11/10/2020 12:21  
Nấm sò, tên khoa học Pleurotus ostreatus, là một loại nấm ăn được, có hình dáng và màu sắc giống vỏ sò. Nấm sò đã được sử dụng từ hàng ngàn năm trong ẩm thực và y học.

Trong Đông y, nấm sò được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh. Nấm sò rất dễ chế biến và là một phần không thể thiếu trong nhiều món ăn châu Á. Chúng có hương vị nhẹ nhàng và mùi thơm của cam thảo.

Giá trị dinh dưỡng của nấm sò

100 g nấm sò chứa 89,18 g nước, 33 kcal năng lượng và cũng chứa:

• 3,31 g protein

• 0,41 g chất béo

• 6,09 g carbohydrate

• 2,3 g chất xơ

• 1,11 g đường

• 3 mg canxi

• 1,33 mg sắt

• 18 mg magiê

• 120 mg phốt pho

• 420 mg kali

• 18 mg natri

• 0,77 mg kẽm

• 0,244 mg đồng

• 0,113 mg mangan

• 2,6 µg selen

• 0,125 mg thiamine

• 0,349 mg riboflavin

• 4,956 mg niacin

• 1,294 mg axit pantothenic

• 0,11 mg vitamin B6

• 38 µg folate

• 48,7 mg choline

• 48 IU vitamin A

• 29 IU vitamin D

Các loại nấm sò

• Nấm sò trắng-Là loại nấm sò phổ biến nhất được sử dụng để nấu ăn trên khắp thế giới.

• Nấm sò xanh - Loại nấm này có màu xanh da trời sẫm và sẽ nhạt dần khi trưởng thành.

• Nấm sò vàng - Có màu vàng tươi, mùi thơm và phức tạp hơn.

• Nấm sò hồng - Có màu hồng tươi, khi nấu chín sẽ nhạt màu tự nhiên. Chúng có vị hăng cay.

• Nấm sò vua - Còn được gọi là nấm kèn vua và là loại nấm lớn nhất trong các loại nấm sò.

Lợi ích sức khỏe của nấm sò

Có thể kiểm soát ung thư

Nấm sò có những đặc tính chống khối u đã được chứng minh là ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Một nghiên cứu được công bố trên International Journal of Oncology cho thấy nấm sò có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư vú và ung thư đại tràng. Một nghiên cứu khác năm 2011 cho thấy chiết xuất nấm sò có tác dụng điều trị chống lại khối u đại trực tràng và tế bào ung thư máu.

Giảm cholesterol

Nấm sò đã được chứng minh là làm giảm cholesterol một cách tự nhiên trong cả nghiên cứu trên động vật và trên người. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy nấm sò làm giảm 37% mức cholesterol và giảm 45% triglycerid. Một nghiên cứu khác năm 2007 cho thấy bệnh nhân đái tháo đường ăn nấm sò giảm đáng kể mức cholesterol.

Ngoài ra, nấm sò là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Tăng cường miễn dịch

Nấm sò có những chất chống oxy hóa như selen, giúp bảo vệ tế bào khỏi những hư hại có thể dẫn đến bệnh mãn tính, nhờ đó giúp tăng cường miễn dịch. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy nấm sò có chứa các hợp chất hoạt động như chất điều hòa miễn dịch, giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Tăng cường chức năng não

Nấm sò rất giàu niacin (vitamin B3), một chất dinh dưỡng quan trọng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức do tuổi già.

Giảm viêm

Viêm là phản ứng miễn dịch bình thường để bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Mặt khác, tình trạng viêm mãn tính có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và đái tháo đường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm sò có đặc tính chống viêm mạnh có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm.

Giảm đường huyết

Ăn nấm sò đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nấm sò rất giàu β-glucans, một loại chất xơ hòa tan có thể giúp cải thiện mức đường huyết, giúp giảm nguy cơ đái tháo đường.

Hạ huyết áp

Hoạt tính chống tăng huyết áp của nấm sò đã được chứng minh là làm giảm huyết áp cao. Sự hiện diện của β-glucans trong nấm sò có tác dụng đối với mức huyết áp.

Chống lại các gốc tự do

Các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương tế bào. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng nấm sò chứa chất chống oxy hóa tăng cường sức khỏe có thể giúp chống lại các gốc tự do và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Tác dụng phụ của nấm sò:

Những người bị dị ứng với nấm và các loại nấm mốc nên tránh ăn nấm sò. Ngoài ra, nấm sò chứa một lượng nhỏ arabitol, một loại đường cồn có thể gây rối loạn tiêu hóa ở một số người. Một báo cáo trên Tạp chí European Respiratory Journal đã mô tả trường hợp một công nhân trồng nấm tiếp xúc với nấm sò bị đau khớp, sốt, ớn lạnh và phát ban trên da.

Nấm sò thường được bán ở dạng tươi, khô và đóng hộp, có thể được cho thêm vào các món ăn yêu thích của bạn.

Cẩm Tú

Theo Boldsky

Nguồn tin: dantri.com.vn


bệnh tim mạch   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...