30/03/2021 13:21  
Sở GD&ĐT Hà Nội chính thức “chốt” Lịch sử là môn thi thứ 4 vào lớp 10 công lập năm 2021, điều này đang khiến nhiều bạn tỏ ra hào hứng vì “trúng tủ”, số khác lại “sục sôi” vì lo lắng. Cùng đánh bay nỗi sợ hãi môn Sử với những chiến thuật “nhỏ mà có võ” này nha!

Tập trung ta, phân tán địch

Điều điên đầu nhất khi học Lịch sử đó là phải ghi nhớ quá nhiều mốc thời gian, hàng trăm dữ kiện ngày - tháng - năm cứ nhảy nhót loạn cả lên khiến bạn khó mà “nhét” vào đầu được. Đó là lúc chúng mình cần sử dụng chiến lược phân tán, chia nhỏ kiến thức để học kỹ từng phần.

Ở trên lớp, môn Lịch sử được phân chia thành 2 mảng, dạy và học xen kẽ là Lịch sử thế giới - Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, khi ôn luyện thì điều bạn cần làm đó là tách bạch 2 chủ đề này để tránh gây nhầm lẫn, học từng phần một, từ phần nhỏ đến phần lớn sẽ giúp bạn đỡ mất nhiều thời gian.

“Với mỗi phần lịch sử thế giới hay lịch sử Việt Nam, mình thường cố gắng chia theo mốc thời gian của từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại chia thành các đề mục, tiểu mục cùng các ý chính mang tính cốt lõi. Phân chia lượng kiến thức khổng lồ thành những mảng miếng nhỏ như vậy khiến mình cảm thấy dễ nhớ và bớt nản khi nghĩ tới việc ôn luyện hơn” - bạn Phạm Thúy (Hà Nội) bật mí.

Khi đã hệ thống kiến thức thành từng mảng, mục ngắn gọn, khoa học và hợp lý, chìa khóa để chúng mình cần để ghi nhớ hiệu quả những dữ liệu đó chính là sự tập trung. Có thể bạn chưa biết, việc tập trung trong khoảng thời gian ngắn nhưng lặp lại nhiều lần được chứng minh sẽ hiệu quả hơn so với học trong suốt thời gian dài.

Vì vậy, ngay cả khi chúng mình chỉ có 10 phút, hãy học bài luôn, sau đó nghỉ ngơi một lát và tiếp tục học thêm 10 phút. Thử áp dụng ngay với môn Lịch sử xem bạn có dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn là vùi mình vào sách vở cả ngày mà đầu óc vẫn “lơ lửng trên mây” không nhé!

Học Sử đừng học một mình

Adam Grant từng nói: “Cách tốt nhất để học một cái gì đó là hãy dạy nó cho người khác - giải thích một kiến thức mới không chỉ giúp bạn hiểu nó, mà còn giúp bạn nhớ nó kỹ hơn”. Vậy nên, đâu chỉ môn Toán với những bài tập hóc búa mới cần học nhóm để trao đổi, môn Tiếng Anh đòi hỏi giao tiếp mới cần thiết học nhóm để luyện rèn. Cứ thử học Lịch sử theo cách trao đổi, hỏi đáp kiến thức với nhóm bạn mà xem, bạn sẽ thấy hiệu quả không ngờ luôn đó!

“Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng có một bí kíp mà tớ từng đọc ở đâu đó và áp dụng vào việc ôn luyện Lịch sử thấy rất hiệu quả đó là chiến thuật 50/50. Cụ thể là dành 50% thời gian để ôn luyện bài mới và 50% còn lại để chia sẻ hoặc giải thích những gì mình đã học được cho bè bạn. Bởi lẽ, nhồi nhét liên tục những kiến thức mới sẽ khiến tớ quên ngay những điều đã học thuộc trước đây, vì vậy việc chia sẻ, khơi gợi lại kiến thức cũ thường xuyên là cách nhanh nhất giúp tớ không lãng phí thời gian học đi học lại.” - bạn Thu Hòa (Hà Nội) cho biết.

“Có một cách làm khá thú vị mà thầy trò chúng tớ thường áp dụng với môn Lịch sử thay cho việc kiểm tra miệng bài cũ đó là chơi game “hỏi xoáy đáp xoay”. Ví dụ hôm nay học về chiến dịch Điện Biên Phủ thì hôm sau lên lớp, các nhóm sẽ thay nhau hỏi đáp về các dữ kiện liên quan đến chủ đề này, tất nhiên là đội nào trả lời đúng và chi tiết hơn sẽ có quà, đội thua bị phạt. Vừa vui vừa học nên giảm áp lực và sự căng thẳng hơn nhiều.” - bạn Phương Nguyên (Hà Nội) chia sẻ.

Chiến thuật “tâm công”

Có học Lịch sử mới biết tấn công vào tâm lý cũng là một nghệ thuật quân sự, và điều thú vị là chúng mình cũng có thể áp dụng chiến thuật đó để “xử đẹp” môn học khó nhằn này. Hãy nhớ rằng khi não bạn được thư giãn, nó sẽ giống như miếng bọt biển và đương nhiên sẽ tiếp thu thông tin tốt mà không cần gắng sức, vì vậy đừng cố nhồi nhét kiến thức khi chúng mình đang căng thẳng, bực bội, gấp gáp hoặc mất tập trung.

Việc thuộc bài nhanh hay chậm cũng phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm và thời điểm chúng mình chọn để bắt đầu bài học. Tốt nhất nên chọn một nơi thoáng rộng, yên tĩnh, nhưng đừng quá im lặng vì có thể tạo sự căng thẳng và dễ gây buồn ngủ đó nha! Ngoài ra, trí óc thường rất minh mẫn vào sáng sớm nên đây là thời điểm siêu thích hợp để chúng mình ôn luyện và học ghi nhớ những dữ kiện lịch sử khó nhằn.

Đừng vội lắc đầu ngán ngẩm khi thấy quá trời các con số, tên nhân vật lịch sử, trận đánh, địa danh. Nhanh trí liên hệ những thông tin này với các sự kiện cá nhân như ngày sinh nhật, ngày diễn ra concert của idol… cũng là một cách rất thú vị để chúng mình nhớ nhanh, nhớ lâu hơn đó! Môn Lịch sử thực ra không khó nếu chúng mình biết cách học và ôn luyện sao cho hiệu quả đúng không nào!

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Hà Nội   Việt Nam   bí kíp   chiến lược   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...