27/10/2020 8:30  
Dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, trong đó ngành ngân hàng cũng chịu tác động tiêu cực khi hoạt động kinh doanh của các khách hàng vay vốn bị thiệt hại nặng nề, nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn công bố lãi lớn và duy trì sự tăng trưởng khiến không ít người ngạc nhiên.

Lợi nhuận vẫn tăng mạnh

VPBank mới đây công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 9.400 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 92% kế hoạch cả năm. Trong đó, tổng doanh thu (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt 28.300 tỷ, tăng 7,6% so cùng kỳ, riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7%. Tính riêng trong quý III, TOI của ngân hàng riêng lẻ đã đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 8% so với quý II.

Báo cáo tài chính (BCTC) quý III của TPBank cho thấy tổng thu nhập hoạt động đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí hoạt động tăng thấp hơn chỉ ở mức 19,64%, giúp ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế là 3.024 tỷ đồng, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 74,3% kế hoạch cả năm.

Ngân hàng sắp lên sàn là MSB cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 với lợi nhuận trước thuế trên 1.666 tỷ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ, đạt gần 116% kế hoạch năm, trong đó thu nhập lãi thuần đạt trên 3.287 tỷ, tăng vọt 61% so cùng kỳ. MSB trong năm nay cũng đã thực hiện tất toán nợ xấu bán VAMC trước khi chính thức lên sàn.

VIB cũng công bố quý III đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý II và tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%, lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ. Giá cổ phiếu VIB trong hai tháng qua đã tăng hơn gấp đôi trước kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ và sự kiện sắp chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE.

Tương tự, tính đến hết ngày 30/9/2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đạt 924 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 8.348 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 93.076 tỷ đồng. 

Ngoài việc vẫn giữ ổn định và an toàn, ABBank cũng cung cấp nhiều gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, dư nợ tín dụng đạt 59.139 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 4% với đầu năm. Huy động từ khách hàng đến cuối quý III đạt 73.493 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu của ABBank được kiểm soát ở mức 2,26% tổng dư nợ, tăng 0,54% so với cuối năm 2019. Các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của ABBank vẫn được giữ ổn định với RoE đạt 15,2%; RoA đạt 1,3%. 

Tính đến hết ngày 30/9/2020, tổng tài sản LienVietPostBank cũng đạt trên 214.000 tỷ đồng, trong đó huy động thị trường 1 (huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế) đạt 175.000 tỷ đồng và cho vay thị trường 1 đạt 160.000 tỷ đồng, đặc biệt lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch cả năm 2020 khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng. Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.769.483.190.000 đồng lên 10.746.431.500.000 đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019, sẽ giúp LienVietPostBank nâng cấp hệ thống mạng lưới, tăng lợi thế cạnh tranh về bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển ngân hàng số theo xu hướng 4.0. Từ cơ sở này, LienVietPostBank tin tưởng lợi nhuận năm 2020 của ngân hàng sẽ vượt kết quả năm 2019 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động. Trước đó, cổ phiếu mã LPB của LienVietPostBank đã chính thức được chấp thuận niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Như vậy, LienVietPostBank đã trở thành ngân hàng đầu tiên có cổ phiếu được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE năm nay.

Quyền Tổng giám đốc Eximbank - ông Nguyễn Cảnh Vinh cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh lõi của ngân hàng này đến cuối tháng 9/2020 đạt 1.200 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm là 1.435 tỷ đồng. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cũng chia sẻ, tính đến hết tháng 9/2020, ngân hàng này đã hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2020.

Để đạt kế hoạch đề ra đến cuối năm, ông Lê Hải - Tổng giám đốc ABBank cũng cho biết: "ABBank đẩy mạnh nhiều giải pháp kích cầu, phát triển các sản phẩm chủ lực hướng đến nhóm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hàng loạt chương trình hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi, đồng hành cùng doanh nghiệp". Hiện tại, khách hàng cá nhân tại ABBank được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm trong chương trình "Vay ưu đãi - Lãi an tâm" và từ 7%/năm trong chương trình "Vay kinh doanh - Phát tài nhanh" dành cho các hộ kinh doanh cá thể. 

