28/11/2020 11:25  
Quảng NamLãnh đạo Hà Nội, TP HCM và năm tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch.
Mới nhất Cũ nhất
  • 11h00

    8 đề xuất của Đà Nẵng

    Để giúp kết nối, trao đổi, khai thác nguồn khách du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng thay mặt địa phương đề xuất 8 giải pháp hỗ trợ ngành du lịch.

    Thứ nhất, đề xuất Chính Phủ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong các nhu cầu thiết yếu như: giảm giá điện, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm VAT.

    Thứ hai, ưu tiên nguồn lực đầu tư công như sân bay, cảng biển, bến tàu, hàng không... kích thích đầu tư các sản phẩm du lịch mới.

    Thứ ba, thúc đẩy cơ chế chính sách phát triển, khuyến khích các loại hình kinh tế ban đêm, tạo điều kiện phát triển, góp phần khôi phục kinh tế du lịch.

    Thứ tư, quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số (ứng dụng công nghệ) trong dịch vụ du lịch.

    Thứ năm, nhờ chỉ đạo các bộ ngành xem xét cho phép hoạt động một số đường bay thương mại đến Đà Nẵng song vẫn phải đảm bảo phương pháp phòng chống dịch.

    Thứ sáu, chỉ đạo Bộ Công an thành lập văn phòng xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng, cấp hộ chiếu cho công dân ở miền Trung, vì Đà Nẵng có 39 đường bay quốc tế trực tiếp, đón hơn 3 triệu lượt khách nước ngoài.

    Thứ bảy, nâng cấp cửa khẩu Đăc Tà Ốc thành cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy du lịch địa phương, mở cửa đón du khách từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia...

    Cuối cùng là chú trọng công tác kiểm soát phòng chống dịch, đảm bảo điểm đến an toàn. Đề xuất yêu cầu bắt buộc với người nước ngoài, công dân nhập cảnh việt nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 3 ngày trước khi nhập cảnh, kiểm soát các cửa khẩu.

    Bên cạnh đó, các khách sạn làm điểm cách ly có thu phí có thể giảm áp lực cho lực lượng y tế và công an bằng cách thí điểm phương án được thuê dịch vụ bác sĩ, y tế, vệ sĩ tư nhân trực tại khách sạn. Ngành sẽ tập huấn cho hai dịch vụ này đồng thời kết nối camera bên ngoài và camera khách sạn để kiểm soát và theo dõi.

  • 10h25

    Lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh

    Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP HCM và năm tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mục tiêu chung là kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi du lịch hậu Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam so với các nước trên thế giới.

  • 10h15

    Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM đề xuất 5 nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch

    Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển du lịch của cả nước, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thông qua Chiến lược Phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030. Những nhiệm vụ, giải pháp được xác lập trong Chiến lược hướng đến phát triển du lịch bền vững, đưa TP HCM trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.

    Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 cũng xác định liên kết vùng là một trong chín nhóm giải pháp trọng tâm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP HCM và các địa phương trong cả nước. Từ đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các dịch vụ du lịch, mang lại giá trị gia tăng, tăng mức đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch vào GRDP của TP HCM và các địa phương, góp phần nâng tầm, nâng chất và khẳng định thương hiệu của du lịch Việt Nam.

    Lãnh đạo TP HCM cũng đã và đang tập trung chỉ đạo ngành du lịch tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước. Song song với thỏa thuận chính, kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn cũng được các địa phương xây dựng với những nội dung giải pháp cụ thể.

    Trong 9 tháng đầu năm, khách du lịch nội địa của cả nước là 37,5 triệu lượt (giảm 43,2% so cùng kỳ); khách quốc tế đến cả nước xấp xỉ 3,7 triệu lượt (giảm 67,4% so cùng kỳ); tổng thu từ khách du lịch đạt 233.000 tỷ đồng (giảm 54% so cùng kỳ). Tuy nhiên nếu tính trong 10 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa của cả nước bắt đầu tăng trưởng trở lại, đạt 42,5 triệu lượt (giảm 41% so với cùng kỳ năm 2019); tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 253.100 tỷ đồng (giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019). Số liệu ghi nhận cho thấy hiệu ứng của liên kết phát triển du lịch và chương trình kích cầu du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương phát động.

