14/04/2021 10:41  
Hơn 2 tháng hậu đảo chính, nền kinh tế Myanmar đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, khi Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức khác dự đoán mức tăng trưởng âm đến 2 chữ số trong năm nay, xóa tan loạt thành tựu mà quốc gia Đông Nam Á đã đạt được trong thập kỷ qua.
Kể từ sau cuộc binh biến ngày 1/2, các đường phố ở Myanmar luôn đặc bóng người biểu tình. Theo Bloomberg, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đến nay đã làm ít nhất 614 thiệt mạng, khiến loạt nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy và thúc đẩy phương Tây áp lệnh trừng phạt mới lên Myanmar. Quân đội hạn chế truy cập internet và lệnh cắt điện hàng đêm làm gián đoạn lớn đối với kết nối băng thông rộng không dây và di động mỗi ngày, gây tê liệt các lĩnh vực kinh doanh từ tài chính đến khách sạn. Lệnh hạn chế rút tiền tại ngân hàng cũng khiến các DN không thể trả lương cho nhân viên.

Trong khi đó, một phong trào phản đối chính quyền quân sự đang nổi lên ở Myanmar, có tên là Civil Disobedience Movement, với mục tiêu phá hoại các hoạt động kinh tế nhằm cắt đứt các nguồn lực tài chính cho quân đội. Tham gia phong trào này, lực lượng tài xế xe tải đình công khiến nhiều tuyến vận tải hàng hóa phải hoạt động cầm chừng. Các viên chức, nhân viên ngân hàng và công nhân nhà máy cũng nghỉ việc để thể hiện sự phản đối quân đội. KBZ - ngân hàng tư nhân lớn nhất Myanmar - chỉ có thể mở cửa 14 trong số hơn 500 chi nhánh của mình. Ngân hàng Trung ương Myanmar được cho đã đe dọa phạt tiền các ngân hàng không mở cửa trở lại. Nhưng như Kaung Htet - nhân viên tại Ngân hàng Phương Đông Myanmar - chia sẻ với Wall Street Journal một thực tế: “Không đủ nhân viên và nguồn lực, việc vận hành trở lại là không thể”.

Myanmar vốn là một trong số quốc gia nghèo nhất châu Á, với 6 triệu người sống ở mức dưới 3,2 USD/ngày - ngưỡng nghèo đối với nước có thu nhập trung bình thấp như Myanmar - và 1/4 trẻ em của quốc gia này bị xác định thấp còi hơn tuổi do suy dinh dưỡng. Bức tranh kinh tế của Myanmar đã có nhiều thay đổi tích cực trong thập kỷ qua, khi chính phủ dân sự lên nắm quyền và thu hút dòng chảy đầu tư quốc tế tăng lên. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nghèo đói của Myanmar đã giảm từ 42,2% năm 2010 xuống 24,8% năm 2017. Tuy nhiên, WB mới đây cảnh báo một sự đảo chiều hậu đảo chính, khi số người sống dưới ngưỡng 3,2 USD/ngày có thể sẽ tăng 30% trong năm 2021, đồng nghĩa với việc Myanmar sẽ có thêm khoảng 1,8 triệu người nghèo chỉ trong 1 năm. Thay vì mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, nền kinh tế Myanmar được cho sẽ giảm 10% trong năm nay, đánh dấu mức giảm tệ nhất ở châu Á giữa bối cảnh các quốc gia phục hồi sau cú sốc đại dịch Covid-19.

“Cú giảm 10% đối với một nước nghèo thực sự là thảm họa… Đó là chưa kể những tổn thất khác, bao gồm ảnh hưởng đối với tăng trưởng dài hạn. Kịch bản với Myanmar đang rất u ám” - chuyên gia kinh tế cấp cao của WB khu vực châu Á Aaditya Mattoo nhận định với báo giới. Một số tổ chức dự báo khác còn đưa ra nhận định bi quan hơn, chẳng hạn như Fitch Solutions cho rằng nền kinh tế Myanmar có thể giảm 20% trong năm tài khóa 2020 - 2021, với “tất cả các khu vực của nền kinh tế sẽ suy sụp”.

Câu hỏi lúc này là liệu tình hình ở Myanmar có thể tệ tới mức nào? Chính quyền quân sự đã cam kết sẽ đưa đất nước “vượt qua cơn bão”, khi tuyên bố rằng tác động đối với nguồn đầu tư nước ngoài dự kiến là “không đáng kể”. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo hàng đầu trong giới kinh doanh nước này tin rằng vấn đề hiện nay không phải là tạm thời. “Không ai có thể đoán trước sẽ mất bao lâu thì mọi chuyện trở lại bình thường”, Maung Maung Lay - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Myanmar nói với WSJ, “tương lai nền kinh tế của chúng tôi giờ đây vô cùng bấp bênh”.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Ngân hàng   chuyên gia   chuyên gia kinh tế  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...