26/10/2020 20:10  

Đề nghị cho cán bộ, người lao động nghỉ làm trong ngày 28.10

Phát biểu tại cuộc họp này, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho hay cơn bão số 9 (bão Molave) dự báo sẽ ngang với cơn bão Xangshane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006 và bão Damrey vào Khánh Hòa năm 2017.
“Do vậy, tôi thống nhất ngay từ bây giờ tập trung vào phòng, khi bão vào thì tránh và sau khi bão số 9 xong thì tổ chức ứng cứu. Trong thời gian có bão thì hạn chế di chuyển”, ông Minh nói.
Ông Minh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN TP và các quận huyện phải trực chỉ huy tại các trụ sở bắt đầu từ 18 giờ tối mai 27.10.
Đối với việc neo đậu tàu thuyền, Sở NN-PTNT TP phối hợp với các đơn vị vận động tàu cá neo đậu sâu vào bên trong sông Hàn để tránh bão. Những tàu chở xăng dầu thì phải di chuyển ra khỏi âu thuyền nếu không đi thì lập biên bản.
Tại Sơn Trà, phải đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ và phải đưa qua khỏi khu vực đường Hoàng Sa. Lực lượng quân sự bố trí các ca nô tại một số quận huyện như Hòa Vang, Cẩm Lệ… để khi cần có thể điều động nhanh. Bộ chỉ huy Quân sự TP bố trí các xe quân sự để di chuyển khi có việc cần kiểm tra.
Các điểm di dời cần chú ý ở chỗ Hòa Vang và Liên Chiểu, các điểm có nguy cơ sạt lở cần phải di chuyển hết người dân.
“Khoảng 20 giờ tối mai (27.10) và ít nhất đến sau 14 giờ chiều 28.10, ngành giao thông hạn chế các phương tiện di chuyển trên đường phố”, ông Minh nói, người dân tuyệt đối không ra ngoài đường trong thời điểm này.
Ngành chức năng có văn bản gửi các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao cho công nhân nghỉ làm trong ngày 28.10 để người dân không ra ngoài khi có bão.
“Đặc biệt, đề nghị Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng trong ngày 27.10 phải tổ chức họp với Ban quản lý tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, đây là trung tâm chỉ huy của TP Đà Nẵng, nên phải kiểm tra chặt chẽ, kiểm tra toàn bộ các tầng và có phương án phòng, chống để đảm bảo an toàn”, ông Minh nói và yêu cầu Sở Nội TP cần có văn bản tham mưu cho UBND TP cho cán bộ, công chức, người lao động nghỉ làm trong ngày 28.10 để phòng chống bão số 9.

Không tự ý triển khai lực lượng cứu nạn

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu trên cơ sở chức trách của mình, các ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai nội dung công điện về chống bão số 9; phân trách nhiệm của người tổ chức thực hiện rõ ràng, giao việc đến tận cá nhân. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, dự kiến các tình huống xảy ra.
“Ví dụ ngành Công thương đã chuẩn bị nhưng kho lương thực ở đâu, ai sẽ di chuyển lương thực, thực phẩm. Đó có là nơi ngập lụt, nơi có thể bị đánh thẳng vào trung tâm chứa lương thực, thực phẩm không?”, Bí thư Đà Nẵng nói: “Ngành công thương và các ngành đều phải có phương án. Chúng ta rút bài học Covid-19, chúng ta trông chờ vào bệnh viện để ứng phó thì Covid-19 đánh thẳng vào bệnh viện. Tôi nhấn mạnh bài học đó cho chúng ta thấy không được chủ quan và suy nghĩ xuôi chiều”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu tất cả những người đứng đầu cấp ủy và sở, ban ngành phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai theo công điện. “Tôi đề nghị phải có văn bản, nếu xảy ra sơ suất thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, ông Quảng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu, cả hệ thống chính trị tham gia vào việc vận động người dân thực hiện các nhiệm vụ trong công tác chống bão trước khi bão vào.
“Rút kinh nghiệm về việc sạt lở, đề nghị H.Hòa Vang và các điểm mà các đồng chí dự kiến phải rà soát thì kiểm tra rất kỹ việc này, không được chủ quan. Các công trình đang thi công thì phải kiểm tra rất kỹ và không để người dân tập trung vào các lán trại, nhất là các công nhân. Nguy cơ mất an toàn ở các lán trại là rất cao”, ông Quảng nói.
Cùng với việc yêu cầu lập danh sách lực lượng ứng trực các địa phương và lực lượng cứu hộ để có đầu mối, ông Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
“Rút kinh nghiệm cho thấy người dân thì thiệt hại 1 nhưng lực lượng của chúng ta thiệt hại cũng tương ứng. Do đó, tôi đề nghị khi có tình huống xảy ra thì các đồng chí thực hiện theo phương án nhưng tổ chức các lực lượng, thời điểm triển khai ứng cứu thì phải có chỉ đạo thống nhất. Việc này phải chuyển đến cho Ban chỉ đạo TP chống bão số 9 và các đồng chí sẽ quyết định về việc điều lực lượng và thời điểm chứ không tự ý triển khai lực lượng”, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh ngành chức năng TP.Đà Nẵng phải đảm bảo lực lượng chống bão số 9 "chứ không đi cứu 1 người mà thiệt hại 2 - 3 người thì không phải mục tiêu". Đà Nẵng phải hết sức chặt chẽ khi quyết định các biện pháp cứu nạn, cứu hộ...

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Cẩm Lệ   Sơn Trà   doanh nghiệp   thực phẩm   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...