Động lực tăng trưởng

Dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, trong đó ngành ngân hàng cũng chịu tác động tiêu cực khi hoạt động kinh doanh của các khách hàng vay vốn bị thiệt hại nặng nề, nhưng với lợi nhuận của các ngân hàng vẫn công bố lãi lớn và duy trì sự tăng trưởng khiến không ít người ngạc nhiên. 

Đầu tiên, có thể thấy rằng thu nhập từ hoạt động tín dụng của các nhà băng vẫn duy trì sự tăng trưởng tích cực, bất chấp nguy cơ nợ xấu gia tăng được cảnh báo nhiều trong thời gian qua. Nhưng cần biết rằng, với Thông tư 01 được ban hành đã cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho những khách hàng xác định có ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên những ảnh hưởng tiêu cực vẫn chưa phản ánh hết vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng hiện nay.

Theo đó, các ngân hàng trước mắt không chỉ tránh phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quá lớn, mà còn không phải thoái thu lãi của các khoản lãi dự thu đã phát sinh cũng như sẽ tiếp tục phát sinh từ các khoản vay này nhưng vẫn chưa thu được. Do đó, thu nhập lãi thuần vẫn đảm bảo giữ được sự tăng trưởng cũng là điều dễ hiểu.

Thứ hai, dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành 9 tháng qua ở mức khá thấp, nhưng phần lớn bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng của nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, khi các ngân hàng này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ toàn ngành. Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá tốt, như tín dụng hợp nhất tại VPBank tăng 16,5%, %, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,3%; MSB tăng gần 27% so với cùng kỳ và gần 15,5% so với cuối 2019, tỷ lệ an toàn vốn CAR tính theo Thông tư 41 đạt 10,61%, tỷ lệ nợ xấu NPL ghi nhận 2,34% (tính theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN), số dư trái phiếu đặc biệt VAMC tại ngân hàng đã bằng 0 tại thời điểm ngày 30/9/2020.

MSB cũng đã đăng ký niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ là 11.750 tỷ đồng nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, gia tăng giá trị vốn hóa thị trường và hiện thực hóa cam kết với cổ đông. 

Thứ ba là nhờ vào mặt bằng lãi suất tiền gửi thời gian qua giảm mạnh, nhưng tăng trưởng huy động vốn vẫn tích cực, giúp hầu hết ngân hàng tiết giảm chi phí vốn đầu vào đáng kể so với giai đoạn trước. Như VPBank đã chủ động cấu trúc bảng cân đối, giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ở mức từ 1-2%, giúp cải thiện đáng kể chi phí vốn. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm chậm hơn nên giúp các nhà băng có khả năng đã mở rộng biên độ lãi suất lên cao hơn.

Cuối cùng là dịch bệnh vừa qua đã ảnh hưởng đáng kể lên hành vi giao dịch của khách hàng, thúc đẩy các hoạt động giao dịch trực tuyến, tạo cơ hội cho các nhà băng có thế mạnh ở nền tảng số tiếp tục gia tăng nguồn thu phí dịch vụ. Cụ thể, thu nhập từ phí của VPBank tăng trưởng gần 36%, đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tỷ trọng trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ. 

Thu từ hoạt động dịch vụ của TPBank cũng đạt hơn 809 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng thu nhập hoạt động và 26,8% tổng lợi nhuận trước thuế. Đóng góp lớn nhất vào nguồn thu dịch vụ của TPBank tới từ hoạt động thanh toán, thu phí dịch vụ và kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Hoạt động dịch vụ của MBBank cũng là điểm sáng trong quý III khi mang về mức lãi 796 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ, còn tại MSB là 497 tỷ, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   HOSE   Lãnh đạo   MC   NHNN   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...