29/10/2020 19:20  
Thế giới trong tuần này kỷ niệm sự kiện đụng độ nguy hiểm nhất trong Chiến tranh Lạnh, sự kiện được coi là “thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại”.

Nhân loại đối mặt với sự sống còn ở thời điểm này cách đây 58 năm. Những chi tiết về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba chỉ được hé lộ sau hàng thập kỷ, cho thấy mức độ nguy hiểm của sự kiện này.

Căng thẳng leo thang vào sáng ngày 16.10.1962, khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John F. Kennedy, được thông báo Liên Xô đã đưa tên lửa hạt nhân đến Cuba. Ảnh do máy bay do thám U2 chụp lại cho thấy nơi Liên Xô đặt tên lửa chỉ cách vùng ven biển Mỹ khoảng 160km.

Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev khi đó khẳng định chỉ cung cấp cho Cuba vũ khí phòng thủ. Nhưng với tầm bắn lên tới 1.900km, những tên lửa Liên Xô đặt ở Cuba đe dọa hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ.

Theo tài liệu giải mật, Tổng thống Kennedy đã thảo luận cách đối phó với đội ngũ cố vấn. “Nếu chúng ta cho phép các tên lửa Liên Xô đặt ở đó, họ không chỉ đe dọa vị thế của chúng ta, mà còn chiếm ưu thế nhằm gây sức ép”, ông Kennedy nói, theo Daily Star.

“Trong khi đó, nếu chúng ta phá hủy tên lửa hoặc tấn công Cuba, đó là cơ sở để họ đòi chiếm nốt Berlin”, ông Kennedy nói thêm, ám chỉ nửa còn lại của Đức, luôn là mục tiêu của Liên Xô, nhiều năm sau Thế chiến 2.

Ông Kennedy cho rằng, hành động của Liên Xô đang đẩy Mỹ vào tình thế “phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân”. Nhiều cố vấn của ông Kennedy ủng hộ hành động quân sự.

Tham mưu trưởng liên quân Mỹ khi đó là Earle Wheeler ủng hộ giải pháp tấn công Cuba và đã sẵn sàng để hành động nếu Tổng thống ra lệnh.

Ông Kennedy cho rằng, phong tỏa Cuba là chiến lược phù hợp hơn. Nhiều năm sau, các tài liệu giải mật cho thấy ông Kennedy đã đúng. Nếu binh sĩ Mỹ đổ bộ lên đất Cuba năm 1962, họ không chỉ phải đối mặt với 10.000 lính Liên Xô như CIA dự tính, mà con số đó còn lớn gấp 4 lần.

Tồi tệ hơn, Cuba có thể dùng tên lửa hạt nhân chiến thuật để chặn đứng chiến dịch đổ bộ của Mỹ, điều mà CIA ở thời điểm đó chưa tính đến.

Nhưng ngay cả quyết định phong tỏa Cuba thay vì tấn công, vẫn dẫn đến một trong những cuộc đụng độ nguy hiểm nhất trong Chiến tranh Lạnh.

Ngày 27.10.1962, tàu ngầm B-59 của Liên Xô đang trên đường đến Cuba thì bị nhóm tàu chiến Mỹ chặn lại. Một trong số 12 tàu chiến Mỹ khi đó rải mìn nhằm buộc tàu ngầm B-59 phải nổi lên.

Vadim Orlov, sĩ quan tình báo trên tàu ngầm B-59, kể lại: “Mìn phát nổ ngay phía trước mũi tàu, cảm giác lúc đó như bị đánh bằng búa tạ. Chúng tôi cứ nghĩ rằng như thế là hết”.

Nhưng lực lượng Mỹ khi đó không biết rằng tàu có vũ khí bí mật. Đó là ngư lôi hạt nhân 10kT. Thuyền trưởng tàu là Vitali Savitsky không thể liên lạc về sở chỉ huy, có ý định phóng ngư lôi vào tàu sân bay USS Randolph, soái hạm của nhóm tàu Mỹ.

Vasili Arkhipov, sĩ quan trên tàu ngầm là người khuyên thuyền trưởng không phóng ngư lôi. Nếu Savitsky ra lệnh tấn công, một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ là điều khó tránh khỏi.

Tàu ngầm B-59 chấp nhận nổi lên mặt nước và được yêu cầu quay trở về Liên Xô.

Các chuyên gia sau này nhận định, Arkhipov là “một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại”.

Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ở thời điểm đó, nói vào năm 2002: “Chúng tôi đã tiến rất gần tới sự hủy diệt, gần hơn nhiều so với những gì chúng tôi từng biết trước đây”.

Arthur M. Schlesinger, cố vấn hàng đầu của ông Kennedy, sau là một nhà sử học, nói: “Đó không chỉ là khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong Chiến tranh Lạnh, mà còn là khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại”.

Đến ngày hôm sau, vào ngày 28.10.1962, Liên Xô đồng ý rút tên lửa khỏi Cuba, đổi lại Mỹ cũng rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Italia. Cuộc khủng hoảng nhờ vậy đã chấm dứt.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Lãnh đạo   Thổ Nhĩ Kỳ   Tổng thống   chiến lược   chuyên gia   khủng hoảng   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...