02/10/2020 14:50  
Hiền là một trong các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, từng chịu sự chỉ trích từ mọi phía, bị cho là tội đồ làm khổ bao người.

Cô là thành viên nhóm công nhân Vĩnh Phúc, trở về từ Vũ Hán ngày 17/1, không biết rằng mình đã nhiễm nCoV. Sau khi cô được đưa đi cách ly, bố, mẹ, em gái cùng hai người họ hàng liên tiếp dương tính do nhiễm bệnh từ Hiền. Trên mạng, trong làng, cô bị mắng là thiếu ý thức, chủ quan, là "tội đồ" khiến cộng đồng vạ lây. Tên, tuổi, quê quán của cô gái trở thành chủ đề bàn tán, chê trách ở khắp nơi.

Hoàng, 43 tuổi, vốn là nhân viên của một công ty vận tải tại Hà Nội, mắc Covid-19 sau chuyến đi Đà Nẵng cuối tháng 7, nhập viện điều trị ngày 4/8. Anh và người thân từng bị dư luận chỉ trích, chửi mắng rất nặng nề như "đồ vô ý thức", "thiếu suy nghĩ". Nhiều người lăng mạ trên trang cá nhân của Hoàng, gọi điện mắng mỏ hàng chục cuộc.

Nhiều bệnh nhân Covid-19, đối mặt với sự chỉ trích khi dịch bệnh lây lan, đã lặng lẽ dựa vào người thân và y bác sĩ, nghĩ về gia đình để vượt qua thử thách, khi khỏi bệnh cố gắng vực lại công việc thường ngày và tìm cách đóng góp cho công cuộc chống dịch.

"Lúc đó, tôi chỉ biết chia sẻ với gia đình để vượt qua", Hiền, cô gái về từ Vũ Hán, kể lại. Những ngày điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hiền liên tục liên lạc với người thân ở quê nhà, vừa thăm hỏi vừa để giữ cho tinh thần không hoảng loạn.

Giữa tháng 2, Hiền được ra viện. Cô dè dặt hơn với mạng xã hội, không dám nghe các cuộc điện thoại lạ, ngại tiếp xúc cả với người trong làng vì sợ tiếp tục phải chịu chỉ trích. Nhưng điều cô lo lắng đã không xảy ra. Toàn bộ bạn bè, và người thân lây nhiễm từ cô đã khỏi bệnh, không ai chê trách, kỳ thị hay mắng mỏ Hiền.

Từ đây, cô gái bình tĩnh hơn, tiếp tục các kế hoạch bị hoãn do dịch bệnh.

Với Hoàng, Covid-19 là cú sốc lớn nhất trong đời, khiến anh suy sụp, mất ăn mất ngủ. Tình trạng này kéo dài tới hơn 20 ngày và chỉ vượt qua được khi anh quyết tâm gạt bỏ tất cả áp lực, không suy nghĩ tiêu cực. Sau khi được bệnh viện tuyên bố khỏi Covid-19, Hoàng ra viện, cách ly ở nhà một mình, còn vợ con tạm trú ở nơi khác để tránh bị ảnh hưởng nếu tái dương tính.

"Trong hai tháng trời tôi ở một mình trong căn phòng 10 mét vuông, không được ra ngoài, rồi tiếp tục thêm gần một tháng cách ly, tôi mới thấm thía hoạn nạn gian nan thì mới đo được lòng người. Tôi nghĩ về gia đình, rồi tự động viên phải cố gắng vượt qua", anh nói.

Nhưng thử thách vẫn chưa hết. Hết cách ly, Hoàng cố gắng vực dậy việc làm ăn ở cửa hàng thiết bị y tế của vợ chồng anh. Việc buôn bán trở nên rất khó khăn khi Hoàng đi chữa bệnh. "Mọi người e dè khi làm ăn với một người có người nhà mắc Covid-19", anh cho biết.

Có những bệnh nhân, dù được tuyên bố khỏi hoàn toàn, vẫn phải đối mặt sự ghẻ lạnh từ những người xung quanh. Phương, 34 tuổi, ở Hà Nội, từng bị cộng đồng mạng mạt sát dữ dội vì cho rằng khai gian dối để trốn cách ly. Một vài đồng nghiệp tỏ thái độ e dè khi cô đi làm trở lại. Mỗi khi đến cơ quan, cô phải đeo hai chiếc khẩu trang và thường xuyên sát khuẩn, tránh bị kỳ thị.

Phương không bi quan, cô cho rằng những thái độ tiêu cực chỉ là của thiểu số. Cô cũng không thanh minh, mà chọn cách đối diện thử thách này bằng thái độ khác. Phương đăng ký tham gia hiến huyết tương để cứu những bệnh nhân Covid-19 nặng.

"Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn các y bác sĩ và chính phủ đã chăm sóc, giúp đỡ trong lúc tôi hoảng loạn nhất", Phương nói và cho biết thêm cô không quan tâm đến sự kỳ thị của một số người.

Ngẫm những gì đã qua, Hiền nói bây giờ cô cảm thấy bình thản.

"Tôi không còn bận tâm xem ai đã chửi mắng mình nữa. Khi dịch bệnh còn mới, mọi người vì lo sợ nên mới quan tâm, chê trách như vậy. Tôi đồng cảm hơn với những người mắc Covid-19 sau này", cô gái 27 tuổi tâm sự.

Hiền cũng đăng ký hiến huyết tương, mong giúp những người gặp cảnh ngộ như cô khi trước.

*Tên nhân vật được thay đổi.

Chi Lê

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Hà Nội   Trung ương   Việt Nam   cách ly   hành vi   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...