29/07/2021 5:05  
Ngày 28.7, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất khóa XV. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết chung cả kỳ họp lần này là Quốc hội bổ sung nội dung về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó trao thêm quyền cho Chính phủ để tăng cường chống dịch.

Chính phủ được áp dụng biện pháp khẩn cấp chống dịch

Quốc hội (QH) quyết nghị giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
QH đồng ý cho Chính phủ, Thủ tướng quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế, để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
QH cũng chấp thuận đề xuất của Chính phủ cho phép thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỉ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ được ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách T.Ư hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH thì Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Ngoài các nội dung nêu trên, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian QH không họp, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Các biện pháp nêu trên được QH đồng ý cho Chính phủ, Thủ tướng thực hiện cho đến hết 31.12.2022.

Tránh đầu tư dàn trải

Cùng ngày, QH đã bỏ phiếu thông qua các nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2019.
Đánh giá việc thực hiện vay, trả nợ công 5 năm qua là tích cực, song trong báo cáo giải trình, UBTVQH cho rằng việc sử dụng vốn vay còn nhiều hạn chế, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao. Vấn đề này cần kiên quyết khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, gắn với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
UBTVQH đồng tình với ý kiến việc trần nợ công giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, và chưa tiến đến mục tiêu dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo giải trình thêm của UBTVQH, trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP, do VN là quốc gia đang phát triển, nhu cầu vay nợ để tăng đầu tư là cần thiết cho giai đoạn tới, cũng như dự phòng các tác động phức tạp của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Chính phủ đã đề xuất thêm “ngưỡng cảnh báo” để đặt ra các mục tiêu thực hiện an toàn hơn. Trong trường hợp các chỉ tiêu nợ công chạm ngưỡng cảnh báo, Chính phủ phải báo cáo QH tình hình, giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công.
Một số đại biểu đề xuất cần cân nhắc thận trọng tổng vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tránh xây dựng cao, thực hiện khó. Đồng thuận quan điểm trên, UBTVQH cho rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn, song phương án Chính phủ trình và dự thảo Nghị quyết đã tính đến phòng ngừa rủi ro do tác động đại dịch. Chính phủ sẽ dành khoảng 10% tổng vốn ngân sách chưa phân bổ để xử lý những rủi ro phát sinh. Vì thế, UBTVQH trình QH chấp thuận phương án tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư là 1,5 triệu tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 1,37 triệu tỉ đồng.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...