13/01/2021 15:10  
Cổ phiếu SHB sáng nay tăng giá lên 19.400 đồng và được khớp lệnh khối lượng cực khủng tới 51,1 triệu đơn vị. Giá SHB đã tăng hơn 220% so với hồi đầu năm ngoái.

Mặc dù nhịp độ giao dịch trên thị trường có dấu hiệu chậm lại trong phiên sáng nay và xảy ra những đợt rung lắc do hoạt động chốt lời, song tại thời điểm tạm đóng cửa, các chỉ số đều đạt được trạng thái tăng.

VN-Index tăng 3,62 điểm tương ứng 0,3% lên 1195,9 điểm và vẫn đang cố gắng chinh phục đỉnh lịch sử 1.200 điểm. HNX-Index tăng 2 điểm tương ứng 0,9% lên 223,97 điểm và UPCoM-Index tăng 0,16 điểm tương ứng 0,2% lên 78,05 điểm.

Thống kê cho thấy sắc xanh vẫn đóng vai trò chủ đạo trong bức tranh thị trường chung với tổng cộng 474 mã tăng giá, 61 mã tăng trần so với 343 mã giảm, 13 mã giảm sàn.

Thanh khoản thị trường vẫn đạt cao. Có tới 11.601,2 tỷ đồng được giải ngân trên sàn HSX, khối lượng giao dịch đạt 533,53 triệu đơn vị. HNX có 126,85 triệu cổ phiếu tương ứng 2.028,98 tỷ đồng và UPCoM có 30,77 triệu cổ phiếu tương ứng 488,39 tỷ đồng.

Theo phản ánh của một số nhà đầu tư thì ngay từ sáng nay, các giao dịch đã gặp trở ngại do sự tắc nghẽn trong khâu khớp lệnh. Hơn nữa, việc cập nhật giá của nhà đầu tư qua bảng giá của một số công ty chứng khoán có độ "vênh" nhất định, gây khó khăn cho hoạt động mua vào bán ra.

Trong sáng nay, cổ phiếu ngân hàng "hút" dòng tiền trở lại và nhanh chóng bứt tốc. VPB tăng lên 36.000 đồng; TCB tăng lên 35.750 đồng, CTG tăng lên 39.000 đồng; EIB tăng trần lên 21.600 đồng; VIB cũng tăng lên 35.050 đồng.

SHB sáng nay tăng giá lên 19.400 đồng và được khớp lệnh khối lượng cực khủng tới 51,1 triệu đơn vị. Thanh khoản SHB đang dẫn đầu thị trường và mã này cũng là mã đóng góp đáng kể nhất cho HNX-Index, mang lại cho chỉ số này tới 1,41 điểm.

Nhà đầu tư đang trông đợi thông tin từ hoạt động chuyển sàn của SHB. Theo đó, ngân hàng này sẽ niêm yết hơn 1,75 tỷ cổ phiếu lên HSX với vốn điều lệ hơn 17.558 tỷ đồng. Việc chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HSX được thực hiện theo chủ trương đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2020 của SHB.

Theo đó, mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập sàn HNX và HSX. Việc sáp nhập sẽ được thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2023, các giao dịch của thị trường cổ phiếu do HSX quản lý, các giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh do HNX quản lý.

Do đó, ban lãnh đạo SHB muốn chuyển niêm yết sang HSX nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc thị trường hứng khoán Việt Nam và đẩy mạnh hình ảnh SHB đến các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nâng cao vị thế ngân hàng trên thị trường chứng khoán.

SHB là một trong những cổ phiếu có mức tăng "chóng mặt" trên thị trường năm vừa qua. Tính ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu SHB đã tăng tới hơn 220% so với mức đáy hồi tháng 1/2020.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay, nhóm cổ đông liên quan tới ông bầu Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) vẫn nắm nhiều cổ phần nhất tại SHB. Trong đó, Tập đoàn T&T nắm 9,97%; con trai ông Hiển là Đỗ Vinh Quang năm 2,98% và cá nhân ông Hiển năm 2,74%. Đây cũng chính là những cổ đông hưởng lợi lớn nhất từ diễn biến tăng giá của SHB.

Đáng chú ý trong sáng nay, cổ phiếu penny, đặc biệt là nhóm cổ phiếu liên quan tới "hệ sinh thái" FLC vẫn duy trì được sức nóng. Ngoại trừ HAI và AMD bị chốt lời, lần lượt giảm 0,9% và 2,4% thì các mã khác vẫn duy trì tăng. ROS tăng trần lên 3.070 đồng và khớp lệnh tới hơn 15 triệu cổ phiếu, mọi lệnh bán đều được hấp thụ hết trong khi có dư mua giá trần tới gần 10 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, tại nhóm cổ phiếu lớn, GVR gây bất ngờ khi tăng trần lên 31.850 đồng và đóng góp cho mức tăng chung của VN-Index tới gần 2,2 điểm.

VN-Index đang hướng đến vùng đỉnh lịch sử 1.200-1.220 điểm. Mặc dù vậy, BVSC vẫn lưu ý rằng, đây là vùng kháng cự tâm lý mạnh trong khi tình trạng quá mua của thị trường tiếp tục lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Điều này có thể sẽ tạo ra các phiên rung giật mạnh của thị trường tại vùng kháng cự này.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được cho là sẽ tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.

Theo BVSC, cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh quý 4/2020 tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý 4 và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Mai Chi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   FLC   ROS   Tập đoàn   Việt Nam   chinh phục   chiến lược   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...