26/10/2020 7:20  
Góp ý cơ chế bảo vệ cán bộ dám “xé rào”, đổi mới, cả lãnh đạo DNNN trong lĩnh vực “nhạy cảm” và nguyên lãnh đạo cơ quan kiểm tra Đảng cùng lưu ý phải chống lợi dụng chính sách, bao biện cho sai phạm!

Ban Tổ chức Trung ương mới đây đã hoàn thành dự thảo quy định bảo vệ cán bộ, Đảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm trình Bộ Chính trị xem xét. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng không ít lần nêu yêu cầu sớm ban hành quy định này. PV Dân trí đã tìm hiểu, tiếp cận vấn đề từ nhiều hướng khác nhau…

Không có chỗ cho người không hành động!

Nắm trong tay nguồn lực là các doanh nghiệp nhà nước với số vốn ngân sách rất lớn, lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được xác định là đặc biệt “nhạy cảm”. Trong 5 năm điều hành SCIC, ông Nguyễn Đức Chi - nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC (tháng 9/2020, ông Chi vừa được điều động, bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước) luôn trăn trở làm sao để “làm đúng mà vẫn đạt kết quả” và làm sao để anh em cấp dưới yên tâm làm việc.

“Yêu cầu đặt ra với cán bộ, như trước nay ta hay nói, “năng động, hiệu quả và làm đúng quy định của pháp luật” thực ra rất… lý thuyết. Tại SCIC, tôi đơn giản yêu cầu, đảm bảo phòng ngừa rủi ro nhưng vẫn phải làm được việc, làm đạt kết quả. Tôi cũng luôn nói với anh em trong Tổng Công ty là không bao giờ để cán bộ, người lao động ở đây phải đối mặt với rủi ro pháp lý chỉ vì lợi ích cho cá nhân, cho nhóm nào đó” - ông Chi bày tỏ.

Theo đó, nguyên tắc làm việc được thống nhất trong tập thể SCIC là đoàn kết, cùng suy nghĩ, thảo luận để đi đến quyết định. Một việc, chỉ khi “bàn nát nước” rồi, thấy không có cách nào để làm đúng quy định mà đạt được kết quả thì chấp nhận sự thật rằng việc đó “không đạt kết quả” và cương quyết chọn vế “làm đúng quy định”.

Vì công việc “có độ rủi ro cao mà phải đương đầu bằng trách nhiệm cá nhân”, người lãnh đạo doanh nghiệp phải động viên cấp dưới bằng chính sự nêu gương của mình. Ông Chi quả quyết, bản thân Chủ tịch phải dám quyết, dám làm, thấy đúng dám theo đuổi đến cùng mới thuyết phục được cán bộ cùng hành động. Tinh thần chung vẫn là không có chỗ cho những người không làm gì chỉ để đảm bảo… không sai.

Cơ chế lãnh đạo cùng chịu trách nhiệm, theo nguyên Chủ tịch SCIC, chính là một cách bảo vệ hiệu quả, giúp cán bộ tâm lý thoải mái làm việc. Theo đó, một việc khi đã bàn bạc trong tập thể thì quá trình thực hiện, trường hợp cán bộ không may có sai sót, thủ trưởng phải dám đứng ra nhận trách nhiệm của người đứng đầu.

“Đảng bộ SCIC được thanh kiểm tra, những gì thiếu sót, tôi nhận hết. Trước cơ quan chức năng, trước cấp trên, tôi luôn khẳng định: “Cán bộ của tôi, nếu tôi không đồng ý thì không ai dám làm nên kết luận ai làm sai thì sai đó là do có sự đồng ý của tôi” - ông Chi nhấn mạnh.

Cán bộ “sạch” khi gặp rủi ro, đánh giá trách nhiệm cũng… nhẹ nhàng?

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nhận định, xây dựng quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là việc hợp với quy luật, là vấn đề thời sự, cấp thiết. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, của Bộ Chính trị mà thực tế dư luận, xã hội mong quy định sớm thành hiện thực, nếu có thể thì đưa vào báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng.