    Ông Lê Thanh Liêm thay mặt TP HCM đề xuất nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch. Cụ thể như sau:

    Thứ nhất, việc hợp tác phát triển du lịch phải nhằm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chiếm tỷ trọng này càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.

    Thứ hai, hợp tác phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tận dụng và tranh thủ lợi thế của công nghệ số, chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

    Thứ ba, tập trung phát triển thị trường khách nội địa trong bối cảnh chưa mở cửa thị trường khách quốc tế. Khai thác tốt thị trường du lịch nội địa đáp ứng nhu cầu du lịch của nhân dân vừa đạt mục tiêu kinh tế vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

    Thứ tư, phát triển du lịch phải bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa.

    Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia và yếu tố tự nhiên, yếu tố văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước.

    TP HCM cam kết tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhóm giải pháp phát triển du lịch trong đó tổ chức thực hiện các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước đi vào thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

  • 10h00

    Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh khá sớm

    Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch lẫn kinh tế tỉnh. Để phục hồi và tăng trưởng trở lại, ngành du lịch tỉnh cần điều chỉnh chiến lược phát triển. "Chuyển đổi số hay nói cách khác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn...", ông Phan Ngọc Thọ nói

    Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh khá sớm, trong đó đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ thông tin ICT để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vấn đề được người dân quan tâm như: giao thông, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa... Tỉnh tập trung hai khía cạnh: quản lý, điều hành thông minh với chính quyền, doanh nghiệp và trải nghiệm các tiện ích thông minh với du khách.

    Theo ông Bình, dù nỗ lực, các giải pháp ứng dụng du lịch thông minh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kết nối chuỗi hệ thống. Hạ tầng, thiết bị hỗ trợ còn chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu lớn (big data) trong ngành du lịch vẫn thiếu, các ứng dụng thiết yếu chưa được đưa vào vận hành, thực hiện... Ông cũng đề xuất 4 kiến nghị với các cơ quan Trung ương:

    Thứ nhất, mong Trung ương quan tâm, chọn Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến thí điểm triển khai loại hình du lịch thông minh. Trong đó quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống máy chủ, máy trạm, đường truyền tốc độ cao, phủ wifi diện rộng để phục vụ du khách.

    Thứ hai, ông mong tỉnh tiếp tục được hỗ trợ, số hóa dữ liệu ngành du lịch và kết nối với dữ liệu của các ngành khác. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về tài nguyên văn hóa và du lịch rất quan trọng. Sắp tới, tỉnh mở rộng số hóa các nguồn dữ liệu về văn hóa, bảo tồn di sản, dữ liệu về y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thời tiết... nhằm kết nối thông tin số liệu và tiếp cận điểm đến, dịch vụ thông qua các ứng dụng, công cụ phù hợp, theo kịp xu hướng công nghệ tiên tiến.

    Thứ ba, cần có các chương trình đào tạo phù hợp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, nâng cao tư duy, trình độ đội ngũ nhân lực du lịch về công nghệ thông tin và phát triển du lịch thông minh. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác công nghệ lớn để tận dụng tri thức, nguồn lực phát triển.

    Thứ tư, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục du lịch cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong ngành du lịch về sự cần thiết và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình hiện nay.

  • 09h45

    Vietnam Airlines mong sớm đón du khách quốc tế

    Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, dù còn nhiều khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng với những chính sách đúng đắn, nhu cầu đi lại, du lịch trong nước sẽ sớm hồi phục, nhanh nhất là năm 2021, tương đương với thành tích của năm 2019.

    Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam thuận lợi hơn quốc tế vì dịch kiểm soát tốt, nhưng đến năm 2023 mới đạt sản lượng như năm 2019. Qua khảo sát, Vietnam Airlines nhận định hành khách quan tâm nhất là vấn đề an toàn, các điểm đến phải đảm bảo phòng chống dịch tốt; chính sách hoàn chuyển đổi booking cần linh hoạt hơn. Ngoài ra, du khách hướng đến đặt chuyến bay cận ngày, du lịch thời gian ngắn, đi theo nhóm nhỏ vì sợ lây lan... Họ cũng nhạy cảm hơn về giá, chuộng xu hướng phổ thông hóa...

