29/10/2020 2:10  
Định hướng lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng khóa mới là phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được tín nhiệm. Nội dung này gắn với chủ trương xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ, Đảng viên "xé rào"…

Bộ Chính trị đang giao Ban Tổ chức Trương ương xây dựng quy định “khuyến khích và bảo vệ cán bộ, Đảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Yêu cầu này xuất phát từ Nghị quyết 26, Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khoá XII về việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược với tinh thần schặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy cán bộ, Đảng viên đổi mới, sáng tạo.

Gần đây nhất, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (cuối tháng 7/2002), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu sớm xây dựng, ban hành quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tố chất, năng lực đổi mới, sáng tạo.

Tâm tư của “người trong cuộc” “dính” sai phạm, lao lý

Để xây dựng quy định, hơn nửa năm, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát thực tế tại 9 địa phương như Hà Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam… Đây là những địa phương từng có cán bộ có ý tưởng đột phá và những quyết định khi đó cũng gây không ít tranh cãi. Rất nhiều mô hình “vượt rào” thành công đã được nghiên cứu, như mô hình khoán sản ở Hải Phòng, giá lương tiền ở Long An của Bí thư Chín Cần, mua bán gạo một giá của công ty lương thực TPHCM của bà Ba Thi, gần đây là mô hình “đổi đất lấy hạ tầng” ở Đà Nẵng, mô hình hợp tác, huy động nguồn lực tư nhân ở Quảng Ninh, mô hình tích tụ ruộng đất ở Hà Nam…

Ban Tổ chức Trung ương tập trung nghiên cứu về hành trình dấn thân, về những tấm gương đổi mới sáng tạo, những rủi ro cán bộ phải đối mặt khi thực hiện những việc này.

Qua tổng kết, đánh giá những mô hình, tấm gương này, cơ quan xây dựng đề án xác định, cần thay đổi nhận thức khi thực tế hiện nay, nhiều cán bộ hiện có tâm lý sợ sai, sợ khuyết điểm nên không dám làm. Mà không có đổi mới, đột phá, không thể tạo ra sự phát triển “bứt tốc” cho đất nước.

Tại 9 địa phương được khảo sát, cán bộ, Đảng viên đều thể hiện mong muốn, kỳ vọng sớm có quy định bảo vệ cán bộ. Lý do, việc đổi mới, sáng tạo luôn khó mà sự đóng góp cho phát triển tại địa phương từ những sáng kiến, quyết định phải đối mặt với không ít rủi ro như thế lại chưa thực sự được ghi nhận xứng đáng.

Nhiều cán bộ từng “xé rào” trước đây, thậm chí đến nay vẫn tâm tư. Thực tế, nhiều “người trong cuộc” nay đã bị xem xét trách nhiệm, kết luận sai phạm, kết án phạt tù, tiêu biểu như các lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng thực hiện chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” trước đây.

Thông qua việc khảo sát, Ban Tổ chứng Trung ương cũng hướng tới mục đích tìm hiểu thực tiễn việc triển khai các chủ trương “xé rào” thì vướng phải vấn đề gì, lãnh đạo địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh như thế nào. Từ đó để thấy cần có cơ chế gì để tiếp tục khuyến khích được tinh thần đổi mới, khích lệ sự đột phá, để hỗ trợ cán bộ mạnh dạn hơn, giải toả tâm lý, giải phóng năng lực, khả năng sáng tạo.

Điều các cán bộ, Đảng viên quyết đoán, dám làm cần là “bệ đỡ”, là sự “bảo lãnh” để yên tâm làm việc, gạt bỏ nỗi lo sợ bị xử lý kỷ luật với nhận định “làm trái quy định”. Theo đó, quy định bảo vệ cán bộ chính là cách mở ra đường hướng để cán bộ không bị chùn bước trước thách thức.

Cán bộ đổi mới – ranh giới đúng/sai mong manh!

Ngoài ra, cơ quan xây dựng dự thảo quy định cũng tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, các ngành, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mổ xẻ sâu sắc các vấn đề, từ lý luận tới định hướng cơ chế. Quan điểm về sự cần thiết xây dựng quy định bảo vệ cán bộ “xé rào” cơ bản thống nhất nhưng các ý kiến cũng lưu ý, thiết kế các nội dung cụ thể cần thận trọng.

Yêu cầu đề ra là “soi” vào quy định có thể phân biệt cán bộ đột phá, “xé rào” thực sự vì mục tiêu, lợi ích chung với những người hoang tưởng, ngộ nhận hay “núp bóng”, nhân danh dám làm, dám đột phá để làm liều, làm ẩu, thực hiện ý đồ trục lợi cá nhân.

Dự thảo quy định được xây dựng nêu rõ nguyên tắc, nghiêm cấm hành vi lợi dụng đổi mới sáng tạo, đổi mới phải vì lợi ích chung, vì mục tiêu trong sáng, đổi mới vì quyền lợi của nhân dân… vì ranh giới giữa việc dám nghĩ dám làm với hành động vô nguyên tắc, liều lĩnh, sai phạm rất mong manh.

Cơ quan xây dựng dự thảo quy định cũng định hướng, cán bộ, Đảng viên có ý tưởng mới, muốn triển khai, nếu xin ý kiến của tập thể cấp ủy, với những vấn đề chưa có quy định pháp luật, khi xem xét xác định cán bộ hàn động không có động cơ xấu, quyết định mang lại hiệu quả cao hơn thiệt hại… thì sẽ được bảo vệ, trong trường hợp có rủi ro, việc không suôn sẻ, thành công.

Vấn đề này được lý giải, mục tiêu được đặt lên cao nhất trong các quy định của Đảng là bảo vệ chế độ. Vì vậy, mọi quyết định, để được hỗ trợ, bảo vệ, cán bộ, Đảng viên phải xin ý kiến trong cấp ủy, nếu không cũng khó giải trình về động cơ, sự minh bạch khi “xét lại” hành động. Điều này cũng thể hiện nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.

Ban Tổ chức Trung ương đề ra dự kiến tiến độ, chậm nhất trong tháng 12/2020 trình Bộ Chính trị ban hành quy định (trước Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

Phương Thảo 

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   TPHCM   chiến lược   chuyên gia   chính sách   hành vi   hợp tác   sáng tạo   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...