30/03/2021 14:25  
Chỉ sau ba trận, HLV Masahiro Shimoda bị Sài Gòn FC sa thải. Đây là nhà cầm quân nước ngoài đầu tiên mất việc ở V-League 2021 và có lẽ ông không phải trường hợp cuối cùng.

V-League vốn là "miền đất dữ" cho các HLV ngoại. Kể từ năm 2006, chưa HLV ngoại nào vô địch ở cấp độ CLB, và cũng chưa ai cầm quân quá hai mùa giải. Tuy nhiên, có thể mùa 2021 sẽ chứng kiến những điều đặc biệt, ở nhiều góc độ khác nhau, đối với các nhà cầm quân nước ngoài.

Bảng điểm hiện tại sau vòng 6 khắc họa phần nào. Trong khi Kiatisuk Senamuang đang bay cao cùng HAGL với vị trí đầu bảng, thì ba trong số bốn đội bóng đứng chót lại do các HLV ngoại dẫn dắt. Đó là Petrovic (Thanh Hóa, thứ 14), Polking (TP HCM, 12) và Shimoda (Sài Gòn FC, 11). Nếu Kiatisuk giúp HAGL thắng ba trong bốn trận gần nhất, thì những đồng nghiệp người nước ngoài còn lại đã thua ba trong bốn trận kể từ khi V-League trở lại sau Tết nguyên đán. Mọi thứ quá rõ ràng, và Sài Gòn FC là đội bóng đầu tiên buộc phải thực hiện điều mà có lẽ chính các HLV cũng biết rằng nó sẽ phải đến với công việc của họ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Kiatisuk làm tốt hơn mong đợi, trong khi các HLV còn lại thì không? Hay nói đúng hơn, thất bại ấy nằm ở khả năng và sự thích ứng của họ, hay lại đến từ những vấn đề của chính bóng đá Việt Nam, mà cụ thể là cách vận hành CLB

Hãy bắt đầu từ HLV vừa bị mất việc, Masahiro Shimoda. Có lẽ phải gọi ông là "chuyên gia" hơn là một HLV. Những công việc đã qua của Shimoda sau khi ông từ giã sự nghiệp cầu thủ chủ yếu nằm ở góc độ của nhà quản lý, đặc biệt là vị trí giám đốc kỹ thuật cho một số CLB tại Nhật Bản cũng như các đội tuyển trẻ của bóng đá nước này. Ban đầu, Shimoda sang Sài Gòn FC cũng là làm công tác quen thuộc ấy, chẳng hiểu sao ông lại được bổ nhiệm làm HLV trưởng thay cho ông Vũ Tiến Thành, người vừa có một mùa giải rất thành công trước đó. Sài Gòn FC dưới quyền của Vũ Tiến Thành vốn đề cao việc phòng ngự, thường đá theo kiểu "chiếu dưới". Trong khi đó, lãnh đạo Sài Gòn FC đang thực hiện chiến lược "J-League hóa" bằng việc mua về nhiều cầu thủ đến từ giải đấu này, sau đó bổ sung ban huấn luyện cũng là người Nhật Bản. Nhưng J-League là giải đấu có chất lượng tấn công cao nhất châu Á, tỷ lệ bàn thắng mỗi mùa của họ rất cao, tương đương với Bundesliga ở châu Âu (nhiều cầu thủ Nhật Bản thường thành công ở Đức).

Từ một đội đá phòng ngự, thay hết gần như toàn bộ cầu thủ, rồi lại đưa một người chuyên công tác quản lý chuyển sang cầm sa bàn, chưa kể còn muốn đá đẹp, thì lẽ ra cần có thời gian thêm cho Shimoda. Trước đây từng có Henrique Calisto cũng là dân quản lý chuyển sang làm HLV, nhưng khi đó "thầy Tô" khởi đầu ở giải hạng Nhất với Đồng Tâm Long An, mất năm mùa giải mới giúp đội này vô địch V-League. Năm ngoái, ông Vũ Tiến Thành nhanh chóng đạt thành công là nhờ đội ngũ được xây dựng ổn định suốt năm năm trước, khi còn thuộc sở hữu bầu Hiển. Nhưng chính Sài Gòn FC của ông Thành sau vòng 6 của mùa trước cũng chỉ thắng hai trận, ngang với hiện nay mà thôi.