    Vietnam Airlines đặt mục tiêu đẩy mạnh giải pháp đảm bảo an toàn trong suốt hành trình, nâng cao sự tiện lợi về kênh bán, công tác truyền thông quảng bá du lịch cần đa dạng hơn...

    Một trong những thế mạnh của Vietnam Airlines thời gian qua là công tác đảm bảo an toàn: phân loại bốn mức độ rủi ro trên các chuyến bay, đảm bảo sức khỏe hành khách, khử khuẩn mọi máy bay, trang bị bảo hộ cho các thành viên tổ bay, đồng thời liên kết các cơ quan ban ngành kích cầu nhiều chương trình du lịch.

    Nhờ những giải pháp đúng đắn, Vietnam Airlines đã nhanh chóng khôi phục hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao đông. Tháng 7, đơn vị khôi phục các đường bay tạm đóng cửa vì dịch, đồng thời khai thác thêm 22 đường bay mới, sản lượng khách tăng cao. Tháng 10, Vietnam Airlines khôi phục toàn mạng bay, sản lượng khách tăng 29% so với cùng kỳ.

    Trong tham luận, Vietnam Airlines đề xuất nhiều ý kiến giúp khôi phục ngành du lịch gồm: kỳ vọng Chính phủ chủ trì, ban hành các quy định liên quan đến an toàn với du khách, nâng cao công tác an toàn ở các điểm tham quan; xây dựng chương trình du lịch có trọng điểm, chi tiết nhằm hút du khách; các đơn vị kích cầu được duy trì dài hạn, phát huy hiệu quả trong mọi giai đoạn; đồng thời sớm hoàn thiện công tác an toàn, kiểm soát dịch bệnh để sẵn sàng mở cửa đón du khách quốc tế.

  • 09h45

    Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup: Sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI, Big Data

    Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang được xem là một trong những hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt với du lịch. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.

    Nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Vingroup, hệ thống Vinpearl đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ tháng 8/2018. Trong hơn hai năm, tập đoàn đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả về kinh doanh - vận hành - trải nghiệm khách hàng. Đối với hệ thống vận lưu trú khách sạn - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí có quy mô lớn như Vinpearl, kết quả phân tích các dữ liệu đầu vào trong quá trình chuyển đổi số đã bước đầu cho thấy tín hiệu hết sức khả quan. Kết quả thể hiện rõ trên ít nhất năm phương diện gồm: chuyển đổi mô hình kinh doanh, tối ưu vận hành, nâng cao năng lực phân tích, tăng tính tự phục vụ, chuẩn hoá các nền tảng công nghệ thông tin.

    Bên cạnh tăng cường chuyển đổi số phục vụ kinh doanh và hoạt động, Vinpearl còn hướng đến mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dịch vụ để tiên phong kiến tạo những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng.

    Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách.

    Đặc biệt, tập đoàn sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách. Qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung.

    Với những kết quả từ quá trình chuyển đổi số mà Vinpearl có được, ông Lê Khắc Hiệp thay mặt Tập đoàn Vingroup thể hiện hy vọng có thể trở thành động lực để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi số; từ đó không chỉ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, mà còn tăng tối đa sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

  • 09h35

    Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel): 5 yếu tố cốt lõi vực dậy du lịch

    Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau dịch Covid-19, nên triển khai theo từng nhóm cụ thể.

    Với nhóm về chính sách thuế, tài chính, ngân hàng, gia hạn thêm thời gian nộp thuế kéo dài 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với cá nhân, gia hạn kéo dài 12 tháng đối với thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động làm việc trong ngành du lịch. Đồng thời gia hạn đến 12 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp lữ hành. Hiện tại nếu chỉ gia hạn 5 tháng thì doanh nghiệp không đủ thời gian tái tạo và hồi phục.

    Đối với các điểm đến tham quan, du lịch do Nhà nước quản lý, tại các khu vực điểm đến trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, TP HCM, Cần Thơ, Phú Quốc...; địa phương cần có chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí tham quan cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến kích cầu du lịch trong giai đoạn phục hồi.

