04/03/2021 12:10  
Tờ Sina đã có một loạt bài viết phân tích hiện trạng của nền bóng đá Trung Quốc. Trong đó, họ lo sợ nền bóng đá sụp đổ vì phụ thuộc vào đồng tiền và mở ra giải pháp để vực dậy bóng đá.

Nô lệ của đồng tiền

Thông tin nhà vô địch giải VĐQG Trung Quốc, Jiangsu Suning giải thể đã thực sự là cú sốc với bóng đá nước này. Chỉ 107 ngày trước, Jiangsu Suning vẫn còn ngự trên đỉnh cao khi ăn mừng chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử. Thế nhưng, sau khi tập đoàn Suning "rút phích cắm", tất cả đã trở về với hư vô.

Thực tế, việc CLB Jiangsu Suning "biến mất" mới chỉ là lời cảnh báo đầu tiên cho hệ thống sụp đổ của nền bóng đá Trung Quốc. Tờ Sina đã bày tỏ mối lo ngại lớn về nguy cơ này.

Nhật báo của Trung Quốc viết: "Jiangsu Suning đã trở thành nhà vô địch có tuổi thọ ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thế nhưng, mọi chuyện chưa dừng ở đó. Shandong Luneng đã bị loại khỏi AFC Champions League vì nợ lương cầu thủ. Tianjin Tigers, đội bóng từng làm mưa làm gió ở giải Trung Quốc, cũng lâm vào tình cảnh tương tự một năm trước. Và giờ đây, họ còn không tìm nổi ông chủ mới.

Trong khi đó, 4 CLB là Hebei China Fortune, Chongqing Dangdai, Henan Jianye, Cangzhou Lions cũng đang gặp khó khăn khi nhà đầu tư đang dần rút vốn. Họ buộc phải thay đổi cách thức hoạt động để tìm sự sống. Giải VĐQG Trung Quốc từng có thời gian thịnh vượng, nay trở nên hoang tàn.

Việc các tập đoàn hay doanh nghiệp thiệt hại lớn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được xem là nguyên nhân cơ bản nhất. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra rằng việc đầu tư vào bóng đá không mang tới lợi nhuận nào.

Thống kê cho thấy số tiền chi tiêu trung bình của 16 CLB ở giải VĐQG Trung Quốc vào năm 2018 là 1,1 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD) nhưng số tiền mà họ thu về trung bình chỉ là 686 triệu nhân dân tệ. Điều đó cho thấy các CLB đã thâm hụt trầm trọng về vấn đề kinh tế.

Lấy CLB Guangzhou Evergrande là ví dụ. Trong vòng 6 năm qua, CLB này đã thâm hụt số tiền lên tới 7,7 tỷ nhân dân tệ. Thú vui đốt tiền quá xa xỉ nhưng rốt cuộc không bền vững. Doanh thu của các CLB chủ yếu tới từ bán vé, bản quyền và hoạt động thương mại. Thông thường, với các CLB tỷ lệ doanh thu từ các hoạt động này lần lượt là 45%, 35% và 20%. Tuy nhiên, với các CLB Trung Quốc, hai hoạt động đầu tiên (bán vé và bản quyền truyền hình) chỉ rơi vào khoảng 10%. Còn lại, họ hầu như không có hoạt động thương mại nào đáng kể.

Bởi lẽ đó, trong bối cảnh nguy cơ phá sản đang rình rập bất kỳ lúc nào, các CLB ở giải Trung Quốc đang phải thắt chặt chi tiêu. CLB Guangzhou Evergrande đã cắt hợp đồng với Gao Lin, Feng Xiaoting và Zeng Cheng để giải phóng bớt lương. Trong 2 năm qua, họ cũng không ký hợp đồng với bất kỳ tên tuổi lớn nào từ nước ngoài.

Không chỉ Guangzhou Evergrande, nhiều CLB Trung Quốc khác cũng đang phải đi theo hướng như vậy. Ngay cả khi gia hạn hợp đồng với các cầu thủ thì họ chủ động cắt giảm sâu mức lương.

Đã đến lúc, các CLB cần hướng tới sự phát triển bền vững, thay vì làm nô lệ của đồng tiền. Họ cần phải chú trọng vào kế hoạch và chiến lược dài hạn. Bóng đá Trung Quốc đã chuyên nghiệp hóa trong 20 năm qua nhưng giờ đây, mọi thứ vẫn chưa tiến triển.

Ngay cả lứa cầu thủ Trung Quốc hiện tại vẫn có chất lượng rất kém, thậm chí, không thể vượt qua được những đàn anh ở lứa đầu tiên, điển hình là Fan Zhiyi".

Đã đến lúc cần đầu tư có chiều sâu

Sau những năm tháng miệt mài "đốt tiền", các CLB Trung Quốc đã bắt đầu nghĩ nhiều hơn tới việc đào tạo trẻ. Trong bài viết khác, tờ Sina đã chỉ ra vấn đề cơ bản: "Các CLB đã hiểu rằng cần chú trọng nhiều hơn tới công tác đào tạo trẻ. Một vài CLB bắt đầu trao cơ hội ra sân nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ, để họ tích lũy kinh nghiệm.

Đây vốn là hướng phát triển tiềm năng. Các cầu thủ không nhận lương cao quá và sau khi trưởng thành, họ còn có thể mang về nguồn thu cho các CLB. Một vài CLB khác đã chọn cách mượn hoặc mua đứt những cầu thủ trẻ để "đi tắt đón đầu" hơn.

Cái mác "giải đấu lớn thứ 6 trên thế giới" giống như bong bóng vỡ tan. Trong điều kiện này, việc thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp là điều hết sức khó khăn, khi gần như doanh thu thương mại của các CLB là không có. Dù vậy, khó khăn hiện tại hoàn toàn có thể là tiền đề cho sự phát triển bền vững hơn trong tương lai".

Nhật báo Trung Quốc cũng lo ngại rằng ngày càng ít đứa trẻ ở đất nước này muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp: "Bóng đá đã được đưa vào học đường trong 10 năm qua nhưng ngày càng ít đứa trẻ muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Theo Liu Dianqiu, trong vòng 12 năm qua, ông chỉ tuyển được 142 đứa trẻ.

Việc học hành được phụ huynh đặt lên đầu tiên. Họ không muốn con của họ trở thành cầu thủ đá bóng. Một HLV làm bóng đá trẻ Trung Quốc chia sẻ: "Những bậc phụ huynh mong con cái họ vào đại học và sau này có công việc ổn định. Quãng thời gian chơi bóng của cầu thủ quá ngắn. Họ lo lắng không biết con của mình sẽ làm gì sau khi giải nghệ".

Công tác đào tạo trẻ của Trung Quốc từng phát triển huy hoàng trong những năm 90 khi hàng loạt thế hệ trẻ tài năng ra đời và sang cả châu Âu chơi bóng. Thời điểm ấy, rất nhiều lò đào tạo trẻ mọc lên khắp đất nước. Thật không may, sự suy tàn của bóng đá Trung Quốc cũng kéo theo lò đào tạo trẻ ấy biến mất.

Do đó, để kích thích niềm đam mê của bọn trẻ, thì đội tuyển Trung Quốc cần phải có thành tích tốt. Nếu như lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 hoặc thậm chí xa hơn là dự vòng chung kết World Cup 2022 thì có thể tạo nên cú hích.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cũng cần có hỗ trợ cho công tác đào tạo trẻ, vốn gần như đã bị bỏ quên trong thời gian dài qua".

H.Long

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bóng đá   Chính phủ   Covid   Covid-19   HLV   Trung Quốc   World Cup   chiến lược   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...