“Quy định bảo vệ cán bộ, Đảng viên dám nghĩ, dám làm rất cần có trong bối cảnh hiện nay, khi thực tế, những cán bộ đổi mới, sáng tạo còn rất hạn chế vì họ sợ đổi mới, đột phá thì không an toàn cho cái ghế của mình. Tinh thần chung như thế thì nguy hiểm quá” - ông Vũ Quốc Hùng thốt lên.

Cụ thể, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân tích, hiện tượng nhiều địa phương sức ì lớn, cán bộ “né làm”, “né quyết” vì sợ trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cảnh báo là “virus trì trệ” đang lây lan. Hiện tượng đó, một phần là do chưa có những quy định để bảo vệ cán bộ có đề xuất mạnh mẽ, vượt qua khuôn khổ quy định. Sau nữa, nguyên nhân cơ bản là chính bản thân các cán bộ, Đảng viên chưa đủ tâm huyết, chưa đủ bản lĩnh, dũng cảm.

Quy định bảo vệ để cán bộ, Đảng viên, theo ông Vũ Quốc Hùng, phải rõ tiêu chí để tránh việc lợi dụng chính sách, bao biện cho sai phạm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu dẫn chứng phân tích, Đà Nẵng 10 năm trước vụt “đứng dậy”, thay da đổi thịt, thành một “thành phố đáng sống” từ việc áp dụng phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh. Trước Đà Nẵng, phương thức huy động đầu tư này được thực hiện đầu tiên ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng nhiều cán bộ địa phương khi đó đã bị kỷ luật về việc làm này. Sau, việc đổi đất lấy công trình được thừa nhận như một sáng kiến. Trung ương cũng nhận định, đây là chủ trương đúng, mang lại hiệu quả, có hướng dẫn thực hiện. Nhưng gần đây nhất, một loạt lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng một thời bị truy tố, xét xử chính vì quá trình thực hiện việc “đổi đất” này. Vừa qua, Quốc hội khi thông qua luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã bỏ loại hình dự án thực hiện theo hợp đồng “đổi đất” vì lý do có quá nhiều nguy cơ tiêu cực.

“Chuyện “bán” đất công, “bán” công sở đó, đến giờ tôi nhận thấy đây là một thiếu sót của bản thân tôi lúc ấy. Giai đoạn đó, nghe phản ánh về những việc “bán” công sở, Ủy ban Kiểm tra chúng tôi đều có ý kiến nhưng mới chỉ dừng ở mức chỉnh từng vụ việc. Đáng ra phải đề xuất xem xét lại cả chủ trương này. Đáng ra, lúc đó tôi phải báo cáo ngay với lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra là việc “đổi đất lấy hạ tầng” tiềm ẩn nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước. Đáng ra chúng ta phải chủ động từ đầu để những chuyện như bây giờ không xảy ra. Thậm chí đến giờ cũng không loại trừ việc phải xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Bá Thanh về cách làm được coi là đột phá khi đó” - ông Vũ Quốc Hùng day dứt.

Vấn đề thời sự những ngày qua, chuyện chủ trương xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất tại bệnh viện công, chủ trương tự chủ đại học với những “lùm xùm” xảy ra ở đại học Tôn Đức Thắng cũng khiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tâm tư.

Vụ việc “thổi giá” thiết bị y tế liên doanh, liên kết ở bệnh viện Bạch Mai, ông Hùng băn khoăn, vị Giám đốc bệnh viện đang bị khởi tố, điều tra – ông Nguyễn Quốc Anh, vốn là một bác sĩ trở về từ chiến trường, đầy lý tưởng, hào sảng, một anh hùng của thời kỳ đổi mới. Sáng kiến huy động nguồn lực tư để đầu tư cho bệnh viện, liên doanh, liên kết để có máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực khám chữa bệnh là đúng nhưng “chết” ở chuyện đẩy giá thiết bị lên, lấy tiền trên đầu bệnh nhân.

“Tôi có gặp người tiền nhiệm của anh Quốc Anh để tìm hiểu sự việc thì vị này nói đã từng khuyên anh Quốc Anh giữ gìn, không nên làm như thế. Vậy mà…” – ông Hùng thở dài.