    Về các chính sách kích cầu hỗ trợ du lịch, Tổng cục Du lịch nghiên cứu triển khai các gói kích cầu cho người dân đi du lịch trong nước như kinh nghiệm các nước Thái Lan, Singapore, hỗ trợ kinh phí nhất định cho người dân và các khoản hỗ trợ này các doanh nghiệp lữ hành sẽ được nhận trực tiếp dựa trên lượng khách đi mỗi tháng, sau đó doanh nghiệp sẽ triển khai lại cho khách hàng.

    Mặc dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch vẫn chưa thể phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tổng hợp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế bắt nguồn từ việc các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.

    Theo ông Kỳ, cần đổi mới nhận thức, tư duy về định hướng phát triển du lịch. Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Chuyển đổi số sẽ thay đổi bản chất của ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp dịch vụ số.

    Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm phát triển theo đúng định hướng ngành kinh tế tổng hợp bao gồm nhóm các tiểu ngành.Kết nối các tiểu ngành bao gồm vận chuyển, lữ hành, lưu trú, dịch vụ đồng bộ thành một chuỗi giá trị cung ứng với các nhóm nhỏ gồm vận chuyển, lưu trú, dịch vụ, lữ hành.

    Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp; có cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Ban hành cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch theo định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch.

    Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch

    Ông Kỳ kiến nghị cần dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, động lực; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch. Đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ. Đẩy mạnh thực hiện chính sách "mở cửa bầu trời", triển khai thực hiện thương quyền 5 về hàng không; tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn, tăng cường tần suất các đường bay có sẵn; giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải tại các cảng hàng không. Cơ quan quản lý cũng cần tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông. Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.

    Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch

    Ở khía cạnh này, theo ông Kỳ, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

    Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch.

    Phát triển nguồn nhân lực du lịch

    Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

    Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch

    Ông kỳ đề xuất cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan để tạo điều kiện cho phát triển du lịch; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển du lịch. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng cục Du lịch. Thành lập Sở du lịch tại các địa phương có điều kiện phát triển du lịch theo nguyên tắc không tăng thêm biên chế.

  • 09h25

    Giám đốc điều hành Vietjet - Đinh Việt Phương: Sản phẩm du lịch cần hấp dẫn hơn

    Giám đốc điều hành Vietjet Đinh Việt Phương cho biết Vietjet tự hào là nhân tố thúc đẩy cuộc cách mạng trong ngành hàng không Việt Nam, góp phần giúp kinh tế các địa phương chuyển mình. Hãng có nhiều đường bay mới, tạo cơ hội trải nghiệm phương tiện vận chuyển hiện đại nhất thế giới cho hàng triệu người dân, du khách trong nước và quốc tế.

    Trước Covid-19, Vietjet khai thác hơn 400 chuyến bay mỗi ngày với 139 đường bay trong nước và quốc tế, mở mới 34 đường bay và chuyên chở 25 triệu lượt khách. Tính riêng lượng khách quốc tế năm 2019, Vietjet đã chuyên chở là 8 triệu lượt. Năm 2019, số tiền thu nộp ngân sách của Vietjet trực tiếp và thu hộ thuế, phí lên tới 9.023 tỷ đồng.

    Vietjet cũng ưu tiên công tác phòng, chống dịch Covid-19, kích hoạt Ủy ban khẩn nguy phòng chống Covid-19 để theo dõi tình hình dịch và đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời. Ngay khi dịch bùng phát, Vietjet chung tay triển khai những chuyến bay đặc biệt đưa người dân hồi hương, giải cứu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. 450.000 khách nước ngoài được giải tỏa từ các thành phố Việt Nam về Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc.

    Ông Đinh Việt Phương cho rằng các doanh nghiệp hàng không gặp nhiều thách thức trong năm qua, tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch và nhanh chóng ổn định trở lại các hoạt động kinh tế, du lịch. "Chúng tôi tin rằng đây chính là cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nội địa với 100 triệu dân, cũng như củng cố các nền tảng vững chắc, phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng đón du khách quốc tế trở lại trong tương lai với hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", đại diện Vietjet nói.

    Vietjet không sa thải nhân viên mà vẫn duy trì hoạt động ổn định. Đến nay, hãng đã khôi phục toàn bộ mạng bay trong nước, triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch phối hợp cùng các địa phương khắp cả nước...

