16/05/2021 17:06  
Trước việc toàn Hà Nội đã có 200 ca Covid-19, trong đó hơn 1 nửa xuất phát từ 2 bệnh viện lớn của T.Ư đóng trên địa bàn, ngày 16.5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có trao đổi với báo chí về định hướng chống dịch của thủ đô.
Ông Dũng cho rằng, sự khác biệt ở đợt bùng phát thứ tư này là dịch Covid-19 đã tấn công vào những “thành trì” quan trọng trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, là các cơ sở y tế và các khu, cụm công nghiệp.
Tại Hà Nội, hai cơ sở y tế lớn thuộc quản lý của Bộ Y tế là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại H.Đông Anh và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều tại H.Thanh Trì đã buộc phải phong toả, cách ly.
Covid-19 còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của một số cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn như Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô... Các ca dương tính cũng đã được phát hiện tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), nguy cơ lây lan ở các khu, cụm công nghiệp đang rất cao.
Theo ông Dũng, sớm nhận thức được tính chất nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ tư, Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đã xác định phòng, chống dịch là ưu tiên số một, và nhờ đó, đã và đang kiểm soát tốt tình hình.
Bí thư Hà Nội đánh giá, đến nay, các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội “đang làm rất tốt, cơ bản giữ được an toàn”. Tương tự, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng đang duy trì tốt hoạt động sản xuất.
“Lãnh đạo thành phố và nhân dân rất trân trọng những nỗ lực, cố gắng không quản ngại hy sinh của các lực lượng tuyến đầu, nhất là cán bộ y tế, công an, quân đội... Xin gửi tới các đồng chí lời cảm ơn sâu sắc, mong các đồng chí tiếp tục cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa!”, Bí thư Hà Nội nói.

Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp

Tuy vậy, ông Dũng cho rằng, diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, khó lường, trong khi thành phố cùng cả nước đang hướng tới sự kiện chính trị rất quan trọng là ngày bầu cử.
“Đây là thời điểm rất quan trọng. Mục tiêu số một của thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 lúc này là bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, tuyệt đối không để dịch lan rộng trong cộng đồng. Chỉ có kiểm soát được dịch, chúng ta mới có điều kiện để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mắt - tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày 23.5 tới đây”, ông Dũng khẳng định.
Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành và nhân dân thủ đô “phải nỗ lực ở mức cao nhất”, đoàn kết, thống nhất thực hiện nghiêm các quy định, các chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19; tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vững chắc thành quả chống dịch đã đạt được, đồng thời tấn công, đẩy lùi dịch bệnh trên các mặt trận.
Đặc biệt, phải tập trung ưu tiên giữ vững “thành trì” chống dịch là các bệnh viện, cơ sở y tế; đồng thời không để dịch xâm nhập, lây lan trong các khu, cụm công nghiệp - những “thành trì” của chuỗi sản xuất và phát triển kinh tế, là cơ sở để duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Dũng cũng yêu cầu Sở Y tế “tuyệt đối” không để “lọt lưới” người có nguy cơ cao vào trong bệnh viện hoặc từ bệnh viện ra ngoài cộng đồng. Cán bộ lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phải thực sự là “tư lệnh” trong cuộc chiến chống dịch tại cơ sở của mình.
“Các nguyên tắc, biện pháp chuyên môn đã được Bộ Y tế khuyến cáo, các bệnh viện cũng đã và đang áp dụng; tuy nhiên, xét cho cùng cách thức thực hiện, hiệu quả thực hiện mới là quan trọng nhất”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Phòng khám Thu Cúc bị đình chỉ là "bài học chung" cho mọi cơ sở y tế

Bí thư Hà Nội cũng lấy việc phòng khám Thu Cúc bị buộc phải tạm ngưng hoạt động là bài học chung để mọi cơ sở y tế, dù là công lập hay tư nhân, đều phải xác định rõ trách nhiệm và lương tâm trong tham gia phòng, chống dịch và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, không được vì lợi riêng mà quên lợi ích chung của cộng đồng.
Bí thư Hà Nội cũng chỉ đạo ngành y tế tiếp tục bám sát tiến độ giải quyết của Bộ Y tế đối với đề xuất mua vắc xin của thành phố; trước mắt tập trung hoàn thành ngay việc xét nghiệm, sàng lọc người trở về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết các ca bệnh, không để lây lan ra cộng đồng...
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành thành phố phải phối hợp với Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để mỗi khu, cụm công nghiệp và mỗi cơ sở sản xuất đều trở thành một “pháo đài” chống dịch.
Ông Dũng gợi ý có thể chia nhỏ, tách riêng hoạt động của từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất, từng nhà máy với nhau để không may phát hiện ca nhiễm ở phân xưởng, tổ, đội này, nhà máy này thì chỉ phải phong toả, cách ly ở 1 - 2 nơi thay vì cả nhà máy, cả khu, cụm công nghiệp.
Các cấp, các ngành chức năng của thành phố, nhất là nơi có khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phải tiếp cận, làm việc cụ thể với ban quản lý, chủ doanh nghiệp ngay để bảo đảm các biện pháp này được thực hiện; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, phải chủ động đi trước, làm trước, có biện pháp trước.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Hà Nội   Lãnh đạo   Mục tiêu   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...