12/04/2021 16:21  
Thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4 trong sự hân hoan của những người đang nắm cổ phiếu.

Kết phiên, VN-Index tăng 20,79 điểm (1,69%) lên 1.252,45 điểm, HNX-Index tăng 0,59% lên 295,53 điểm, UPCoM-Index tăng 1,31% lên 84,1 điểm.

Thanh khoản phiên hôm nay ở mức cao so với các phiên trước đó. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 1,162 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 25.986 tỷ đồng. Trong đó riêng trên sàn HOsE bất chấp nghẽn lệnh thanh khoản vẫn tăng vọt lên hơn 21,5 nghìn tỷ đồng. Đây là giá trị khớp lệnh khủng nhất của sàn HOSE từ trước đến nay.

Về độ rộng của thị trường, sàn HOSE phiên hôm nay có 301 mã tăng giá, áp đảo so với 134 mã giảm giá và 48 mã đứng giá tham chiếu. Rổ VN30 có 20 mã tăng giá, 6 mã giảm giá và 4 mã đứng giá tham chiếu.

Giao dịch tích cực xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành. Hai mã "họ Vingroup" là VIC và VHM tác động tích cực nhất đến đà tăng của thị trường. Cùng với nhóm bất động sản, cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực, hỗ trợ đà tăng của chỉ số (VCB, VPB, CTG, VIB, TCB, BID). Chiều ngược lại, GAS, BCM, HVN kìm hãm đà tăng của VN-Index.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay cũng bứt phá mạnh mẽ. KLB hôm nay tăng trần gần 15% lên 26.600 đồng/cổ phiếu; VBB, NAB, MSB cũng tăng mạnh mẽ. 

Lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang ở mức rất cao. Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý II của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo mức cao nhất trong năm 2021 của VN-Index có thể tăng khoảng 20-30% so với cuối năm 2020, tương ứng mức đỉnh của thị trường trong khoảng 1.325 điểm đến 1.435 điểm.

Điều đáng nói, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ chính của thị trường, cân bằng lại lực bán của khối ngoại và đẩy thị trường lên mặt bằng giá mới. Chỉ riêng trong tháng 3, hơn 113.000 tài khoản mới tham gia thị trường chứng khoán, con số cao kỷ lục và nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong và ngoài nước lên trên 3 triệu.

Dự báo của nhóm phân tích dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực và kỳ vọng lãi suất tiếp tục giữ ở mức thấp. VN-Index có thể vận động quanh một "nền" giá cao hơn, nhưng cũng có biên độ dao động (chênh lệch giữa mức cao nhất và mức thấp nhất trong năm) lớn, khoảng 200-300 điểm.

Khối lượng giao dịch trung bình trong năm nay có thể tiếp tục cải thiện so với năm 2020, đạt bình quân khoảng 700-750 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương đương giá trị giao dịch bình quân 18.000–20.000 tỷ đồng.

Hiện, các nhà đầu tư F0 trong nước vẫn là tâm điểm của thị trường, là động lực chính giúp TTCK tăng điểm trong thời gian qua và có thể còn tăng mạnh trong thời gian tới. Ước tính có tới 90% số lượng tài khoản là tài khoản cá nhân, trong đó có tới 50% là nhà đầu tư mới. Sự cuồng nhiệt của nhóm F0 là sức mạnh lớn đẩy thị trường đi lên

Nhưng như 1 quy luật, sau thời kỳ tăng nóng sẽ có thể là 1 giai đoạn không dễ dàng đối với các nhà đầu tư F0.

Kinh tễ vĩ mô đang bước sang 1 giai đoạn mới, một khi chính sách tiền tệ thay đổi, dòng tiền vào thị trường bị siết, một số kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn… thì dòng tiền sẽ bị hút ra. Tâm lý không ổn định, dễ thay đổi của các nhà đầu tư F0 cùng với khả năng bị call margin khi giá cổ phiếu giảm… có thể dẫn tới tình trạng bán tháo. Đây là điều đã xảy ra trong quá khứ.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


HOSE   Ngân hàng   Việt Nam   chính sách  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...