10/10/2020 3:30  
Cả 3 gã khổng lồ của ngành công nghệ Trung Quốc, vốn đang bị chính phủ Mỹ và Ấn Độ làm khó dễ cũng như bị khách hàng quay lưng, và trước nguy cơ “thua keo này” ở hai thị trường rộng lớn với hơn 1.7 tỉ dân này, đang tìm cách “bày keo khác” ở thị trường 650 triệu dân của Đông Nam Á.

Tencent Holdings vừa tuyên bố đã chọn Singapore làm trung tâm chiến lược thứ hai cho khu vực châu Á, sau Ấn Độ, nối gót hai đối thủ nội địa của mình là Alibaba Group Holding và ByteDance trong cuộc đua nhằm xây dựng các “căn cứ hải ngoại” gần quê nhà hơn sau những thất bại ở Mỹ và Ấn Độ, Bloomberg tường thuật hôm thứ ba (15/9) .

Ban quản trị của công ty trò chơi và truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc này cũng đang thảo luận về việc biến Singapore như một trung tâm tiềm năng của khu vực Đông Nam Á trước những căng thẳng địa chính trị đang cao trào, Bloomberg trích dẫn các nguồn tin nội bộ.

Theo các nguồn tin thì Tencent đã xem xét việc chuyển một số hoạt động kinh doanh - bao gồm cả xuất bản trò chơi quốc tế - ra khỏi Trung Quốc.

Chuyển hướng

Chuyển sang Đông Nam Á là cách các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đối phó sự thù địch ngày càng gia tăng từ Mỹ và các thị trường lớn khác, và coi khu vực này - với 650 triệu dân ngày càng hiểu biết về điện thoại thông minh - như một “chiến trường” quan trọng. 

Tencent cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ mở một văn phòng mới tại Singapore để “hỗ trợ hoạt động kinh doanh đang phát triển của chúng tôi ở Đông Nam Á và hơn thế nữa,” ngoài các văn phòng hiện tại ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan. 

Công ty cho biết họ đang tuyển dụng các vị trí khác nhau bao gồm chuyên viên phát triển công nghệ và kinh doanh mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tencent hiện đang mở kênh tuyển dụng cho hàng chục cơ hội việc làm ở Singapore cho các đơn vị kinh doanh của hãng bao gồm thương mại xuyên biên giới, điện toán đám mây và thể thao điện tử, theo trang web tuyển dụng của hãng.

Singapore đang nổi lên và thu hút sự chú ý như một trung tâm khu vực cho cả các tập đoàn phương Tây và Trung Quốc vì hệ thống tài chính và luật pháp tiên tiến của nó, và vị trí của Singapore càng nổi trội hơn khi Bắc Kinh thắt chặt sự an ninh ở Hồng Kông. 

Thành phố có dân số dưới 6 triệu dân đã cẩn thận tuyên bố rằng không đứng về phía nào trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường thế giới, với Thủ tướng Lý Hiển Long năm ngoái đã cam kết sẽ tiếp tục là "bạn tốt" với cả Mỹ và Trung Quốc.

Chủ sở hữu của TikTok, ByteDance, đang có kế hoạch chi vài tỷ đô la và tăng thêm hàng trăm việc làm ở Singapore trong ba năm tới, Bloomberg News đưa tin vào tuần trước. ByteDance cũng đã xin giấy phép ngân hàng kỹ thuật số từ ngân hàng trung ương Singapore, cùng với Ant Group do Alibaba hậu thuẫn và Sea do Tencent hậu thuẫn.

Alibaba đã chi 4 tỷ USD để nắm toàn quyền kiểm soát nền tảng thương mại điện tử khu vực có trụ sở tại Singapore, Lazada, nhằm tiến đến mục phục vụ 300 triệu người ở Đông Nam Á, hơn 46% thị phần, trong vòng 10 năm tới. 