Từ đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trở lại vấn đề, phải phân biệt, không nhầm lẫn giữa hoạt động đổi mới, sáng tạo với sự lợi dụng đổi mới sáng tạo để vụ lợi.

Làm sao để cán bộ không phải sáng tạo… “chui”?

Về hướng xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ, nguyên Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi phân tích, việc đánh giá cán bộ khi có “sự cố”, trước hết là xem xét động cơ hành động, phải thật sự trong sáng, tôn trọng lợi ích của nhà nước. Ông Chi kể: “Trong 5 năm điều hành Tổng Công ty, nhiều thời điểm gặp việc khó, tôi nhận định có khả năng rủi ro nhưng khi vẫn quyết định làm thì tôi thường xuyên nhắc nhở anh em về nguyên tắc phải tuyệt đối trong sáng để nếu rủi ro xảy ra, cán bộ “sạch” thì việc xem xét, đánh giá, kỷ luật… cũng sẽ ở mức độ. Tức là, để được xem xét, bảo vệ, yếu tố tiên quyết phải thấy được là động cơ làm việc không có gì xấu, không tính toán, vụ lợi”.

Trong nội bộ SCIC là vậy, còn với cơ quan quản lý cấp trên, ông Nguyễn Đức Chi giữ nguyên tắc: “Các thủ trưởng luôn nói với tôi yêu cầu “làm theo quy định pháp luật”. Tôi chưa bao giờ “vượt luật”, “vượt rào”, chưa từng làm sai để cấp trên phải đứng ra “đỡ đạn”. Những việc vướng mắc thì tôi đều kiến nghị bằng văn bản và được chấp thuận bằng văn bản của cấp có thẩm quyền, tôi mới làm”.

Tuy nhiên, ông Chi cũng bộc bạch, ông đã nhiều lần báo cáo là hoạt động của SCIC hiện vẫn ở dưới “hơi xa” so với tiềm năng. Thực tế, có những thời điểm, việc tuân thủ các quy định, quy trình làm lỡ mất cơ hội nhưng ông vẫn “buộc phải lựa chọn làm đúng, cơ hội mất thì đành chấp nhận”.

“Thực sự tôi chưa nhìn thấy quy định nào về vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Tôi chỉ biết quy định là cán bộ thì phải làm theo quy định của pháp luật và nếu coi đây là công cụ bảo vệ cán bộ thì “câu thần chú” ấy, lúc nào cũng có” - ông Nguyễn Đức Chi nói.

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng cũng nhận định, tiêu chí đánh giá cán bộ đổi mới, sáng tạo thì trước hết phải từ động cơ trong sáng, sự đổi mới, sáng tạo phải vì mục tiêu làm cho đất nước phát triển, cho người dân được sung sướng. Nếu không có động cơ vụ lợi, về sau, khi xem xét trách nhiệm với vụ việc, sự đánh giá sẽ khác hẳn. Việc đổi mới có thể không thành công nhưng nếu khẳng định động cơ hoàn toàn trong sáng, cán bộ làm việc đó “cùng lắm chắc chỉ phải rút kinh nghiệm”.

Sau nữa, cán bộ có chủ trương, ý tưởng đổi mới thì cần đề nghị về kế hoạch với lãnh đạo, phải trình bày với tập thể, không giấu giếm.

Ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm: “Tôi nhấn mạnh, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là phải “đi đêm”. Ngày xưa, Bí thư Kim Ngọc muốn khoán ruộng đã phải làm “chui”, làm lén. Nhưng giờ, quy định bảo vệ là sao để cán bộ có ý tưởng mới không phải “đi đêm” nữa. Những rủi ro trong quá trình điều hành, hoạt động, đổi mới… là có nên cấp trên phải hỗ trợ, chuẩn y chủ trương cho họ, cùng làm và cùng chịu trách nhiệm với họ. Có người đồng hành như vậy thì cán bộ mừng quá”.

Phương Thảo – Quang Phong

Nguồn tin: dantri.com.vn


Kinh doanh   chính sách   doanh nghiệp   hành vi   kiến nghị   sáng tạo   Đà Nẵng   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...