    Đơn vị còn hưởng ứng các chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát động như "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" với loạt vé ưu đãi 0 đồng, giới thiệu thẻ bay không giới hạn Power Pass, hạng vé Deluxe mới, nâng cấp hạng vé SkyBoss... Ngoài ra, Vietjet cũng phối hợp các doanh nghiệp tổ chức du lịch, lữ hành nhằm đưa ra những gói du lịch hấp dẫn cho các gia đình, nhóm bạn hay du khách...

    "Để hàng không, du lịch cất cánh trở lại, nhanh chóng lấy lại vị thế mũi nhọn kinh tế đất nước, chúng tôi tin rằng cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp hàng không, du lịch", ông Đinh Việt Phương nhấn mạnh.

    Theo ông, chính sách miễn giảm các loại thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi dành cho doanh nghiệp của Chính phủ... sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp, giúp họ có nguồn vốn tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển.

    Về phía các doanh nghiệp, Vietjet tin rằng việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động cũng như mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh kinh doanh khác biệt hiện nay.

    Sự hợp tác và sáng tạo trong các sản phẩm cũng sẽ tạo ra lợi thế, thu hút được nhiều hơn du khách. Việt Nam đang sở hữu những bãi biển đẹp nhất thế giới tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, những danh lam thắng cảnh như Huế, Hội An, Hạ Long, Ninh Bình, Sapa rất nhiều những vùng đất xinh đẹp, thu hút, đậm đà bản sắc văn hóa... Việc cần làm là làm sao để các sản phẩm du lịch ấy thu hút hơn, du khách không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa. Song song đó ưu tiên các biện pháp chống dịch bệnh, các hãng hàng không sẽ là đơn vị tuyến đầu đảm bảo an toàn cho hành khách và hỗ trợ các địa phương.

  • 09h15

    Các đề xuất kích cầu du lịch nội địa của ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World Holding (Sun Group)

    Chính phủ, Tổng Cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền, phát triển những sản phẩm du lịch mới. Covid-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch. Theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái... hiện được ưa chuộng.

    Thứ hai, cần gia tăng trải nghiệm cho hành khách, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình "kinh tế đêm". Đây là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm. Trước mắt nên thực hiện ở một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, thiết lập các khu mua sắm tập trung, đảm bảo chất lượng, gia tăng các dịch vụ giải trí, các show nghệ thuật, các loại hình ẩm thực về đêm...

    Thứ ba, cần phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường. Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm doanh nghiệp - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương. Từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu.

    Lãnh đạo Sun Group kêu gọi sự ủng hộ từ mọi người; đồng thời Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ các hãng hàng không nhằm mở cửa bầu trời nội địa.

  • 09h05

    Ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist): Không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch

    Theo ông Võ AnhTài, vừa phòng chống dịch, vừa ưu tiên đảm bảo sức khỏe cộng đồng là điều kiện tiên quyết của các cơ quan ban ngành trong bối cảnh hiện nay. Cần phải đảm bảo an toàn cho cả ba đối tượng gồm: du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

    Qua khảo sát của Saigontourist, bên cạnh lo lắng sức khỏe, người dân còn lo lắng về tài chính, làm sao có thể về nhà an toàn, đi đến nơi, về đến chốn" Ông đề xuất các bộ ngành nên có cơ chế kịch bản phối hợp liên tục, liên ngành hay kinh tế vùng. Bởi dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì thế cần có kịch bản ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển.

    Ngoài ra, đại diện Saigontourist đề xuất có cơ chế On/Off, tức tắt mở kịp thời trong mọi tình huống. Ông Tài đồng tình với quan điểm của bà Gloria Guevara - CEO kiêm Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC): không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam cần "sống chung với lũ", linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề có thể xảy đến. Khi dịch bệnh kiểm soát được, ngành du lịch lập tức mở cửa trở lại.

Nguồn tin: vnexpress.net


Airlines   CEO   Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   HCM   Hà Nội   Hội đồng Quản trị   Lãnh đạo   Mục tiêu   Nhật Bản   Thể thao   Trung Quốc   Tập đoàn   Tổng cục   Việt Nam   chiến lược   chính sách   công nghệ tiên tiến   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hành vi   hợp tác   kinh tế mũi nhọn   ki  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...