Vào tháng 5, Alibaba đã đạt được thỏa thuận mua một nửa tòa nhà AXA Tower của Singapore, có giá trị vào khoảng 1,2 tỷ USD, nhấn mạnh tham vọng mở rộng thị trường. 

Tập đoàn lớn nhất Trung Quốc đang đàm phán để đầu tư 3 tỷ USD, vào Grab Holdings, ứng dụng đặt xe có trụ sở tại Singapore, một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Alibaba vào khu vực Đông Nam Á từ sau khoản đầu tư vào Lazada năm 2016, Bloomberg News đưa tin hôm thứ hai (14/9).

Mối quan hệ tiềm năng với Grab cho phép Alibaba tiếp cận dữ liệu của hàng triệu người dùng ở 8 quốc gia, đội ngũ giao hàng ngày càng lớn mạnh, cũng như dịch vụ tài chính và ví điện tử.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc sẽ chi một phần quỹ, bằng khoảng 20% mức định giá gần đây của Grab là 14 tỉ USD để mua lại một số cổ phần của Grab do Uber Technologies nắm giữ.

Trong những năm gần đây, Tencent, với sự hiện diện rất hạn chế ở Singapore và Đông Nam Á, đã tập trung nỗ lực để mở rộng ra toàn cầu khi thị trường Trung Quốc bão hòa và các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn về trò chơi làm giảm tốc độ tăng trưởng trong nước. 

Nhờ việc khai thác các trò chơi nhượng quyền thương mại phổ biến từ các nhà đầu tư như Activision Blizzard và biến chúng thành các siêu phẩm trên thiết bị di động, trong quý cuối cùng của năm 2019, các tựa game quốc tế như Call of Duty Mobile và PUBG Mobile chiếm 23% trong đế chế trò chơi trị giá 17 tỷ USD của Tencent.

Chiếu bí?

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực hết mình của Tencent, những mâu thuẫn địa chính trị vẫn có khả năng cản trở sự thúc đẩy mở rộng ra quốc tế của Tencent. 

Tổng thống Donald Trump đã cấm các tổ chức Hoa Kỳ giao dịch với siêu ứng dụng WeChat của Tencent từ ngày 20 tháng 9, trong khi các trò chơi ăn khách của công ty là PUBG Mobile và Arena of Valor bị cấm ở Ấn Độ.

PUBG của Hàn Quốc đã rút quyền phát hành PUBG Mobile của công ty Trung Quốc ở Ấn Độ, sau khi quốc gia này cấm game bắn súng di động phổ biến này cùng với 118 ứng dụng do Trung Quốc sản xuất trong bối cảnh xung đột biên giới gần đây, do các ứng dụng của Trung Quốc đã thúc đẩy các hoạt động "phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ". 

Trong khi đó, lệnh hành pháp ngày 6 tháng 8 của Trump cấm các giao dịch không xác định với WeChat và nhà điều hành Tencent, và Bộ Thương mại vẫn chưa xác định liệu các hoạt động chơi game có bị cấm kể từ ngày 20 tháng 9 hay không.

Theo Wall Street Journal, hãng phần mềm Oracle đã vượt qua Microsoft để giành được mảng kinh doanh tại Mỹ của TikTok. Tuy nhiên, TikTok sẽ không chuyển giao thuật toán, vốn là giá trị cốt lõi của ứng dụng này, trong bất kỳ thỏa thuận bán hoặc thoái vốn nào tại Mỹ, theo South China Morning Post.

Oracle và Microsoft là hai doanh nghiệp tuyên bố có kế hoạch mua mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ hồi tháng 8, sau khi Tổng thống Trump ra lệnh buộc TikTok bán mảng kinh doanh tại Mỹ trước 15/9 hoặc đối mặt nguy cơ đóng cửa trước nguy cơ mất an ninh quốc gia. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Donald Trump   TikTok   Trump   Trung Quốc   Tập đoàn   Tổng thống   chiến lược   căng thẳng   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...