Lẽ ra, người có nguy cơ bị sa thải nhiều nhất là HLV Polking tại CLB TP HCM. Đơn giản vì nhà cầm quân này cho đến nay chưa để lại một dấu ấn chiến thuật nào, đặc biệt là không thể tạo ra một hệ thống tấn công cho dù có bốn ngoại binh, bao gồm cả Lee Nguyễn, chỉ để phục vụ cho nhiệm vụ ghi bàn. TP HCM không dấu tham vọng xây dựng đội bóng đá hào hoa như Hà Nội FC, nên bao nhiêu tiền là dồn vào việc mua cầu thủ tấn công. Nhưng với ba bàn sau sáu trận, đó là một nỗi thất vọng ghê gớm và trách nhiệm đương nhiên phải thuộc về HLV Polking. Khác với Shimoda ở Sài Gòn FC, ông Polking có thời gian nhiều hơn, triết lý của đội bóng cũng được thống nhất từ đầu, lực lượng cũng tương đối ổn định.

Hiện Polking chưa bị sa thải, không hẳn vì chiếc ghế của ông được đảm bảo, mà có thể vì TP HCM chưa biết phải làm gì. Đội bóng này đã trải qua đến hai đời HLV ngoại, có lẽ họ vẫn sẽ phải tiếp tục chiến lược này, nhưng hiện tại không dễ tìm người thay thế. Việc tín nhiệm HLV ngoại là điều bình thường, nhưng cần phải thực tế, là những chuyên gia nước ngoài khó phù hợp với bóng đá Việt Nam. Những thành công của họ cho đến nay, chủ yếu được ghi nhận trên cấp độ đội tuyển.

Câu chuyện của HLV Petrovic tại Thanh Hóa có lẽ là một điển hình. Bốn năm trước nhà cầm quân người Serbia đến, cũng đã để lại những sự cố không hay, như việc đòi lao vào sân đánh trọng tài hay ông đấm thẳng vào cầu thủ của mình. Sau khi đưa Thanh Hóa đến ngôi á quân 2017, ông chia tay một cách bất ngờ với những khúc mắc không thể giải quyết với lãnh đạo CLB.

Bài học rõ ràng thế, nhưng Petrovic chẳng có gì thay đổi khi quay lại. Ở trận thua Đà Nẵng 1-3 trên sân nhà hôm qua, ngay thời điểm bù giờ, chẳng hiểu sao "ông già" người Serbia lại lao vào tranh cãi với quyết định của trọng tài khiến trận đấu bị gián đoạn. Lúc đó, Thanh Hóa đang có khí thế tìm bàn gỡ hòa sau khi vừa ghi được bàn rút ngắn 1-2 ở phút 87. Nghĩa là, chính Petrovic đã "câu giờ" cho đội khách. Hành động của ông còn tạo ra sự kích động với cầu thủ trên sân, sa đà vào việc đá xấu, trong khi họ vẫn còn đến năm phút để tìm bàn gỡ.

Cách hành xử của Petrovic cho thấy điểm yếu lớn nhất của HLV ngoại, đó là bản thân họ không tự thích ứng với môi trường bóng đá Việt Nam dù từng trải qua va chạm giữa tư duy cũng như cách làm bóng đá chuyên ngiệp. Nếu Shimoda và Polking là người mới, thì Petrovic phải biết rõ hơn ai hết. Cho nên, nếu so sánh với trường hợp của Kiatisuk tại HAGL, thì bên cạnh những khiếm khuyết của bóng đá Việt Nam, sự thất bại của các HLV nước ngoài cũng đến từ bản thân họ.

Chắc chắn, các CLB V-League vẫn tìm cách thuê HLV nước ngoài dù có nhiều bài học nhãn tiền. Nhưng họ cần cho các nhà cầm quân này thời gian và giúp họ hòa nhập với văn hóa bóng đá Việt.

Song Việt

Nguồn tin: vnexpress.net


Bài học   HCM   HLV   Hà Nội   Nhật Bản   V-League   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...