinh nói.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP cũng yêu cầu Sở Du lịch yêu cầu các khách sạn, resort phải đảm bảo an toàn trước việc nước biển dự báo dâng từ 5-6 m. Các địa phương Liên Chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà tập trung di dân ở những nơi nguy hiểm, tập trung vào các khu nhà an toàn.
“Ngành GD-ĐT TP cho học sinh nghỉ học từ sáng 28.10 và cho đến hết ngày 29.10. Theo dự báo ngày 28.10 thì bão số 9 sẽ vào. Tối đó sẽ có mưa to cho đến ngày hôm sau (29.10), nước lụt lên cho nên học sinh nghỉ 2 ngày. Sở TT-TT phải có bản tin đặc biệt phải có bản tin đặc biệt từ trưa 26.10 để người dân chủ động phòng chống bão. Đề nghị người dân trong quá trình phòng chống bão số 9, đảm bảo an toàn trong chống bão, tránh tai nạn khi đang chống bão”, ông Chinh đề nghị.
Ông Lê Trung Chinh cũng yêu cầu, ngành nông nghiệp khẩn trương đi kiểm tra các lồng bè nuôi cá. Các hồ thủy lợi và phối hợp chặt chẽ các địa phương, các công ty trong quá trình xả lũ. Sở Công thương TP có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm…
“Đề nghị tất cả các ngành nếu không có vấn đề gì bức thiết thì tập trung vào công tác phòng chống bão số 9. Hạn chế những cuộc họp không cần thiết như chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Chinh nhấn mạnh.
“Vừa qua TP.Đà Nẵng có 4 người chết trong bão số 5, trong đó có 2 người đi biển, 2 người đi bắt cá. Chết cái này rất là oan. Rút kinh nghiệm việc này, chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ, dứt khoát không cho những người bơi ghe nhỏ ra ngoài. Các địa phương phải quyết liệt chỗ này khi chống bão số 9…”, ông Chinh khuyến cáo.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Sơn Trà   thực phẩm   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...